Nâng cao chất lượng để nông sản “rộng đường” xuất khẩu
Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường “khó tính”, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trong hơn nữa tới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm qua đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ.
Toàn ngành xuất siêu hơn 6,5 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023.
Trong đó: nông sản chính đạt 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%); lâm sản đạt 1,35 tỷ USD (tăng 17,9%); chăn nuôi 45,8 triệu USD (tăng 10,2%). Ngược lại, xuất khẩu thủy sản 780 triệu USD (giảm 3,5%) và xuất khẩu đầu vào sản xuất 153 triệu USD (giảm 6,9%).
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,14 tỷ USD (tăng thêm 4,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%. Riêng nhóm đầu vào sản xuất có kim ngạch xuất khẩu giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ đạt 756 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay.
Xuất khẩu tăng cao, trong khi nhập khẩu giảm mạnh (kim ngạch nhập khẩu 17,61 tỷ USD), nên toàn ngành Nông lâm ngư nghiệp xuất siêu 6,53 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 64,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các thị trường đều tăng. Trong đó: xuất khẩu sang châu Á 11,31 tỷ USD (tăng 17,5%); châu Mỹ 5,4 tỷ USD (tăng 23,1%); châu Âu 3,2 tỷ USD (tăng 39,4%); châu Phi 459 triệu USD (tăng 26,1%) và châu Đại Dương 341 triệu USD (tăng 24,8%).
Những năm gần đây, nông sản là mặt hàng chiến lược, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Quy mô xuất khẩu nông sản Việt Nam ngày càng được mở rộng với nhiều thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…
Nâng cao chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu
Các chuyên gia cho rằng, thị trường nông sản ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn. Tuy nhiên, các nước, nhất là các thị trường khó tính đòi hỏi các tiêu chuẩn về nông sản ngày càng cao.
Để nông sản Việt tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu thì việc kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp cần thiết, lâu dài.
Thực trạng hiện nay là quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản tại Việt Nam đang gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, khó khăn đáng chú ý liên quan đến vấn đề về chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và quản lý.
Phương thức sản xuất truyền thống cũng là rào cản dẫn đến chất lượng sản phẩm nông sản chưa đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.
Trong xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa, với sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau, đương nhiên nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nền nông nghiệp các nước, trước hết là các nước trong khối ASEAN.
Trong điều kiện nền nông nghiệp nước ta trình độ còn thấp so với nhiều nước trên thế giới và khu vực, để hỗ trợ cho sức cạnh tranh của sản phẩm nồng nghiệp trong thương mại quốc tế, cần phải có những giải pháp đồng bộ.
Nguyên nhân có tính bao trùm cản trở khả năng và hiệu quả xuất khẩu nông sản là do chất lượng sản phẩm không cao, không ổn định, không đồng đều, khối lượng phân tán nhỏ bé, mẫu mã không hấp dẫn… Do vậy, giải pháp về sản phẩm là giải pháp cơ bản có tính chiến lược lâu dài.
Giải pháp đặt ra là cần quy hoạch, đầu tư một cách đồng bộ tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung và vùng nguyên liệu có chất lượng cao phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, trước mắt cũng như lâu dài cần tập trung cho công tác nghiên cứu lai tạo giống, tạo ra những giống có năng suất, chất lượng cao; đầu tư đổi mới công nghệ chế biến bảo quản.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đẩy mạnh sử dụng công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm hiện đại và áp dụng các nghiên cứu khoa học đưa vào thực tiễn sản xuất để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải lưu ý tuân thủ triệt để các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất gây ô nhiễm mà thị trường xuất khẩu cấm; sử dụng cây giống tốt, đạt chuẩn và cho hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống lại sâu bệnh tốt để hạn chế sử dụng các hóa chất nông nghiệp...