Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Bảo hiểm Xã hội
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành Bảo hiểm Xã hội trong thời gian qua đã bước đầu tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành và giúp nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Thế Mạnh- Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam khi làm việc với các đơn vị liên quan về tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH.
Tạo sự minh bạch trong quản lý chính sách
Theo báo cáo của Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam), năm 2017, ngành BHXH bắt đầu triển khai kê khai nộp BHXH qua hình thức giao dịch điện tử nhằm giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp (DN), đơn vị sử dụng lao động khi đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH. Đồng thời, nâng cấp và cung cấp miễn phí Phần mềm kê khai nộp BHXH (phần mềm K- BHXH) lên Cổng thông tin của Ngành để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH từ ngày 12/8/2019.
Cùng với đó, để rút ngắn thời hạn giải quyết chế độ BHXH cho người lao động, năm 2019, ngành BHXH đã tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ BHXH. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp chính thức khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trên nền tảng ứng dụng CNTT sẵn có, ngành BHXH đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và DN sử dụng các dịch vụ: Tin nhắn; thanh toán trực tuyến; ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công cấp độ 4.
Tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT truyền thông Việt Nam”, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng cao trong Bảng xếp hạng chung khối bộ, ngành có dịch vụ công trong 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019).
Đánh giá về việc ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH thời gian qua, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ của Ngành đã tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành xử lý công việc, đặc biệt giúp nâng cao năng lực hiệu quả trong công tác phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức và DN.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Trên cơ sở những thành quả đạt được, thời gian tới, toàn Ngành tiếp tục xây dựng bộ quy tắc từ việc tổng hợp thông tin của BHXH các cấp để đưa ra các dấu hiệu, mức độ cảnh báo những hành vi gian lận trong công tác giám định BHYT, từ đó, giảm thiểu tối đa các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BHYT. Cơ quan BHXH các cấp cần tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát bằng hệ thống điện tử; thường xuyên tổ chức các hội thảo, để các đơn vị giám định tại địa phương bàn bạc, đưa ra những giải pháp hiệu quả.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ của Ngành phù hợp với thực tế công việc; xây dựng cơ sở dữ liệu của Ngành đảm bảo an toàn, hiệu quả…
Ngoài triển khai các nhiệm vụ trên, ngành BHXH phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất; tạo ra một diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.