Năm 2015, không in và đưa thêm tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông
(Tài chính) Đó là khẳng định của ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại cuộc họp báo sáng 21/1.
Ông Tú cho rằng, từ thực tế không in ấn tiền mới đưa vào lưu thông cả 4 mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng, Ngân hàng Nhà nước đã tiết kiệm được 1.084 tỷ đồng cho ngân sách.
Để triển khai thực hiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, sở giao dịch có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho các tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước trên địa bàn, qua đó đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông đã khiến tỷ lệ tiền mệnh giá nhỏ quay về hệ thống ngân hàng sau dịp lễ hội thấp hơn nhiều so với các năm trước, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các kho tiền của ngân hàng; tạo thuận lợi cho công tác bảo quản, kiểm đếm và tuyển chọn tiền cũng như đảm bảo các nhu cầu của an toàn khó quỹ.
Đồng thời, để đảm bảo cung ứng tiền mặt và tăng cường dịch vụ ATM dịp Tết Ất Mùi, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng có hệ thống ATM cần đặc biệt quan tâm tăng cường tiếp quỹ các máy ATM và tìm giải pháp đảm bảo hệ thống thông suốt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét cho phép một số ngân hàng triển khai dịch vụ ATM lưu động nhằm hỗ trợ giảm tải cho các ATM cố định, nhất là vào các thời gian cao điểm, các ngày trả lương của khách hàng trên cơ sở đảm bảo an toàn cho khách hàng và ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chuyển tiền mặt bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của các địa phương trong cả nước. Trong trường hợp ATM quá tải, người dân có thể tới chi nhánh, điểm giao dịch của Ngân hàng để rút tiền mặt trực tiếp. Mặt khác, các doanh nghiệp có thể thỏa thuận với ngân hàng thương mại để rút tiền mặt về chi trả lương, thưởng cho công nhân trong dịp Tết nguyên đán.