Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam
Cá tra của Việt Nam đã có mặt ở 140 thị trường, tăng thêm 4 thị trường so với năm 2015, trong đó thị trường Mỹ chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu.
Trong năm nay, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức của thị trường, biến đổi khí hậu, nhưng sản phẩm cá tra – lợi thế của Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng.
Trong đó, ước diện tích nuôi cả năm khoảng 5 ngàn ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn. Ước tổng giá trị xuất khẩu 2016 đạt trên 1 tỷ 600 triệu USD, tăng trên 6,6% so với năm ngoái.
Tại hội nghị Tổng kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra 2016 và giải pháp để phát triển bền vững do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức sáng ngày 14/12 tại An Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, cá tra của Việt Nam đã có mặt ở 140 thị trường, tăng thêm 4 thị trường so với 2015.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt ở mức trên 360 triệu USD. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, nâng cao sức cạnh tranh thì sản phẩm cá tra ngày càng đối mặt với những biến động thị trường, các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng dày.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Năm nay chứng kiến sự biến động rất lớn ở ngành hàng cá tra. Về giá trị, giá cá tra từ đầu năm đến nay trồi sụt. 6 tháng đầu năm thì hầu như giá ở mức rất thấp, về những quý sau mới cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của giá nguyên liệu không ổn định.
Dự kiến trong 2017, diện tích nuôi cá tra giữ ở mức dưới 5.500 ha với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn. Trong đó, sẽ tập trung nâng cao chất lượng giống cá tra; tiếp tục đánh giá chất lượng, hoàn thiện và chuyển giao đàn cá tra chọn giống của Bộ cho các địa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi theo tiêu chuẩn GAP, nhất là mở rộng việc áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản VietGap trong nuôi cá tra. Mặc khác, đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ nông dân thành hợp tác xã, tổ hợp tác để làm nền tảng, tạo đầu mối cho liên kết dọc với các nhà máy chế biến, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến.