Nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học khối kinh tế
Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện thấp hơn so với các nước rất nhiều và chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Nguyên nhân chính là do chất lượng giáo dục đại học chưa đảm bảo, khiến cho nguồn nhân lực sau khi ra trường đã không đảm bảo được kỹ năng làm việc theo yêu cầu. Nhận diện những nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học khối kinh tế, bài viết giúp làm rõ hơn cơ sở khoa học về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học nói chung, của các trường đại học khối kinh tế nói riêng.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội bởi do nhiều nguyên nhân, trong đó mấu chốt xuất phát từ chất lượng giáo dục và đào tạo đại học chưa đảm bảo của các cơ sở đào tạo, điều này làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp không đảm bảo được kỹ năng làm việc theo yêu cầu. Vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các trường đại học, cao đẳng hiện nay, nhất là đối với khối đại học kinh tế là cần nâng cao chất lượng đào tạo, để cung cấp nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều nhân tố, liên quan đến người dạy, người học và người tổ chức hoạt động dạy học, cụ thể như trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm, sự tâm huyết của giảng viên; năng lực của sinh viên; cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo… Do vậy, để có thể nâng cao được chất lượng đào tạo, các trường đại học nói chung và các trường đại học khối kinh tế nói riêng, chúng ta cần sớm quan tâm và phát triển đồng đều đối với từng nhân tố nói trên theo các hướng sau:
Nâng cao trình độ chuyên môn
Về trình độ chuyên môn: Chất lượng đào tạo phụ thuộc trước tiên vào chất lượng của giảng viên. Giảng viên chính là người truyền đạt tri thức, gắn lý thuyết với thực tế, truyền lửa cho sinh viên ham học và yêu nghề. Thương hiệu của nhà trường gắn nhiều với danh tiếng, uy tín của đội ngũ giảng viên. Để nâng cao chất lượng giảng dạy trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển mạnh của công nghệ thông tin, mỗi giảng viên cần phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức cho bản thân để không bị đẩy lùi trong sự phát triển mạnh mẽ của xã hội. Với đội ngũ giảng viên của trường đại học, mỗi người cần phải nghiên cứu, học tập để ít nhất đạt học vị thạc sỹ, đáp ứng điều kiện cơ bản đào tạo.
Về nghiên cứu khoa học: Bên cạnh việc không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, việc nghiên cứu khoa học cũng chính là hình thức tự đào tạo, là nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên đại học. Kết quả nghiên cứu khoa học sẽ đem đến cho người học những kiến thức mới mẻ, bổ ích và thực tế thông qua các bài giảng của người thầy. Nghiên cứu khoa học giúp người thầy am hiểu sâu hơn về lĩnh vực nghiên cứu, gắn lý luận với thực tiễn, tự tin hơn khi đứng trên bục giảng và say mê, nhiệt huyết hơn trong mỗi bài giảng.
Cùng với yêu cầu nền tảng là kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy cũng không kém phần quan trọng, giúp việc truyền tải kiến thức từ người dạy sang người học đạt hiệu quả nhất. Với phương pháp dạy học “lấy người học làm trung tâm”, ngoài phần sâu về kiến thức chuyên môn, mỗi giảng viên cần đầu tư cho bài giảng của mình đạt chất lượng cao. Thay vì các phương pháp giảng dạy truyền thống như diễn dịch hoặc quy nạp, thiên về giảng giải, thầy đọc trò ghi, học thụ động làm giảm khả năng tư duy, sáng tạo của người học, giảng viên cần sử dụng phương pháp giảng dạy sinh động thông qua hình ảnh, sơ đồ, biểu mẫu nhằm tạo sự hứng thú và dễ hiểu cho sinh viên. Khoa kế toán kinh tế, tài chính các trường cần tổ chức những buổi dự giờ để góp ý cho giảng viên, đặc biệt là những giảng viên trẻ, về kiến thức chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy. Việc tổ chức triển khai đánh giá chất lượng giảng viên thông qua phiếu điều tra và phỏng vấn sinh viên cũng sẽ góp phần vào sự thay đổi tích cực trong dạy học của giảng viên.
Về sự say mê, tâm huyết với nghề nghiệp: Dạy học là nghề cao quý, nghề thầy, bởi người thầy không những giàu về tri thức, giỏi về kỹ năng mà còn phải có sự say mê, yêu nghề. Sự tâm huyết sẽ thôi thúc mỗi giảng viên tăng cường nghiên cứu, đầu tư chuyên môn, tìm kiếm thêm những kỹ năng, phương pháp dạy học nhằm đạt được mục tiêu truyền đạt tri thức cho sinh viên một cách hiệu quả nhất. Như vậy, vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo từ phía giảng viên chính là ý thức. Các khoa cần có biện pháp khích lệ, động viên, giáo dục về ý thức của giảng viên trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường nghiên cứu khoa học, tìm tòi sáng tạo phương pháp dạy học, tâm huyết trách nhiệm với nghề.
Nâng cao năng lực tự nghiên cứu, kết hợp lý thuyết với thực hành của sinh viên
Về năng lực tự nghiên cứu: Sinh viên cần nhận thức được tầm quan trọng của việc học để việc thu nhận thông tin là nhu cầu cần thiết thay vì sự bắt buộc phải có mặt để đủ điều kiện thi hoặc đạt điểm quá trình. Việc kích thích tính tự giác, mê say nghiên cứu là rất cần thiết đối với sinh viên đại học. Hướng dẫn sinh viên tự học, làm bài tập thảo luận, bài tập lớn, tiểu luận…vẫn là biện pháp phổ biến cần áp dụng. Đây là dịp để các em rèn luyện các kỹ năng thuyết trình, thuyết phục người khác, tạo tiền đề cho các kỹ năng trong công việc sau này.
Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, các trường cần có định hướng về hệ thống đề tài nghiên cứu, khích lệ nghiên cứu thông qua cơ chế thưởng đối với sinh viên. Trong thời kỳ hội nhập, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ mở đường cho Việt Nam tiếp cận thông tin với thế giới. Việc tổ chức được các chương trình đào tạo liên kết của các khoa với nước ngoài hoặc xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Anh cũng sẽ tạo bước phát triển trong hỗ trợ nghiên cứu cho sinh viên của nhà trường.
Xây dựng Chương trình đào tạo đại học tiếp cận
xu hướng thời đại
Trong thời đại mà sự tồn tại và phát triển của các quốc gia dựa trên sự thông minh, tài trí của cộng đồng nhiều hơn là của cải và tài nguyên sẵn có, phương châm giáo dục không còn là cung cấp, nhồi nhét kiến thức, mà là rèn luyện khả năng tư duy, khả năng thích ứng, rèn luyện nhân cách để hình thành nên những con người, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng vươn lên và đứng vững. Điều đó được thể hiện trong chương trình đào tạo của từng ngành học. Ngay từ khi xây dựng chương trình đào tạo đại học, cán bộ lãnh đạo khoa và giảng viên cần tiếp cận xu hướng thời đại, đổi mới giáo trình một cách cơ bản, toàn diện theo những chuẩn mực quốc tế; chú trọng tính thiết thực của nội dung chương trình và năng lực của sinh viên; phát huy tối đa khả năng cá nhân của mỗi sinh viên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học và nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của xã hội.
Xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện kiểm tra, đánh giá sinh viên
Kiểm tra, đánh giá là một nội dung quan trọng của hoạt động đào tạo. Kết quả kiểm tra, đánh giá giúp khoa và nhà trường xác định mục tiêu đào tạo có phù hợp hay không, việc giảng dạy của giảng viên có thành công hay không và quá trình học tập của sinh viên có hiệu quả hay không. Vì vậy, kiểm tra đánh giá ngoài chức năng là công cụ để kiểm định chất lượng đào tạo, giúp phân loại sinh viên còn là động lực để thúc đẩy thầy trò dạy và học tốt hơn. Để kiểm tra, đánh giá đạt hiệu quả cần phải xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện và quy trình để phản ánh kết quả học tập của sinh viên cũng như kết quả đào tạo của nhà trường một cách toàn diện, chính xác và khách quan.
Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, môi trường đào tạo
Để đáp ứng yêu cầu của phương thức đào tạo mới bản thân không gian nhà trường phải thay đổi, được thiết kế thuận tiện, trong đó cán bộ, giảng viên và sinh viên có thể tiến hành các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học. Để có một tiết học hấp dẫn việc chuẩn bị bài giảng của giảng viên phải công phu hơn, mất nhiều thời gian, công sức. Như vậy, việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại phục vụ cho việc đào tạo của nhà trường phải đi đôi với tinh thần trách nhiệm của người giảng viên và tính tự giác cao của người học.