Năm 2015, tất cả ngân hàng lên sàn: Không thể!
(Tài chính) Trước yêu cầu phải niêm yết vào năm 2015, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần đang trong giai đoạn chuẩn bị và có lộ trình niêm yết cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện rào cản đối với việc niêm yết khá nhiều nên vẫn còn nhiều nghi ngại về việc hoàn thành mục tiêu này.
Sức ép niêm yết
Năm 2013, ngành Ngân hàng đã giải quyết được một số vấn đề lớn như ổn định thanh khoản, xử lý ngân hàng yếu kém. Song song đó, thị trường vàng cũng được bình ổn, không còn tình trạng đầu cơ làm giá, việc tất toán trạng thái vàng cũng không gây rủi ro cho hệ thống. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ngân hàng còn rất nặng nề vì áp lực phải tái cơ cấu để minh bạch thông tin, chống sở hữu chéo, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, xử lý nợ xấu để tiếp tục khôi phục lòng tin của thị trường.
Do vậy, sau khi thực hiện tái cơ cấu 9 NHTM yếu kém, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã thông báo, năm nay NHNN sẽ triển khai đợt tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) lần 2. Khi thông báo này được phát đi, các NHTM đã rầm rộ tự lên kế hoạch tái cơ cấu thể hiện qua hàng loạt vụ mua bán sáp nhập được lên kế hoạch.
Đến nay, NHNN đã nhận được 24/25 phương án tái cơ cấu của các TCTD và đang tiến hành xem xét để phê duyệt. Nhưng song song với việc tái cơ cấu, còn một yêu cầu nữa NHTM phải sớm thực hiện theo yêu cầu của NHNN là niêm yết vào năm 2015. Tính đến nay, hệ thống NHTM chỉ mới có 9 NHTM thực hiện niêm yết trong khi những ngân hàng khác dù đã lên kế hoạch nhiều năm vẫn chưa thực hiện được.
Theo bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc sở Giao dịch chứng khoán TPHCM HOSE), hiện nay có trên 20 ngân hàng đang hoạt động với tư cách là công ty đại chúng, ngoài các NHTM cổ phần đã thực hiện niêm yết trên HOSE và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), các ngân hàng khác cho biết đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nhưng cũng chuẩn bị và có lộ trình niêm yết vào năm 2015 theo yêu cầu của NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Để hỗ trợ ngân hàng tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với việc niêm yết, HOSE đã tiến hành làm việc với từng NHTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, qua tiếp xúc các NHTM đã sẵn sàng cho việc niêm yết hơn trước đây, nhưng do nhiều ngân hàng sẽ tiến hành sáp nhập, hợp nhất nên phải chờ hoàn thành mới có thể thực hiện niêm yết. Thực tế, trước đó rất nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch niêm yết, nhưng sau một thời gian dài vẫn chưa thực hiện được nên vẫn còn nhiều nghi ngại về sức ép lên sàn.
Như SCB cho biết có thể sẽ lên sàn vào năm 2016, sau khi hoàn tất xong giai đoạn 3 năm của đề án tái cơ cấu. Trong khi đó, LienVietBank có ý định mở rộng mạng lưới, tìm thêm cổ đông chiến lược để tiến hành niêm yết vào năm 2010, nhưng sau khi trở thành LienVietPostBank đến nay ngân hàng này vẫn chưa có thông báo về việc lên sàn. Với ABBank trước đây đã có kế hoạch lên sàn nhưng chưa thực hiện được do thị trường chứng khoán diễn biến xấu, hiện nay hướng niêm yết đã có nhưng chưa biết khi nào.
Còn nhiều khó khăn
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), niêm yết lên sàn chứng khoán sẽ giúp các ngân hàng nâng cao chất lượng quản trị, vì khi lên sàn ngân hàng sẽ phải chịu áp lực từ các cổ đông, đồng thời đây là giải pháp để các ngân hàng minh bạch thông tin và giải quyết vấn đề sở hữu chéo. Khi giao dịch trên sàn, cổ phiếu ngân hàng sẽ bộc lộ được tính thanh khoản, đó là cơ hội để ngân hàng hút vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, lộ trình của việc thực hiện niêm yết còn phụ thuộc vào bước đi của NHNN và từng NHTM. Trong khi đó, rất nhiều ý kiến cho rằng hiện nay các NHTM vẫn khó niêm yết bởi còn rất nhiều vấn đề chưa xử lý được. Như theo Thông tư 26/2012/TT-NHNN, hướng dẫn thủ tục chấp thuận của NHNN đối với việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài của TCTD cổ phần, theo đó ngân hàng muốn niêm yết phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý trong thời gian 2 quý liền kề trước quý đề nghị niêm yết. Mặc dù các NHTM đang ráo riết xử lý nhưng theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, nợ xấu của các ngân hàng đang có xu hướng tăng lên.
Đặc biệt, đây là giai đoạn các NHTM đang rầm rộ thực hiện sáp nhập hợp nhất, hầu hết các ngân hàng nhỏ muốn sáp nhập đang gánh một khoản nợ xấu rất lớn trong khi riêng bản thân ngân hàng sáp nhập cũng đã có khoản nợ xấu riêng. Nên sau khi sáp nhập gánh nợ xấu tăng lên đi kèm nhiều vấn đề cần phải xử lý, do vậy mất nhiều thời gian để xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu niêm yết.
Song song đó, vài năm gần đây, cổ phiếu ngân hàng đã dần mất đi vị thế, khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của các ngân hàng đã niêm yết vẫn lớn nhưng thanh khoản thấp, không tương xứng với tỷ lệ vốn hóa trên thị trường chứng khoán.
Trên thị trường OTC, cổ phiếu nhiều ngân hàng giao dịch thấp hơn mệnh giá và không có tính thanh khoản. Tiếng nói của cổ đông ngày càng yếu thế vì lãnh đạo ngân hàng giữ số cổ phần áp đảo, nắm quyền quyết định trái với tâm tư nguyện vọng của cổ đông khiến không ít cổ đông chán nản.
Hơn nữa, lợi nhuận ngân hàng gần đây rất thấp, dẫn đến cổ tức sụt giảm. Nhiều ngân hàng còn thông báo phải thực hiện tái cơ cấu nên không chia cổ tức cho cổ đông. Điều này khiến cổ phiếu ngân hàng không còn sức hấp dẫn như trước đây.
Trong khi đó, các quỹ đầu tư nước ngoài cho biết các NHTM cổ phần tại Việt Nam thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính, các nhóm cổ đông lớn lại nắm quyền chi phối nên khó tạo được lòng tin. Đối với ngân hàng, hiện chỉ có các định chế tài chính lớn muốn tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam mới quan tâm đầu tư thông qua việc rót vốn.