Năm 2016: Thị trường trái phiếu sẽ sôi động
Các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) diễn ra trong những ngày đầu năm mới 2016 đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, báo hiệu một năm đầy sôi động cho thị trường trái phiếu.
Sôi động những ngày đầu
Ngày 17/2/2016, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành với khối lượng gọi thầu 5.000 tỷ đồng cho kỳ hạn 5 năm. Phiên đấu thầu thu hút 18 thành viên dự thầu và huy động thành công 5.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 6,50%/năm. Ngay sau đó, tại phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 5 năm, đơn vị này cũng đã huy động thêm được 1.500 tỷ đồng với sự tham gia của 8 thành viên.
Trước đó, tại phiên đấu thầu ngày 3/2 KBNN cũng đã phát hành 5.000 tỷ đồng cho TPCP kỳ hạn 3 năm (1.000 tỷ), 5 năm (3.000 tỷ) và 15 năm (1.000 tỷ). Kết quả, trái phiếu kỳ hạn 3 năm có 10 thành viên tham gia dự thầu, huy động được 200 tỷ đồng với lãi suất 5,75%/năm; kỳ hạn 5 năm có 12 thành viên, huy động được 2.950 tỷ đồng và lãi suất trúng thầu đạt 6,60%/năm; kỳ hạn 15 năm thu hút được thành viên, huy động được 842,5 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,65%/năm. Như vậy, kể từ đầu năm 2016, KBNN đã huy động thành công 21.268,90 tỷ đồng TPCP.
Theo đánh giá của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường đang có sự tăng trưởng ấn tượng cả về quy mô và cơ cấu kỳ hạn, nhất là kỳ hạn ngắn. Ông Quách Hùng Hiệp, Chủ tịch VBMA cho rằng, nhờ việc điều hành linh hoạt của cơ quan quản lý thông qua việc điều chỉnh mặt bằng lãi suất phát hành hợp lý hơn đã hỗ trợ cho thị trường TPCP sôi động trở lại. Đặc biệt, trái phiếu kỳ hạn 3 - 5 năm được phép phát hành với tỷ lệ 30% tổng giá trị phát hành (trong năm 2015) đã thổi một luồng gió mới trên thị trường. Thông tin này được các nhà đầu tư đón nhận tích cực, đó cũng chính là lý do giải thích vì sao trong năm 2015, tổng khối lượng phát hành thành công lên đến 74.000 tỷ đồng, đóng góp lớn vào thị trường.
Mặc dù vậy, theo VBMA thị trường TPCP thời gian qua tiếp tục cho thấy có những điểm hạn chế và đang ngày càng bộc lộ rõ nét như nghèo nàn về sản phẩm, thiếu hụt công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như phương tiện kinh doanh trong xu hướng lãi suất lên. Hơn nữa, nền tảng nhà đầu tư trên thị trường chưa được đa dạng, khối ngân hàng thương mại vẫn chiếm tỷ trọng lớn khiến diễn biến thị trường phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng. Trong khi đó, đối với thị trường trái phiếu DN, sự phát triển còn rất sơ khai và manh mún; thông tin về tổ chức phát hành chưa được công khai, minh bạch; các quy định pháp luật tương đối sơ sài và chưa có hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách. Hiện nay khối nhà đầu tư chủ đạo trên thị trường là các ngân hàng thương mại, chủ yếu có nguồn vốn ngắn hạn, việc cân đối để đầu tư vào các kỳ hạn dài là hết sức khó khăn.
Năm 2016 phát hành 220.000 tỷ đồng
Năm nay, KBNN có kế hoạch phát hành 220.000 tỷ đồng TPCP, riêng quý I sẽ phát hành 76.000 tỷ đồng, trong đó 45% là các trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (70%), 3 năm là 30% và trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero coupon bond) sẽ được phát hành 1 phiên/quý. Đồng thời tăng cường tính thanh khoản của thị trường bằng cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, kỳ hạn phát hành, và chuẩn bị đưa thị trường phái sinh vào hoạt động.
Để đạt được kết quả này cũng như khắc phục những tồn tại của TTTP trong thời gian qua, ông Hiệp kiến nghị, với các kỳ hạn ngắn cần có số lượng cụ thể để xây dựng và duy trì các mức lãi suất tham chiếu chuẩn trên thị trường, và cho phép bán khống, phát hành lãi suất thả nổi, lãi suất gắn với lạm phát. Đồng thời sớm tháo gỡ vướng mắc về giới hạn đầu tư đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cụ thể là xem xét điều chỉnh nâng giới hạn tỷ lệ nắm giữ. Để tăng mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý cũng cần cho phép sử dụng chính sách thuế phí linh hoạt hơn bởi mức thuế 10% trên lãi coupon và 0,1% trên mỗi giao dịch bán hiện nay đang là rào cản khá lớn hạn chế sự tham gia của khối này. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ thanh khoản cho các thành viên đấu thầu, tạo lập thị trường để thúc đẩy hơn nữa tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp.
Xác định TPCP vẫn là một kênh huy động ngân sách quan trọng nên Bộ Tài chính cũng đã đề ra hàng loạt các giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển. Theo đó, Bộ đã ban hành thông tư nhằm hoàn thiện kỹ thuật phát hành, chế độ công bố thông tin báo cáo đảm bảo việc phát hành tín phiếu thuận tiện và phù hợp với cơ chế thị trường; thông tư hướng dẫn về mua lại TPCP; nghiên cứu cơ chế cho vay TPCP; sửa đổi, bổ sung chính sách về phát hành TPDN. Bộ Tài chính cho biết, sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, triển khai đề án chuyển chức năng thanh toán tiền TPCP sang Ngân hàng Nhà nước để giảm thiểu rủi ro hệ thống thanh toán TPCP. Về các giải pháp điều hành thị trường, Bộ Tài chính cũng sẽ giảm số mã trái phiếu và tăng quy mô niêm yết của một mã trái phiếu; xây dựng cơ sở dữ liệu phát hành TPDN để củng cố việc công bố thông tin trên thị trường.