Năm 2021: Giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập

PV.

Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%) đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; Đến năm 2025, giảm tối thiểu 10% (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%) đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Những mục tiêu quan trọng được đề ra tại Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương nhằm giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, việc xác định chỉ tiêu giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập cho từng năm theo nguyên tắc: Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại; Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập; Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học); Trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu), hoàn thành trong quý I/2019.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%) đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; Đến năm 2025, giảm tối thiểu 10% (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%) đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021.

Đồng thời, không quy định việc thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không thuộc lĩnh vực về tổ chức bộ máy; Sắp xếp lại các cơ quan báo chí thuộc và trực thuộc theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị khóa XI thông qua và kế hoạch của Chính phủ; Chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp công lập có thu, trường hợp thật sự cần thiết, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì cho phép chuyển sang công ty TNHH nhà nước một thành viên 100% vốn nhà nước, hoàn thành trong quý IV năm 2019.

Chính phủ cũng yêu cầu, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị sự nghiệp về an toàn thông tin; Tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công nghệ thông tin khác có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả, không phục vụ quản lý nhà nước hoặc hoạt động trong lĩnh vực đã xã hội hóa cao; Rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập bưu chính, viễn thông tinh gọn, nâng cao năng lực hoạt động để đáp ứng yêu cầu phục vụ quản lý nhà nước, hoàn thành trong quý IV/2019.

Cùng với đó, tổ chức lại các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng, trợ giúp các nhóm đối tượng dựa vào cộng đồng; Hợp nhất các trung tâm bảo trợ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành trung tâm bảo trợ đa chức năng, hoàn thành trong quý IV/2019.

Đồng thời, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học), nhất là đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác; Không tách, điều chuyển các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và khám, chữa bệnh trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi các tập đoàn, tổng công ty này thực hiện cổ phần hóa, thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành vào quý IV/2021.