Nan giải bài toán thu - chi ngân sách

Theo ĐTCK

Trong khi ngân sách giảm thu do suy giảm kinh tế và thực hiện kích cầu thì chi ngân sách lại tăng lên để duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Đây rõ ràng là bài toán khó cho thu - chi ngân sách hiện nay. Phỏng vấn PGS. TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội.

Ông nhìn thấy điều gì trong cơ cấu thu - chi ngân sách hiện nay?

Ngân sách của chúng ta hiện nay chưa ổn định, thiếu tính bền vững. Thứ nhất là thu nội địa chỉ chiếm trên 50% tổng số thu, còn lại là thu từ xuất khẩu dầu thô, thuế nhập khẩu. Do đó, khi kinh tế thế giới có những ảnh hưởng dù rất nhỏ cũng ảnh hưởng đến ngân sách.

Thứ hai, tỷ trọng thu thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt) quá lớn và chủ yếu đánh vào người tiêu dùng, còn thuế trực thu (thu từ kết quả kinh doanh, thu nhập DN, thu nhập cá nhân) chiếm tỷ trọng nhỏ. Ở các nước, nguồn thu thuế chủ yếu là thuế thu nhập cá nhân điều tiết trực tiếp từ thu nhập của người lao động, nên ổn định hơn rất nhiều.

Trong chi ngân sách, thời gian qua đã có thay đổi về cơ cấu khá tốt. Chi hành chính giảm đi, chi đầu tư tăng lên. Tuy nhiên, chi đầu tư phải đi liền tăng trưởng. Trong khi đó, vốn đầu tư rất lớn ở ta nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Năm 2008, hệ số ICOR của Việt Nam lên đến 6,6 lần, trong khi hầu hết các nước trong khu vực chỉ là 3 - 4 lần. Trong tăng trưởng có 3 yếu tố: vốn, lao động và năng suất lao động, nhưng của ta chủ yếu là do vốn và lao động với năng suất chưa cao, hàm lượng trí tuệ không lớn. Đó là tăng trưởng theo bề rộng, chứ chưa phải bề sâu.

Mặt khác, xét trên cơ cấu tăng trưởng giữa các khu vực thì khu vực kinh tế nhà nước hiệu quả thấp nhưng lại được tập trung vốn quá lớn là điều bất lợi, nên chăng có sự chuyển dịch về cơ cấu.

Ông có lo ngại về con số bội chi 8%?

Chỉ tiêu bội chi 5% được tính toán trên tốc độ tăng trưởng GDP là 6,5%. Bây giờ, nếu điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP xuống 5% thì đương nhiên tỷ lệ bội chi ngân sách sẽ tăng lên, dù số tuyệt đối không thay đổi. Đồng thời, khi chúng ta thực hiện một loạt giải pháp kích cầu làm cho nguồn thu ngân sách giảm xuống.

Vấn đề đặt ra là từ chỗ bội chi 5% bây giờ tăng lên 8% thì hệ lụy cho những năm tới thế nào? Cần tìm cách tăng nguồn thu tại những khu vực vẫn còn dư địa như: nợ đọng thuế, thất thu thuế, khai thác thêm một số nguồn thu mới...

Thứ hai là nên bố trí lại các khoản chi. Chúng ta tăng chi để vừa ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì an sinh xã hội nhưng cũng phải xem giải ngân thực sự ở mức độ nào, từ đó quyết định có những khoản tạm thời đình hoãn một chút.

Nên xem lại các nguồn lực trong nước vẫn có thể sử dụng tạm thời từ các quỹ, như quỹ bảo hiểm xã hội, kho bạc, rồi hàng chục khoản quỹ ngoài ngân sách nhà nước hiện  nay. Cần tránh tối đa tình trạng nguồn ngân sách có nhưng không tiêu được để chuyển từ năm này qua năm khác.

Ông có nói rằng, các chính sách liên quan đến tài chính bao giờ cũng có độ trễ lớn hơn các chính sách khác. Vậy các gói kích cầu của Chính phủ bao giờ sẽ thực sự phát huy hiệu quả?

Kích cầu kinh tế không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Chúng ta đã kích cầu từ những năm 1997 - 1998. Sự tăng liên tục vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng thể hiện chính sách kích cầu.

Từ đầu năm 2008, chúng ta mới áp dụng biện pháp chống lạm phát, thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá. Đến cuối năm 2008, chúng ta lại đưa ra chính sách kích cầu.

Từ lúc hình thành chủ trương đến khi đưa ra giải pháp triển khai các chính sách tài chính đều có độ trễ rất lớn, không phải một vài tháng mà có khi hàng năm. Độ trễ thể hiện ở chỗ chủ trương ban hành ra rồi, chưa tác động ngay đến nền kinh tế và ngay cả khi chính sách đã kết thúc thì tác động vẫn còn tiếp tục. Vì thế, chúng ta đã đưa ra 2 gói kích cầu đầu tư, nhưng theo tôi thì chưa có đủ thời gian để đánh giá tác động thực sự của nó.

Việc Nhà nước bù lãi suất khoảng 17.000 tỷ đồng thì giải ngân được bao nhiêu, có đạt mục tiêu hay không, hệ  lụy của nó (đảo nợ, vay về đi cho vay lại, vay về làm việc khác…) là những vấn đề cần phải lường trước.

Có lạc quan thái quá không khi cho rằng nền kinh tế đã khởi sắc trở lại, thưa ông?

Tôi cho rằng lạc quan là cần thiết, dù dấu hiệu để chứng minh nền kinh tế hồi phục và khởi sắc đã có nhưng chưa rõ nét. Những tháng tiếp theo, nền kinh tế chắc chắn sẽ khó khăn nhiều hơn vì dấu hiệu phục hồi, khởi sắc kinh tế thế giới cũng chưa rõ nét và tiếp tục tác động bất lợi đến nền kinh tế Việt Nam.

Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tế qua cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực những năm 1997. Mặc dù chỉ bị ảnh hưởng, nền kinh tế Việt Nam cũng phải mất 3 - 4 năm mới hồi phục trở lại. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục có sự theo dõi để triển khai quyết liệt, điều chỉnh linh hoạt các chủ trương, chính sách...