Nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán trong bối cảnh hiện nay


Các quốc gia trên thế giới đều đặt ra yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán cần tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về kế toán, kinh doanh dịch vụ kế toán, hệ thống chuẩn mực kế toán và các văn bản pháp luật liên quan trong quá trình hoạt động. Tại Việt Nam, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực kế toán, Bộ Tài chính thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc bảo đảm và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán. Bài viết hệ thống lại một số quy định đáng lưu ý về kinh doanh dịch vụ kế toán, đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ này trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các quy định đáng lưu ý về kinh doanh dịch vụ kế toán

Theo các chuyên gia kế toán, Luật Kế toán năm 2015 của Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập...) và Thông tư số 297/2016/TT-BTC của Bộ Tài chínhđã quy định rõ các đối tượng được cung cấp dịch vụ kế toán (DVKT); các trường hợp, đối tượng không được cung cấp DVKT; các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán..., góp phần tạo dựng một nền tảng cơ sở pháp lý quan trọng cho thị trường DVKT phát triển ổn định.

Khái niệm kinh doanh dịch vụ kế toán

Theo Khoản 13, Điều 3, Luật Kế toán 2015, kinh doanh DVKT là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Luật Kế toán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Theo Điều 5, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán năm 2015, đơn vị kinh doanh DVKT bao gồm doanh nghiệp (DN) kinh doanh DVKT, hộ kinh doanh DVKT, chi nhánh DN kinh doanh DVKT nước ngoài tại Việt Nam, DN kinh doanh DVKT nước ngoài cung cấp DVKT qua biên giới tại Việt Nam.

Các trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán

Theo Điều 25, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, DN kinh doanh DVKT, hộ kinh doanh DVKT, DN kiểm toán không được cung cấp DVKT cho đơn vị khác khi người có trách nhiệm quản lý, điều hành hoặc người trực tiếp thực hiện DVKT của đơn vị thuộc các trường hợp sau đây:

- Là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người có trách nhiệm quản lý, điều hành, kế toán trưởng của đơn vị kế toán, trừ trường hợp đơn vị kế toán là DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, các DN thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước là DN siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

- Các trường hợp như: Có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó; không đủ năng lực chuyên môn hoặc không đủ điều kiện để thực hiện DVKT; đang cung cấp dịch vụ làm kế toán trưởng cho khách hàng là tổ chức có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó; đơn vị kế toán yêu cầu thực hiện những công việc không đúng với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hoặc không đúng với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán, tài chính.

- Trường hợp khác theo quy định của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và quy định của pháp luật.

Kinh doanh dịch vụ kế toán của doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề

Việc kinh doanh DVKT của DN kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề được quy định rõ tại Điều 24, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP. Theo đó, DN kiểm toán có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập thì được kinh doanh DVKT. Khi không còn đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập thì DN kiểm toán không được kinh doanh DVKT.

Kiểm toán viên có đủ điều kiện hành nghề kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập thì được hành nghề DVKT. Khi không còn đủ điều kiện hành nghề kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập thì kiểm toán viên hành nghề không được hành nghề DVKT. Theo khoản 2, Điều 27, kế toán viên hành nghề không được đồng thời đăng ký hành nghề DVKT tại hai đơn vị kinh doanh DVKT trở lên trong cùng một thời gian. DN kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề đều phải chịu sự kiểm soát của Bộ Tài chính về chất lượng DVKT đã thực hiện.

Đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán

Điều 8, Thông tư số 297/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 về cấp, quản lý và sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT, DN kinh doanh DVKT bị đình chỉ kinh doanh DVKT khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Kế toán. Cụ thể: Không bảo đảm một, một số hoặc toàn bộ các điều kiện quy định tại Điều 60 của Luật này trong 03 tháng liên tục; hoặc Có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo quy định, DN kinh doanh DVKT phải ngừng kinh doanh DVKT trong thời hạn bị đình chỉ kinh doanh DVKT theo quyết định đình chỉ của Bộ Tài chính. Hết thời hạn bị đình chỉ, nếu DN kinh doanh DVKT đáp ứng được các điều kiện kinh doanh DVKT theo quy định thì Bộ Tài chính bổ sung tên DN vào danh sách công khai các DN đủ điều kiện kinh doanh DVKT.

Tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kế toán

Theo Điều 10, Thông tư số 297/2016/TT-BTC, DN kinh doanh DVKT phải gửi thông báo cho Bộ Tài chính về việc tạm ngừng kinh doanh DVKT theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Kế toán. DN kinh doanh DVKT không được kinh doanh DVKT trong thời gian tạm ngừng kinh doanh DVKT. Khi hoạt động trở lại, DN kinh doanh DVKT phải bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật và phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính.

Chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán

Theo Điều 11, Thông tư số 297/2016/TT-BTC, DN kinh doanh DVKT phải gửi thông báo cho Bộ Tài chính về việc chấm dứt kinh doanh DVKT theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Kế toán. DN kinh doanh DVKT phải nộp trả lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT cho Bộ Tài chính trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày chấm dứt kinh doanh DVKT. DN kinh doanh DVKT có trách nhiệm thông báo cho khách hàng (đơn vị được cung cấp DVKT) và các bên có liên quan, công bố trên phương tiện thông tin đại chúng về việc chấm dứt kinh doanh DVKT chậm nhất là 30 ngày trước ngày chính thức chấm dứt kinh doanh DVKT. DN kinh doanh DVKT không được kinh doanh DVKT kể từ ngày chấm dứt kinh doanh DVKT.

Các hành vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán

Theo Điều 14, Thông tư số 297/2016/TT-BTC, các hành vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh DVKT gồm: Kê khai không đúng thực tế hoặc gian lận, giả mạo hồ sơ để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT; giả mạo, tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT; không làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT khi có thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Kế toán; cung cấp DVKT khi thuộc một trong các trường hợp nhất định (Khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT; trong thời gian DN kinh doanh DVKT bị đình chỉ kinh doanh DVKT, tạm ngừng kinh doanh DVKT, chấm dứt kinh doanh DVKT hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT); cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT; không nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT theo quy định...

Yêu cầu về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ kế toán

Thời gian qua, thị trường DVKT Việt Nam đã phát triển, cả về chất lượng dịch vụ và quy mô hoạt động; từ đó góp phần nâng cao chất lượng, làm lành mạnh hóa và nâng cao tính công khai, minh bạch của các hoạt động kinh tế - tài chính của tất cả các đơn vị, tổ chức trong nền kinh tế. Dưới sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Tài chính, ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật về kế toán nói chung và chất lượng DVKT nói riêng của các DN cung cấp DVKT và các kế toán viên đều đã được nâng lên.

Bên cạnh đó, số lượng người được cấp chứng chỉ kế toán ngày càng tăng. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 12/2020, số người có chứng chỉ hành nghề kế toán viên là 1.091 người, trong đó có 350 người đang làm việc trong các DN DVKT, chiếm 32% số người có chứng chỉ kế toán viên... Năng lực của các kế toán viên cũng ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Việc thường xuyên yêu cầu nâng cao chất lượng cung cấp DVKT là yêu cầu buộc đối với tất cả các DN cung cấp DVKT trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam trong bối cảnh thị trường dịch vụ tài chính ngày càng phát triển. Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm thị trường tài chính – tiền tệ phát triển ổn định, bền vững, để nâng cao chất lượng DVKT của các đơn vị kinh doanh DVKT, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác quản lý giám sát, đồng thời có công văn yêu cầu đơn vị kinh doanh DVKT, người hành nghề DVKT thực hiện đúng nghiêm các quy định pháp luật về kinh doanh DVKT.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh DVKT trong bối cảnh mới, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Đối với cơ quan quản lý

- Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật và các chuẩn mực kế toán của các DN cung cấp DVKT trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Tiêu chuẩn hóa các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng đối với DVKT; các quy định các chế tài xử lý vi phạm, xử lý vi phạm hành chính đảm bảo tính răn đe, nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN, đơn vị kế toán, các DN kinh doanh DVKT và người hành nghề kế toán.

- Nâng cấp và ứng dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát thị trường DVKT.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán

- Nắm vững và thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật kế toán, kinh doanh DVKT, đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề kế toán và pháp luật khác có liên quan đến nội dung công việc khi cung cấp DVKT.

- Tuân thủ đầy đủ các quy định về kiểm tra hoạt động DVKT của cơ quan có thẩm quyền và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các kiến nghị về các tồn tại, sai sót phát hiện trong các cuộc kiểm tra hoạt động DVKT.

- Quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên, người hành nghề DVKT; kiểm soát tốt việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân viên, người hành nghề DVKT.

- Thực hiện nghiêm chỉnh việc ký kết hợp đồng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng; quy định rõ nội dung, trách nhiệm của người hành nghề DVKT, DN kinh doanh DVKT trong mỗi loại dịch vụ cung cấp cho khách hàng (dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán...).

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán;
  2. Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán;
  3. Chính phủ (2018), Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập...
  4. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 297/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 về cấp, quản lý và sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT.

 

* ThS. Ninh Thị Thúy Ngân - Trường Đại học Lao động và Xã hội

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 5/2022