Nâng cao chất lượng dịch vụ làm thủ tục hành khách tại Cảng hàng không Pleiku
Bài viết này nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ làm thủ tục hàng không tại Cảng hàng không Pleiku (PXU) bao gồm “sự tin cậy”, “khả năng đáp ứng”, “năng lực phục vụ”, “sự đồng cảm”, và “phương tiện hữu hình”. Từ kết quả nghiên cứu, bài viết gợi ý chính sách nhằm nâng cao sự hài lòng của hành khách khi sử dụng dịch vụ làm thủ tục hàng không tại PXU.
Cơ sở lý thuyết
Theo mô hình chỉ số hài lòng của Mỹ (ACSI), sự hài lòng của hành khách được tạo thành trên cơ sở chất lượng cảm nhận, sự mong đợi và giá trị cảm nhận. Nếu chất lượng và giá trị cảm nhận cao hơn sự mong đợi sẽ tạo nên lòng trung thành đối với hành khách và ngược lại.
Parasuraman và cộng sự (1985, 1988) đã xây dựng một mô hình chất lượng dịch vụ (CLDV) làm nổi bật những yêu cầu chủ yếu để đảm bảo chất lượng mong đợi của dịch vụ. Theo đó, bất kỳ dịch vụ nào, CLDV cảm nhận bởi khách hàng có thể mô hình thành 10 thành phần: (1) tin cậy; (2) đáp ứng; (3) năng lực phục vụ; (4) tiếp cận; (5) lịch sự; (6) thông tin; (7) tín nhiệm; (8) an toàn; (9) hiểu biết khách hàng; (10) phương tiện hữu hình. Cronin và Tailor (1992) đã điều chỉnh thang đo SERVQUAL thành thang đo SERVPERF.
Dựa trên cơ sở lý thuyết về mô hình năm thành phần CLDV, thang đo SERVPERF và nghiên cứu của Nguyễn Đình Thọ và cộng sự (2005), bài viết đề xuất 5 nhân tố tác động đến sự hài lòng của hành khách đối với CLDV làm thủ tục hành khách tại PXU gồm: sự tin cậy, khả năng đáp ứng, năng lực phục vụ, sự đồng cảm, phương tiện hữu hình. Trong đó:
- Sự tin cậy thể hiện sự yên tâm về an toàn của nhà ga, thông tin về chuyến bay và sự tin cậy trong về chất lượng giải quyết các yêu cầu, phàn nàn cũng như sự cố của khách hàng.
- Khả năng đáp ứng thể hiện mức độ sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng cũng như khả năng bảo đảm an ninh về hành lý ký gửi.
- Năng lực phục vụ thể hiện năng lực phục vụ, thái độ của hệ thống nhân viên trong quá trình làm thủ tục, gom xe đẩy, đóng gói hành lý, giải đáp thắc mắc cho hành khách.
- Sự đồng cảm thể hiện sự quan tâm, đồng cảm của hệ thống nhân viên đến các nhu cầu của khách hàng.
- Phương tiện hữu hình thể hiện các khía cạnh của nhà ga như sảnh công cộng, cầu thang, biển chỉ dẫn, trang phục nhân viên, vệ sinh nhà ga.
Kế thừa các quan điểm, mô hình về phân tích sự hài lòng trên, nhất là lý thuyết của Cronin và Tailor (1992), nhóm tác giả đề xuất các biến độc lập và biến phụ thuộc để phục vụ nghiên cứu như Bảng 1.
Bảng 1: Thành phần, thang đo lường |
||
Biến số |
Thang đo |
Mã hóa |
A |
Biến độc lập |
|
Sự tin cậy (TC) |
Cảm thấy yên tâm về an ninh an toàn của nhà ga |
TC1 |
Hành khách luôn được cập nhật đầy đủ thông tin về chuyến bay bị trễ, hủy |
TC2 |
|
Nhân viên giải quyết yêu cầu, phàn nàn của hành khách một cách thỏa đáng, nhanh chóng |
TC3 |
|
Quan tâm giải quyết những sự cố của hành khách |
TC4 |
|
Khả năng đáp ứng (DU) |
Nhân viên không quá bận để đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ |
DU1 |
Nhân viên luôn sẵn sàng giúp đỡ hành khách |
DU2 |
|
Không mất nhiều thời gian gửi hành lý tại băng chuyền |
DU3 |
|
Dịch vụ kèm theo (mua vé vào phòng khách thương gia, đóng gói hành lý) nhanh chóng, dễ dàng |
DU4 |
|
Dễ dàng nhìn thấy khu vực làm thủ tục check-in |
DU5 |
|
Hành lý chưa bao giờ bị thất lạc khi đi từ CHKBMT |
DU6 |
|
Năng lực phục vụ (NL) |
Nhân viên làm thủ tục nhanh chóng và tiện lợi, không có sai sót |
NL1 |
Nhân viên thu gom xe đẩy luôn hòa nhã, tác nghiệp tốt |
NL2 |
|
Nhân viên làm thủ tục luôn hòa nhã, tác nghiệp tốt |
NL3 |
|
Nhân viên đóng gói hành lý nhanh chóng, không gây phiền hà |
NL4 |
|
Nhân viên có kiến thức trong việc giải đáp thắc mắc cho hành khách |
NL5 |
|
Sự đồng cảm (DC) |
Dễ dàng sử dụng các dịch vụ thông tin liên lạc (Điện thoại/Internet) |
DC1 |
Các bảng thông tin về giờ cất/hạ cánh được cập nhật chính xác. |
DC2 |
|
Nhân viên quan tâm đến nhu cầu đặc biệt của hành khách |
DC 3 |
|
Chưa bao giờ thấy tình trạng thiếu xe đẩy hành lý hay xe đẩy hành lý bị hỏng |
DC4 |
|
Phương tiện hữu hình (CQ) |
Thấy biển chỉ dẫn bên trong nhà ga đầy đủ, dễ hiểu, đặt tại các vị trí dễ thấy |
CQ1 |
Thấy nhà ga sạch sẽ, rộng rãi, thoáng mát, ánh sáng đầy đủ |
CQ2 |
|
Thấy trang phục, diện mạo của nhân viên là đẹp |
CQ3 |
|
Thấy sảnh chờ đi và phòng chờ ra máy bay có đủ ghế cho khách |
CQ4 |
|
Thấy sảnh công cộng đủ rộng và bố trí ghế ngồi hợp lý cho người đón/tiễn |
CQ5 |
|
Thấy thang cuốn hiện đại, an toàn, hoạt động tốt |
CQ6 |
|
B |
Biến phụ thuộc |
|
Sự hài lòng của khách (HL) |
Anh/chị hoàn toàn hài lòng với chất lượng dịch vụ làm thủ tục hàng không tại CHKBMT |
HL1 |
Anh/chị mong muốn CHKBMT nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ |
HL2 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Phương pháp nghiên cứu
Thu thập số liệu
Số liệu sơ cấp được thực hiện trong quá trình nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp điều tra xã hội học do nhóm tác giả thực hiện qua phát bảng câu hỏi với đối tượng là hành khách làm thủ tục tại PXU.Nhóm tác giả sử dụng kỹ thuật phân tích định tính và các thống kê mô tả căn bản để phân tích dữ liệu điều tra. Với phương pháp phân tích nhân tố, chọn dung lượng mẫu theo nguyên tắc của Hair và cs. (2014), kích thước mẫu tối thiểu từ 100 trở lên và chọn tỷ lệ số quan sát trên một biến phân tích là 5:1. Bài viết sử dụng 25 biến quan sát, vì vậy kích thước mẫu tối thiểu cần khảo sát là 25 x 5 = 125. Để đảm bảo tính đại diện, các tác giả khảo sát 250 hành khách làm thủ tục tại PXU.
Xử lý dữ liệu
Thông tin, dữ liệu của các phiếu khảo sát hợp lệ được mã hóa thành số liệu:
- Kết quả đánh giá các biến quan sát mã hóa theo thang đo khoảng.
- Kết quả các biến định tính, sàng lọc, phân loại đối tượng khảo sát mã hóa theo thang đo định danh.
Số liệu được nhập vào máy tính và xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0.
Phân tích dữ liệu
Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Phương pháp này được dùng để rút gọn một tập hợp nhiều biến quan sát phụ thuộc lẫn nhau thành một tập biến ít hơn, có ý nghĩa hơn nhưng vẫn chứa đựng hầu hết các nội dung ban đầu.
Các nhân tố đặc trưng có tương quan với nhau và với các nhân tố chung. Bản thân các nhân tố chung cũng có thể được diễn tả như những kết hợp tuyến tính của các biến quan sát:
Fi = Wi1X1 + Wi2X2 + Wi3X3 + … + WikXk
Trong đó:
Fi: Ước lượng trị số của nhân tố thứ i (biến độc lập thứ i); Wi: Quyền số hay trọng số nhân tố; Xi: Biến quan sát thứ I; k: Số biến quan sát thuộc nhân tố thứ i.
Điều kiện thỏa mãn yêu cầu trong phân tích nhân tố khám phá: Hệ số KMO (Kaiser-Meyer-Olkin) phải có giá trị từ 0,5 đến 1 và mức ý nghĩa của kiểm định Bartlett ≤ 0,05; Hệ số tải nhân tố > 0,5; Thang đo được chấp nhận khi tổng phương sai trích ≥ 50% và Eigenvalues có giá trị > 1.
Phân tích tương quan Pearson
Được sử dụng để lượng hóa mức độ chặt chẽ của mối liên hệ tuyến tính giữa 2 biến định lượng. Nếu giữa 2 biến có sự tương quan chặt thì phải lưu ý vấn đề đa cộng tuyến khi phân tích hồi quy. Trong phân tích tương quan Pearson, không có sự phân biệt giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc mà tất cả đều được xem xét như nhau.
Phân tích hồi quy tương quan bội
Ma trận tương quan với các Hệ số tương quan phản ảnh mức độ tương quan giữa các biến.
Kiểm định Hệ số tương quan với Cặp giả thuyết nghiên cứu: H0: “Không tồn tại mối tương quan giữa 2 biến”; H1: “Tồn tại mối tương quan giữa 2 biến”.
Với mức ý nghĩa kiểm định là 5%, Sig ≤ 0,05: Bác bỏ Ho; Sig > 0,05: Chưa có cơ sở bác bỏ Ho.
Từ phân tích hồi quy tuyến tính bội giúp xác định phương trình hồi quy tuyến tính bội:
Y = β0 + β1X1 + β2X2 + β3X3 + β4X4 + β4X5 + e
Trong đó: B0 là giá trị hằng số, e là sai số ngẫu nhiên.
Bi là hệ số hồi quy tuyến tính đo lường sự thay đổi giá trị trung bình của biến phụ thuộc sau khi 1 biến độc lập thay đổi 1 đơn vị và các biến độc lập còn lại không đổi.
Kết quả và thảo luận
Bảng 2: Kết quả thống kê mô tả thang đo chất lượng dịch vụ |
||||||
STT |
Biến quan sát |
Cỡ mẫu |
GT nhỏ nhất |
GT lớn nhất |
GT trung bình |
Độ lệch chuẩn |
1 |
TC1 |
250 |
1 |
5 |
3.94 |
1.165 |
2 |
TC2 |
250 |
1 |
5 |
3.98 |
1.048 |
3 |
TC3 |
250 |
2 |
5 |
4.11 |
0.645 |
4 |
TC4 |
250 |
1 |
5 |
3.96 |
1.118 |
5 |
DU1 |
250 |
2 |
5 |
3.57 |
0.622 |
6 |
DU2 |
250 |
1 |
5 |
3.39 |
0.813 |
7 |
DU3 |
250 |
2 |
5 |
3.64 |
0.602 |
8 |
DU4 |
250 |
2 |
5 |
3.60 |
0.549 |
9 |
DU5 |
250 |
2 |
4 |
3.60 |
0.502 |
10 |
DU6 |
250 |
3 |
5 |
3.49 |
0.634 |
11 |
NL1 |
250 |
1 |
5 |
3.36 |
0.680 |
12 |
NL2 |
250 |
1 |
5 |
3.30 |
0.749 |
13 |
NL3 |
250 |
1 |
5 |
3.32 |
0.699 |
14 |
NL4 |
250 |
1 |
5 |
3.30 |
0.832 |
15 |
NL5 |
250 |
2 |
5 |
3.36 |
0.601 |
16 |
DC1 |
250 |
1 |
5 |
3.19 |
0.695 |
17 |
DC2 |
250 |
1 |
5 |
3.12 |
1.068 |
18 |
DC3 |
250 |
1 |
5 |
3.12 |
1.292 |
19 |
DC4 |
250 |
1 |
5 |
3.22 |
1.368 |
20 |
CQ1 |
250 |
2 |
5 |
3.94 |
0.655 |
21 |
CQ2 |
250 |
2 |
5 |
3.96 |
0.667 |
22 |
CQ3 |
250 |
2 |
5 |
3.97 |
0.792 |
23 |
CQ4 |
250 |
3 |
5 |
4.15 |
0.637 |
24 |
CQ5 |
250 |
3 |
5 |
3.48 |
0.609 |
25 |
CQ6 |
250 |
3 |
5 |
3.47 |
0.633 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ thủ tục tại PXU
Thống kê mô tả thang đo CLDV và mức độ hài lòng của khách hàng
- Kết quả thống kê mô tả thang đo CLDV cho thấy, hầu hết được hành khách đánh giá ở mức độ từ 3 đến 4, đây là mức khá cao.
+ Biến quan sát thuộc thang đo Sự tin cậy được hành khách đánh giá cao, giá trị trung bình từ 3,9 – 4,1.
+ Biến quan sát thuộc thang đo Khả năng đáp ứng được hành khách đánh giá khá cao, giá trị trung bình từ 3,49 – 3,64.
+ Biến quan sát thuộc thang đo Năng lực phục vụ được hành khách đánh giá khá cao, giá trị trung bình từ 3,30 – 3,36.
+ Biến quan sát thuộc thang đo Sự đồng cảm được hành khách đánh giá khá cao, giá trị trung bình từ 3,12 – 3,22.
+ Biến quan sát thuộc thang đo “phương tiện hữu hình” được hành khách đánh giá cao, giá trị trung bình từ 3,47 – 4,15.
Thống kê mô tả mức độ hài lòng của hành khách
Đối với bảng thống kê thang đo mức độ hài lòng, kết quả cho thấy hành khách khá hài lòng đối với chất lượng dịch vụ làm thủ tục hành khách (Giá trị trung bình = 3,6).
Phân tích nhân tố khám phá EFA
Kiểm định nhân tố khám phá cho biến độc lập
Kết quả KMO và Bartlett’s cho thấy, hệ số KMO > 0,5, mức ý nghĩa của kiểm định Bartlett căn cứ trên giá trị Sig = 0 <0,05 nên phân tích nhân tố hợp với dữ liệu nghiên cứu.
Kết quả phân tích bằng phương pháp rút trích Principal Component Analysis và phép xoay Varimax cho thấy, có 5 thành phần được rút ra từ các biến quan sát cho 5 nhóm biến độc lập ban đầu. Hệ số Cumulative = 66,502% > 50% và các giá trị của hệ số Eigenvalues của các nhân tố đều lớn hơn 1, hệ số tải nhân tố > 0,5, đạt yêu cầu.
Kiểm định nhân tố khám phá cho biến phụ thuộc
Kết quả KMO và Bartlett’s cho thấy, hệ số KMO = 0,5, mức ý nghĩa của kiểm định Bartlett căn cứ trên giá trị Sig = 0 <0,05 nên phân tích nhân tố hợp với dữ liệu nghiên cứu.
Kết quả phân tích bằng phương pháp rút trích Principal Component Analysis và phép xoay Varimax cho thấy, có 1 thành phần được rút ra từ các biến quan sát cho nhóm biến phụ thuộc ban đầu. Hệ số Cumulative = 85,78% > 50% và các giá trị của hệ số Eigenvalues của các nhân tố đều lớn hơn 1, hệ số tải nhân tố = 0,93> 0,5, đạt yêu cầu.
Mô hình nghiên cứu và các giả thuyết
Mô hình nghiên cứu
Để kiểm định vai trò quan trọng của các nhân tố trong việc đánh giá mối quan hệ giữa các nhân tố tác động đến sự hài lòng của hành khách khi sử dụng dịch vụ làm thủ tục hàng không tại PXU, mô hình hồi quy bội được sử dụng. Mô hình bao gồm một biến phụ thuộc là “Sự hài lòng của hành khách” và năm biến độc lập là “Sự tin cậy”, “khả năng đáp ứng”, “năng lực phục vụ”, “sự đồng cảm”, “phương tiện hữu hình”. Theo đó, phương trình hồi quy tuyến tính như sau:
HL = β0 + β1TC + β2DU + β3NL + β4DC + β5CQ + e
Các giả thuyết
H1: Cảm nhận của hành khách về Sự tin cậy càng cao thì sự hài lòng của hành khách càng cao.
H2: Cảm nhận của hành khách về Khả năng đáp ứng càng cao thì sự hài lòng của hành khách càng cao.
H3: Cảm nhận của hành khách về Năng lực phục vụ càng cao thì sự hài lòng của hành khách càng cao.
H4: Cảm nhận của hành khách về Sự đồng cảm càng cao thì sự hài lòng của hành khách càng cao.
H5: Cảm nhận của hành khách về Phương tiện hữu hình càng cao thì sự hài lòng của hành khách càng cao.
Kiểm định mô hình nghiên cứu và các giả thuyết
Phân tích tương quan Pearson
Kết quả phân tích tương quan Pearson cho thấy, mức độ tương quan giữ biến phụ thuộc HL và các biến độc lập TC, DU, NL, DC, CQ lần lượt bằng 0,471, 0,342, 0,241, 0,479, 0,252. Các hệ số tương quan lớn hơn 0, mối liên hệ tuyến tính giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc theo chiều thuận, tức là TC, DU, NL, DC, CQ tăng thì HL tăng. Giá trị Sig trong tương quan giữa từng biến độc lập với biến phụ thuộc đều <0,05 nên giữa biến độc lập và biến phụ thuộc có mối liên hệ tác động nhau, có thể đưa các biến độc lập vào mô hình hồi quy để giải thích cho sự thay đổi của biến phụ thuộc.
Phân tích hồi quy tuyến tính bội
Đánh giá sự phù hợp của mô hình: Theo kết quả phân tích cho thấy hệ số R2 điều chỉnh = 0,733, có nghĩa là 73,3% sự biến thiên của biến phụ thuộc được giải thích bởi các biến độc lập trong mô hình.
Kiểm định sự phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính bội: F = 110.238 với mức ý nghĩa Sig = 0.000 < 0,5 nên mô hình hồi quy tuyến tính bội phù hợp với tập dữ liệu và có thể sử dụng được.
Bảng ANOVA cho thấy Sig = 0.000 khá nhỏ nên nên mô hình có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1% hay mô hình này có thể sử dụng cho phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của hành khách.
Kiểm định đa cộng tuyến: Xem xét hệ số phóng đại phương sai VIF, nếu VIF có giá trị > 2 thì xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Giá trị VIF của các biến độc lập đều có giá trị < 2, do đó không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra.
Kết quả xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính bội
Bảng hệ số hồi quy cho thấy, hệ số cả 5 nhân tố đều có hệ số Beta > 0. Các hệ số hồi quy Sig trong bảng đều có giá trị = 0 và < 0,05, do đó không có biến nào bị loại khỏi mô hình hồi quy. Như vậy, có 5 nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của hành khách là: Sự tin cậy (TC), Khả năng đáp ứng (DU), Năng lực phục vụ (NL), Sự đồng cảm (DC) và Phương tiện hữu hình (CQ).
Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của hành khách đối với dịch vụ làm thủ tục hàng không tại PXU được thể hiện qua phương trình sau:
HL = - 0,807 + 0,506TC + 0,297DU + 0,305NL + 0,591DC + 0,171CQ
Kiểm định giả thuyết nghiên cứu
Các giả thuyết H1, H2, H3, H4 và H5 đều có Beta > 0, và giá trị Sig <0,05; do đó đều thỏa mãn kiểm định.
Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của hành khách
Nhân tố Sự tin cậy là nhân tố có tác động nhiều thứ hai trong mô hình nghiên cứu đưa ra (hệ số Beta = 0,506). Nhân tố Sự tin cậy cũng có giá trị trung bình khá cao (Từ 3,9 đến 4,1).
Nhân tố Khả năng đáp ứng là nhân tố tác động ít đến sự hài lòng của hành khách đối với dịch vụ làm thủ tục hàng không tại PXU với hệ số Beta 0,297. Theo kết quả khảo sát, nhân tố này có giá trị trung bình > 3, trong đó có biến quan sát DU2 “Nhân viên luôn sẵn sàng giúp đỡ hành khách” có đánh giá mức 1, là mức không hài lòng.
Nhân tố Năng lực phục vụ là nhân tố khá tác động đến sự hài lòng của hành khách với hệ số Beta 0,305; tuy nhiên theo đánh giá thực tế của hành khách thì nhân tố này có nhiều biến quan sát nhận được nhiều mức 1 nhất.
Nhân tố Sự đồng cảm là nhân tố tác động nhiều nhất đến sự hài lòng của hành khách với hệ số Beta là 0,591. Tuy nhiên, mức độ hài lòng của hành khách đối với nhân tố này là thấp nhất trong số 5 nhân tố nghiên cứu (Mean = 3,1). Biến quan sát quan trọng trong nhân tố này là “Nhân viên quan tâm đến nhu cầu đặc biệt của hành khách”.
Nhân tố “Phương tiện hữu hình” là nhân tố có hệ số Beta thấp nhất (= 0,171), giá trị trung bình khá cao (= 3,9). Nhân tố thể hiện sự hài lòng của hành khách đối hạ tầng cơ sở và các trang thiết bị, máy móc kỹ thuật tại PXU. Nhân tố này tác động ít nhất đến sự hài lòng của hành khách so với 4 nhân tố trên, nhân tố này không có biến quan sát nào bị đánh giá ở mức độ 1.
Gợi ý chính sách
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm nâng cao sự hài lòng của hành khách khi sử dụng dịch vụ tại PXU.
Đối với nhân tố Sự đồng cảm
Cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho hành khách bị hủy/trễ chuyến. Cải tiến công tác hướng dẫn quy trình và thông báo bay. Nâng cao CLDV nhà hàng, bán hàng lưu niệm. Quản lý hoạt động của nhà hàng bằng khung giá trần để kiểm soát giá bán ở mức hợp lý, đồng thời đa dạng hóa thực đơn để thu hút hành khách.
Đối với nhân tố Sự tin cậy
Đảm bảo giờ bay đúng lịch; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ và công tác bảo dưỡng máy bay để hạn chế những vấn đề kỹ thuật phát sinh vào giờ bay, ảnh hưởng đến việc đảm bảo lịch bay. Phối hợp tốt hơn nữa trong công tác kiểm tra kỹ thuật trước giờ bay. Nâng cao CLDV phục vụ hành khách bị trễ/hủy chuyến...
Đối với nhân tố Năng lực phục vụ
Tăng cường cung cấp thông tin về các chuyến bay bị trễ cho hành khách hệ thống phát thanh. Nhân viên cần được thường xuyên huấn luyện về các tiêu chuẩn, yêu cầu chung trong phong cách và thái độ phục vụ hành khách cũng như các kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách. Bố trí quầy thông tin ở một số điểm trong nhà ga để giải đáp ngay mọi thắc mắc về quy trình, giờ bay và những vấn đề khác của hành khách.
Đối với nhân tố Khả năng đáp ứng
Tăng cường hợp lý hóa công tác sắp xếp lịch bay. Đảm bảo các khâu thủ tục mà hành khách phải qua trong nhà ga được thực hiện theo đúng chuẩn đề ra, không quá chậm làm ảnh hưởng đến giờ ra máy bay của khách. Áp dụng các tiêu chuẩn khuyến cáo của ICAO (International Civil Aviation Organization - Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và IATA (International Air Transportation Association - Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế) về tổng thời gian xử lý hành khách cũng như thời gian xếp hàng chờ tối đa ở mỗi khâu thủ tục trong nhà ga. Thành lập bộ phận chuyên trách về dịch vụ hành khách, kịp thời phản ảnh những nhu cầu hay khiếu nại, phàn nàn của hành khách đến các cấp lãnh đạo để có hướng xử lý nhanh chóng và xác đáng.
Đối với nhân tố Phương tiện hữu hình
Cần đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm tra; chú trọng bảo trì trang thiết bị phục vụ bay tại nhà ga; quan tâm đến vấn đề vệ sinh, cảnh quan... đảm bảo PXU sạch đẹp. Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nhân viên, đổi mới thực đơn, bố trí xe đưa hành khách đến cửa ra của máy bay…
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Thị Phương Thảo (2019). Ứng dụng chỉ số hài lòng khách hàng của Mỹ - Một nghiên cứu trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, Năm thứ 30, Số 12 (2019), Tr. 36–54;
- Nguyễn Đình Thọ (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh - Thiết kế và thực hiện. NXB Lao động - Xã hội;
- Hair et. al. (2014). Multivariate Data Analysis. Pearson, New Jersey.