Năm 2021, sẽ không xảy ra các cơn “sốt vàng” ?
Chia sẻ với tapchitaichinh.vn về khả năng xảy ra các cơn “sốt vàng” trong năm 2021, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu giá vàng thế giới không tăng mạnh và kéo dài, đồng thời Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định về kinh tế vĩ mô, thị trường vàng trong nước năm 2021 sẽ vẫn tiếp tục ổn định trong nghĩa các cơn “sốt vàng” sẽ không xảy ra.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, tại Việt Nam, thị trường vàng chưa được tự do hóa, do đó chưa liên thông hoàn toàn với thị trường vàng thế giới, tuy nhiên, về cơ bản, giá vàng trong nước luôn biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Trong giai đoạn giá vàng thế giới tăng mạnh hồi giữa năm 2020, giá vàng tại Việt Nam cũng đã tăng từ mức 45 triệu đồng/lượng lên mức đỉnh 62 triệu đồng/lượng, tức là mức tăng cũng khoảng gần 40%. Sau đó, kể từ giữa tháng 8/2020, giá vàng cũng đã hạ nhiệt và hiện nay xoay quanh mức 54 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, TS. Độ cho rằng, điểm đáng chú ý trong đợt tăng giá vàng tại Việt Nam vào năm 2020 là nó gần như không tác động đến các biến số kinh tế vĩ mô. Hiện tượng người dân rút tiền gửi tiết kiệm để xếp hàng mua vàng gần như không xuất hiện, còn lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm. Điều này hoàn toàn tương phản với đợt tăng giá vàng cách đây 10 năm.
Lý giải về sự khác biệt khi so sánh giá vàng giai đoạn 2003-2011 với giai đoạn 2012-2020, theo TS. Nguyễn Đức Độ có 4 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, đợt tăng giá vàng năm 2020 dù mạnh nhưng diễn ra tương đối ngắn (từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2020), chưa đủ dài để tạo nên tâm lý bầy đàn trong đầu tư vàng. Trong chu kỳ trước, giá vàng đã liên tục tăng từ năm 2003-2011 và tạo nên tâm lý “cứ đầu tư vàng là có lãi”.
Hơn nữa, giai đoạn 2012-2019, giá vàng có xu hướng giảm và sau đó đi ngang nên đã khiến nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ và không còn niềm tin vào việc giá vàng có thể tăng bền vững. Nhờ vậy, quy mô nắm giữ vàng trong dân cũng giảm bớt. Thậm chí, khi giá vàng tăng, nhiều người còn đem vàng đi bán để chốt lời hoặc giảm lỗ.
Thứ hai, trong những năm gần đây, lạm phát tại Việt Nam luôn được kiềm chế ở mức thấp, nên nhu cầu mua vàng để phòng ngừa lạm phát không còn phổ biến như trước đây. Nếu như trong giai đoạn 2003-2011 mức lạm phát trung bình tại Việt Nam vào khoảng 10%/năm, thì giai đoạn 2012-2019 con số chỉ còn 4%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam luôn ở mức thực dương trong những năm gần đây, nên việc giữ vàng thường đem lại lợi nhuận thấp hơn so với gửi tiết kiệm.
Thứ ba, trong đó giai đoạn 2010-2011 mức mất giá trung bình của VND so với USD lên tới 10%/năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2012 đến nay, mức mất giá của VND so với USD chỉ còn khoảng 1,5%. Trong năm 2020, tỷ giá VND/USD trên thị trường gần như không thay đổi, xoay quanh mức 23.250 VND/USD.
Nguyên nhân thứ tư rất đáng kể theo TS. Nguyễn Đức Độ là kể từ năm 2012 trở lại đây, Chính phủ và NHNN luôn chủ chương chống vàng hoá, đô la hoá nền kinh tế thông qua việc giảm lãi suất tiền gửi USD xuống 0% và cấm các NHTM huy động vàng. Do các NHTM không được phép huy động vàng, nên khi giá vàng tăng, các NHTM không có nhu cầu tăng huy động vốn để mua vàng trả cho người dân. Vì vậy, việc giá vàng tăng thời gian qua gần như không tác động đến mặt bằng lãi suất.
Về triển vọng giá vàng năm 2021, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, kinh tế thế giới phục hồi dần trở nên sáng sủa hơn, các động lực khiến giá vàng thế giới tăng cũng dần bị suy yếu theo thời gian. Do vậy, khả năng giá vàng thế giới tăng mạnh và kéo dài trong thời gian tới không nhiều.
Ở trong nước, lạm phát mặc dù hiện ở mức thấp, nhưng nếu tình trạng lãi suất thấp hiện nay kéo dài và tỷ lệ cung tiền/GDP vẫn được duy trì ở mức cao, thậm trí gia tăng, nguy cơ lạm phát cao quay trở lại là không thể bỏ qua.
Nếu Việt Nam không kiềm chế được lạm phát ở mức thấp, sự ổn định của tỷ giá cũng sẽ khó duy trì cho dù các dòng vốn đầu tư vào vẫn thuận lợi.
Việc Việt Nam không xảy ra “sốt vàng” khi giá vàng thế giới tăng mạnh năm 2020 cho thấy, tầm quan trọng của việc kiềm chế lạm phát thấp, duy trì tỷ giá ổn định đối với sự vận hành của thị trường tài chính tiền tệ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nếu Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định của kinh tế vĩ mô, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, việc giá vàng thế giới tăng sẽ không phải là một mối lo quá lớn và Ngân hàng Nhà nước không cần thiết phải ổn định giá vàng. Tuy nhiên, nếu lãi suất thấp được duy trì quá lâu và cung tiền vẫn tăng nhanh hơn GDP, lạm phát cao, tỷ giá bất ổn hoàn toàn có thể khiến cho tình trạng tích trữ, đầu cơ vàng quay trở lại.