Tăng năng suất ngành cơ khí từ áp dụng tự động hóa, chuyển đổi số

Hạ Băng

Để ngành cơ khí Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu chi phí, gia tăng sức cạnh tranh, tăng cường ứng dụng tự động hóa, chuyển đổi số là giải pháp được nhìn nhận khả quan trong thời gian tới.

Nhiệm vụ cấp thiết của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng trong lĩnh vực cơ khí được các chuyên gia chỉ ra là nghiên cứu đổi mới công nghệ.
Nhiệm vụ cấp thiết của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng trong lĩnh vực cơ khí được các chuyên gia chỉ ra là nghiên cứu đổi mới công nghệ.

Điểm yếu mặt bằng trình độ công nghệ chưa cao

Sau nhiều năm đầu tư, phát triển, hiện nay năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí Việt đã được nâng cao ở hầu hết ngành, lĩnh vực.

Các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã đáp ứng tới 85 - 90% linh kiện, sản phẩm cho nhu cầu sản xuất xe máy; khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ôtô; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao khoảng 10%...

Tuy vậy, các doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn còn tồn tại điểm yếu là mặt bằng trình độ công nghệ chưa cao.

Hiện các doanh nghiệp cơ khí trong nước có trình độ công nghệ trung bình chiếm tới 60 - 70%, và chỉ khoảng 30 - 40% doanh nghiệp có trình độ công nghệ khá hơn.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp cơ khí có trình độ công nghệ cao chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực ôtô, chế tạo công cụ, thiết bị siêu trường siêu trọng.

Nhiệm vụ cấp thiết của các doanh nghiệp nói chung và nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng trong lĩnh vực cơ khí được các chuyên gia chỉ ra là nghiên cứu đổi mới công nghệ.

Nâng cao năng suất lao động là bước đi quyết định

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh phát triển những ngành công nghiệp mang tính then chốt, ứng dụng công nghệ hiện đại là bước đi mang tính quyết định với doanh nghiệp cơ khí.

Nâng cao năng suất lao động là bước đi mang tính quyết định với doanh nghiệp cơ khí trong bối cảnh hiện nay. 
Nâng cao năng suất lao động là bước đi mang tính quyết định với doanh nghiệp cơ khí trong bối cảnh hiện nay. 

Hiểu được thực tế này, nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước đã và đang tích cực cải tiến công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu chi phí.

Ví dụ điển hình như, từ năm 2020, Thaco Industries đã xác định tự động hóa và quản trị theo hướng số hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Thaco Industries đi đầu ứng dụng số hóa, tự động hóa dây chuyền sản xuất. Tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, các nhà máy cơ khí, công nghiệp hỗ trợ của tập đoàn này đã và đang được đầu tư phát triển theo hướng tự động hóa và ứng dụng số hóa, hướng đến áp dụng mô hình nhà máy thông minh.

Trong đó, Nhà máy Nhíp ô tô đã đầu tư dây chuyền sản xuất tự động trong các công đoạn cấp phôi, xếp phôi thành phẩm, nhiệt luyện, sơn hoàn thiện... Nhiều công đoạn đã trang bị thiết bị tự động 100%, công nghệ tương đương dây chuyền sản xuất nhíp hiện đại nhất của Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc).

Tương tự, Nhà máy Linh kiện nhựa, Nhà máy Ghế ôtô và các nhà máy cơ khí, công nghiệp hỗ trợ khác của Thaco Industries cũng được đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao.

Tập đoàn này cũng xây dựng hệ thống quản trị sản xuất trên nền tảng số hóa thông qua việc đầu tư hệ thống điều khiển giám sát, thu thập dữ liệu (SCADA) và hệ thống phân tích dữ liệu, điều hành sản xuất (MES) tại nhiều nhà máy, góp phần nâng cao năng lực và giảm giá thành sản phẩm.

Việc đẩy mạnh tự động hóa và ứng dụng số hóa đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng hàm lượng công nghệ, giúp làm chủ quá trình sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

Thực hiện chiến lược chuyển đổi số, trong thời gian tới, các nhà máy cơ khí, công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai sẽ tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị tự động, nâng cấp công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin thế hệ mới để tối ưu hóa hoạt động sản xuất nhằm sản xuất hàng loạt theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng.

Thậm chí, Thaco Industries còn đặt ra kế hoạch cải tiến hơn nữa công nghệ và năng lực sản xuất thông qua Trung tâm R&D mới. Đây là Trung tâm R&D dành riêng cho lĩnh vực cơ khí và công nghiệp phụ trợ của Thaco Industries, tách biệt hoàn toàn với Thaco Auto.