Mỹ siết chặt xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang Trung Quốc
Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố Washington đang hạn chế xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự sang Trung Quốc do lo ngại các vấn đề an ninh quốc gia.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong một thông báo, Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry khẳng định Washington không thể bỏ qua những ảnh hưởng tới an ninh quốc gia khi "Trung Quốc nỗ lực giành công nghệ hạt nhân bên ngoài trong quá trình hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ-Trung Quốc”.
Ông cho biết chính sách mới này, vốn có hiệu lực ngay lập tức, đưa ra những nguyên tắc xem xét toàn bộ việc chuyển giao công nghệ hiện nay và trong tương lai cho Trung Quốc.
Bộ Năng lượng Mỹ cũng nêu rõ sẽ không ngừng việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự sang Trung Quốc, song sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn. Hầu hết hợp đồng chuyển giao công nghệ hiện nay, được phê chuẩn trước ngày 1/1/2018, sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách này.
Theo một số quan chức Bộ Năng lượng Mỹ, nhiều khả năng Mỹ sẽ từ chối cấp các giấy phép mới cho Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc.
Từ năm 2017, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã đánh giá khả năng Trung Quốc tìm cách nắm giữ công nghệ tiên tiến, thiết bị và vật liệu hạt nhân từ nhiều công ty của Mỹ.
Theo số liệu thống kê chính thức, năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự từ Mỹ sang Trung Quốc đạt 170 triệu USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mặt hàng này lớn thứ 2 của Mỹ, chỉ sau Anh.
Giới chức Bộ Năng lượng Mỹ thừa nhận ngành công nghiệp hạt nhân của Washington có thể ảnh hưởng từ quyết định này trong ngắn hạn, song việc Trung Quốc tập trung cạnh tranh các sản phẩm hạt nhân của Mỹ có thể gây thiệt hại lâu dài đối với các thị trường toàn cầu và việc làm trong nước về lâu dài.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng tiến hành thêm nhiều biện pháp nữa khiến nền kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại nghiêm trọng hơn.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News, Tổng thống Trump nhấn mạnh các biện pháp áp thuế nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã có "tác động lớn" đối với nền kinh tế thứ 2 thế giới. Ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc về cơ bản đã bị suy giảm, đồng thời cảnh báo có thể gây thêm áp lực hơn nữa nếu ông muốn.
Tuy vậy, Tổng thống Trump khẳng định: "Tôi không muốn làm vậy, song Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán". Tổng thống Trump đổ lỗi cho những người tiền nhiệm vì đã cho phép Trung Quốc theo đuổi các hành vi thương mại mà ông cho là không công bằng, đồng thời nhấn mạnh "điều đó đã kết thúc".
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ tháng 7 vừa qua, khi chính quyền của Tổng thống Trump áp thuế mới đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, hiện đã lên đến 500 tỷ USD.
Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã tiến hành nhiều hành động trả đũa lẫn nhau thông qua các biện pháp thuế quan, bất chấp một loạt nỗ lực nhằm giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại.