Năm 2022, thời kỳ bùng nổ của cuộc cách mạng "xe xanh"
Trước những biến động liên tục của thị trường giá xăng cùng với nhu cầu cải thiện chất lượng môi trường sống, xu hướng xe ô tô điện đang trở nên bùng nổ hơn bao giờ hết và nhiều người tiêu dùng Việt đang dần lựa chọn các loại hình xe dùng nhiên liệu xanh bên cạnh xe chạy động cơ đốt trong...
Dù trước đây, đối với Việt Nam hay các nước khu vực Đông Nam Á, những phương tiện này còn khá mới mẻ, tuy nhiên, thời gian gần đây, sử dụng xe điện đã trở nên khá quen thuộc của người dân nhiều nơi. Thậm chí, các chuyên gia khuyến cáo, cần có chính sách hạn chế xe công nghệ cũ, khuyến khích xe xanh và sạch.
Theo giới chuyên môn, ngành công nghiệp ô tô chứng kiến những chuyển đổi cơ bản khi các quốc gia trên thế giới hướng tới mục tiêu giảm phát khí thải, từ đó giảm đáng kể khói bụi, nâng cao chất lượng không khí. Tại hội nghị thượng đỉnh COP26 (tháng 11 năm 2021), nhiều quốc gia và các nhà sản xuất ô tô hàng đầu đã cam kết loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040.
Các nước Đông Nam Á đã thống nhất thực hiện cuộc cách mạng có ý nghĩa lớn đối với ngành ô tô. Đông Nam Á được biết đến là khu vực có lợi thế là một trung tâm sản xuất chi phí thấp và có một thị trường rất hứa hẹn.
Đồng thời, các chính phủ trong khu vực cũng đang sớm có kế hoạch tạo lợi thế trong việc tìm kiếm thị trường quốc tế. Mục tiêu là tạo ra nhiều cơ hội khác nhau cho ngành công nghiệp xe hơi xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường trong nước.
Thái Lan là quốc gia có ngành công nghiệp xe hơi phát triển nhất trong khu vực. Đất nước này sản xuất khoảng 2 triệu xe mỗi năm và đang tích cực chuyển đổi sang xe điện. Năm ngoái, Thái Lan đã công bố lộ trình đưa 30% sản lượng ô tô sang xe điện vào năm 2029 với nhiều chính sách thúc đẩy và thu hút đầu tư cho ngành này.
Tại Indonesia, nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới - thành phần chính trong pin Lithium - đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe điện. Với lợi thế của mình, Indonesia đã đưa việc sản xuất pin trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược sản xuất xe điện của riêng mình dựa trên nguồn quặng nickel khổng lồ.
Nước này cấm xuất khẩu nikel vào năm 2020 để bảo vệ ngành công nghiệp của mình bằng cách thu hút đầu tư của các nhà sản xuất pin lớn. Hãng sản xuất ắc quy CATL (Trung Quốc) cam kết đầu tư 5 tỷ USD; LG Chem sẽ tham gia liên minh với Tập đoàn Pin Indonesia (IBC) và Foxconn cũng thông báo sẽ sản xuất xe điện và pin tại Trung Java (Indonesia).
Tại Việt Nam, thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng trở thành vấn đề đáng quan ngại. Vì thế, dự báo những năm tiếp theo, xe điện sẽ dần chiếm được cảm tình từ những vị khách hàng đang tìm kiếm phương tiện thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển xe điện, nổi bật với thương hiệu VinFast, hãng xe mới đang khao khát chinh phục thị trường Mỹ và châu Âu. Việt Nam cũng có những chính sách “đối phó” với làn sóng ô tô điện. Đáng kể là các ưu đãi miễn lệ phí trước bạ cho người mua ô tô điện hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện để khuyến khích đầu tư và sản xuất.
Nghị định 57/2020 có hiệu lực từ 10/07/2020 đã mở cửa thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe điện, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học và khí thiên nhiên (gọi chung là xe xanh) tại Việt Nam. Cụ thể, linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất xe xanh được hưởng thuế 0%, đồng thời áp dụng cho các công ty sản xuất linh kiện và phụ tùng, thay vì chỉ bó hẹp với các doanh nghiệp sản xuất ô tô như trước đây.
Những năm gần đây xe điện tại Việt Nam đã có những bước phát triển hơn những năm trước. Tuy nhiên ngành xe điện tại Việt Nam mới chỉ tập trung vào nhóm xe 2 bánh với các thương hiệu lớn như VinFast, Yadea, Pega… Ước tính trong năm 2019 đã có khoảng 700.000 xe máy điện được bán ra thị trường, và tổng số lượng xe điện trên thị trường đến nay có thể đã lên tới 5 triệu xe.
Mới đây, trên tờ Business Time nhận xét, việc chuyển sang di chuyển bằng xe điện là cần thiết để bảo vệ hoạt động sản xuất xe trong khu vực. Tuy nhiên, người tiêu dùng tại thị trường Đông Nam Á và cả các nhà sản xuất ô tô hiện tại dường như chưa sẵn sàng để thích ứng và khai thác việc mở cửa thị trường. Điều này có thể mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia.
Hiện tại, các nhà sản xuất OEM Nhật Bản vẫn có vị thế hàng đầu trong khu vực Châu Á về sản xuất xe điện. Các nhà sản xuất ô tô lớn trên toàn cầu đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho mình và có kế hoạch tung ra hàng trăm mẫu xe điện chạy pin mới vào năm 2025. Vì vậy, họ rất quan tâm đến việc chế tạo nó hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi từ động cơ đốt trong.
Trong ít nhất 5 năm tới, các công ty quốc tế lớn này sẽ tiếp tục thống trị lĩnh vực sản xuất trong khu vực, trước khi các công ty trong nước nắm quyền kiểm soát. Khi việc bán và tiếp thị xe điện phát triển, trọng tâm phải là chuỗi giá trị và mạng lưới. Điều này sẽ tạo lợi thế cho các doanh nghiệp trong nước so với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Đông Nam Á được đánh giá là thị trường mới đầy tiềm năng khi tỷ lệ sở hữu ô tô vẫn ở mức dưới 20%. Theo các chuyên gia, những sản phẩm vừa túi tiền, trang bị nhiều công nghệ, thiết kế hấp dẫn sẽ có khả năng tiếp cận tốt hơn. Đây là thế mạnh của các hãng xe Trung Quốc, hay những hãng mới như đang tham gia thị trường.