Năm 2021, Cà Mau tăng trưởng 0,92%
Những số liệu thống kê, báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm 2021 của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau cho thấy, dù tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 nhưng, so cùng kỳ năm 2020, kinh tế của tỉnh (GRDP giá so sánh) vẫn tăng trưởng dương, ước tăng 0,92%(6 tháng đầu năm tăng 1,52%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,3 triệu đồng, tăng 2,9% so cùng kỳ.
Ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19
Năm 2021, Cà Mau có 11/19 chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021 không đạt “chưa bao giờ Cà Mau có nhiều chỉ tiêu trong năm không đạt như năm nay”, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản xuất kinh doanh bị suy giảm; tiêu thụ nông, thuỷ sản gặp khó khăn; việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng; đời sống một bộ phận người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Hải chia sẻ: “Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; sự cống hiến, hy sinh, tinh thần quyết tâm, làm việc tận tuỵ, nỗ lực hết mình của lực lực tuyến đầu, sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, xin gửi lời chia sẻ với người dân về những khó khăn, đau thương, mất mát do tác động của dịch bệnh, đặc biệt là những gia đình có thân nhân mất vì dịch COVID-19”.
Năm qua, giá nguyên liệu, vật liệu xây dựng có thời điểm tăng cao, nguồn cung hạn chế; ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả; thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, y tế còn gặp nhiều khó khăn. Các bệnh truyền nhiễm tăng so với cùng kỳ; một số cơ sở y tế, trang thiết bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Việc triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 bị ảnh hưởng; hoạt động dạy và học trực tuyến gặp khó khăn, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng, phương tiện học tập của học sinh không đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiềm ẩn nguy cơ gia tăng.
Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của dịch bệnh COVID-19, còn có nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh: Ý thức của một bộ phận người dân còn xem nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh; Một số cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng các cấp, các ngành có lúc, có nơi còn lơ là, bị động, lúng túng, chưa quyết liệt, chưa làm tròn trách nhiệm, chưa bám chặt địa bàn; Công tác tham mưu, đề xuất của một số cơ quan chuyên môn có mặt còn hạn chế, một số nhiệm vụ do cấp thẩm quyền giao chậm tiến độ, chất lượng chưa đạt yêu cầu; Chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng ngán ngại, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Nỗ lực duy trì tăng trưởng
Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng giảm mạnh (chiếm 29,4%), khu vực dịch vụ và nông nghiệp tăng (chiếm 32,6% và 33,7%) trong tổng quy mô kinh tế. So cùng kỳ năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2%; Lĩnh vực sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp tăng trưởng 3,9%; Sản lượng thuỷ sản tăng 3,6%; Sản lượng chế biến tôm tăng 15,3% và phân bón tăng 1,7%...
Tiềm năng năng lượng tái tạo đang được đầu tư khai thác, đã vận hành thương mại 3 dự án điện gió, với tổng công suất 100MW; tiếp tục thu hút, mời gọi đầu tư phát triển các dạng năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải... gặp nhiều khó khăn. Tập trung chỉ đạo đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, hàng gian, hàng giả, nhất là các mặt hàng thiết yếu và nhu yếu phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 90% kế hoạch, giảm 3,9% so cùng kỳ. Lĩnh vực thương mại điện tử có bước phát triển tốt trong điều kiện thực hiện phòng chống dịch, chỉ số thương mại điện tử của tỉnh tăng 7 bậc so với năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu dần phục hồi do nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của Mỹ và các nước châu Âu tăng trở lại, ước đạt 1,1 tỷ USD, bằng kế hoạch, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ ổn định, tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực, tăng 13% so cùng kỳ; nguồn vốn huy động của các chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng 8,7% so cùng kỳ, chiếm 63,5% tổng dư nợ cho vay.
Hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được triển khai tích cực; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 2 bậc so năm trước. Số dự án được cấp phép đầu tư và số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm về số lượng, nhưng tăng về nguồn vốn đăng ký so cùng kỳ.
Về phòng, chống dịch COVID-19, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân đã quán triệt và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh đảm bảo kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Từ đầu năm đến ngày 28/11, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 8.400 ca dương tính COVID-19, điều trị khỏi 4.339 người; tử vong 40 trường hợp. Đến ngày 28/11, Cà Mau tiêm chủng toàn tỉnh đạt 77% dân số.
Song song đó, công tác cán bộ được triển khai thực hiện đúng quy trình, quy định. Hoàn thành việc nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý năm 2020; Tổ chức thi tuyển công chức khối các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể năm 2020. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định thành lập 6 đoàn kiểm tra đối với 10 tập thể, 08 cá nhân và 2 đoàn giám sát chuyên đề đối với 2 tập thể, 4 cá nhân. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, kỷ luật đảng thực hiện theo quy định.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, các đại biểu dự Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, phân tích và bàn các giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Cà Mau đề ra