Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế


Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và lĩnh vực tài chính nói riêng đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước và xu thế phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán của khu vực và thế giới.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Đối với lĩnh vực kế toán, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán và các dịch vụ có liên quan trong nền kinh tế ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, góp phần phục vụ đắc lực, hiệu quả cho các hoạt động kinh tế - tài chính.

Tình hình phát triển thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam

Kết quả đạt được

Sau hơn 25 năm đổi mới và cải cách, lĩnh vực kế toán Việt Nam có nhiều thay đổi với những bước phát triển quan trọng, đóng góp hiệu quả vào thành công chung của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, với việc Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (ban hành tại Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ) được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Sau gần 10 năm triển khai, Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã tạo lập hệ thống kế toán tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Với khung khổ pháp lý về kế toán ngày càng được hoàn thiện, góp phần tạo điều kiện cho hoạt động kế toán phát triển; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho các hoạt động kinh tế - tài chính của các doanh nghiệp (DN), tổ chức, đơn vị kế toán…

Theo Vũ Đức Chính (2020), thị trường dịch vụ kế toán (DVKT) Việt Nam thời gian qua đã phát triển, cả về chất lượng dịch vụ và quy mô hoạt động; từ đó góp phần nâng cao chất lượng, làm lành mạnh hóa và nâng cao tính công khai, minh bạch của các hoạt động kinh tế - tài chính của tất cả các đơn vị, tổ chức trong nền kinh tế - xã hội. Môi trường pháp lý về cơ bản được quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển thị trường DVKT do các DN kế toán, kiểm toán trong và ngoài nước cung cấp.

Luật Kế toán năm 2015 của Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập...) đã quy định rõ các đối tượng được cung cấp DVKT; các trường hợp, đối tượng không được cung cấp DVKT; các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán... góp phần tạo dựng một nền tảng cơ sở pháp lý quan trọng cho thị trường DVKT phát triển ổn định.

Thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2020, các nước có 135 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT (tăng 14,4% so với năm 2019) và 386 cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT (tăng 19,9% so với năm 2019). Tỷ lệ tăng trưởng, hàng năm, quy mô khách hàng của DN kinh doanh DVKT tăng khá nhanh, song vẫn còn khá khiêm tốn. Điển hình như, năm 2019, mặc dù số lượng DN đã tăng 57% so với năm 2018 nhưng số lượng khách hàng mới trong hoạt động kinh doanh DVKT chỉ đạt con số 7.396 đơn vị, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong thị trường.

Trong những năm qua, dưới sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Tài chính, ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật về kế toán nói chung và chất lượng DVKT nói riêng của các DN cung cấp DVKT và các kế toán viên đều đã được nâng lên. Bên cạnh đó, số lượng người được cấp chứng chỉ kế toán ngày càng tăng. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 12/2020, số người có chứng chỉ hành nghề kế toán viên là 1.091 người, trong đó có 350 người đang làm việc trong các DN DVKT, chiếm 32% số người có chứng chỉ kế toán viên... Năng lực của các kế toán viên cũng ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Một số tồn tại, hạn chế

Mặc dù, thị trường DVKT Việt Nam đã có chuyển biến tích cực nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, cụ thể:

Về phía cơ quan quản lý nhà nước

- Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kế toán tuy đã được chú trọng, tăng cường, song cũng còn một số hạn chế, tồn tại như trong việc xây dựng thể chế; thực hiện quản lý, giám sát hành nghề, thực thi pháp luật về kế toán ở đơn vị...

- Công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động kế toán đóng vai trò hết sức quan trọng nhưng trong thực tiễn chưa được hoàn thiện. Hoạt động kiểm tra chất lượng DVKT trong một số trường hợp còn có hạn chế nhất định. Hoạt động quản lý, công tác kiểm tra, giám sát tính tuân thủ pháp luật về kế toán đạt hiệu quả chưa cao.

- Nguồn nhân lực tại cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán tuy đã có sự cải thiện về chất lượng, nhưng số lượng lại thiếu trong bối cảnh thị trường DVKT ngày càng phát triển, các hoạt động kiểm tra, giám sát ngày càng đa dạng và phức tạp hơn...

Đối với tổ chức nghề nghiệp

Trong những năm qua, sự phát triển của lĩnh vực kế toán có sự đóng góp to lớn của các tổ chức nghề nghiệp. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, vai trò của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán ở Việt Nam hiện nay khá mờ nhạt trong công tác quản lý, chủ yếu mới chỉ thực hiện chức năng hỗ trợ chuyên môn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho kế toán viên, kiểm toán viên.

Về phía doanh nghiệp

(i) Số lượng DN cung cấp DVKT đăng ký còn hạn chế, quy mô thị trường còn nhỏ, do đó chưa tạo được sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ giữa các DN. Sự phát triển của DVKT Việt Nam chưa phát triển xứng tầm với sự tăng trưởng của nền kinh tế.

(ii) Về chất lượng dịch vụ, dù đã có sự cải thiện đáng kể nhưng thực tế chất lượng DVKT, dịch vụ kiểm toán tại một số DN còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số DN và kế toán viên, kiểm toán viên chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán và các quy định pháp luật có liên quan.

(iii) Mặc dù, số lượng khách hàng và doanh thu dịch vụ các công ty kế toán có tăng trưởng khá nhưng trên bình diện chung, tốc độ tăng vẫn còn thấp. Tổng doanh thu của thị trường kế toán, kiểm toán của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,08% GDP/năm.

(iv) Vẫn còn tình trạng mất cân đối trong phát triển của thị trường. Các công ty 100% vốn nước ngoài tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng chiếm đến 50% doanh thu toàn thị trường DVKT kiểm toán.

(v) Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo các chuyên gia kế toán, chất lượng cung cấp DVKT dựa rất nhiều vào chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đây lại là một trong những thách thức lớn đối với các DN cung cấp DVKT, kiểm toán. Hiện nay, cả nước có 2.037 kiểm toán viên, khoảng trên 1.000 kế toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề. Số lượng này là quá thấp so với nhu cầu thực tế của thị trường (cần khoảng 7.000 kế toán viên, kiểm toán viên).

Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Nhằm nâng cao chất lượng DVKT trong thời gian tới cần chú trọng triển khai một số giải pháp sau:

Đối với cơ quan quản lý

- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập; nghiên cứu xây dựng các Luật Kế toán, Kiểm toán thay thế cho các luật hiện hành theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và giải quyết căn bản các tồn tại, hạn chế, làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về kế toán, kiểm toán.

- Tiêu chuẩn hóa các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng đối với DVKT; các quy định các chế tài xử lý vi phạm, xử lý vi phạm hành chính đảm bảo tính răn đe, nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật và các chuẩn mực kế toán của các DN cung cấp DVKT trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

- Nâng cao năng lực của tổ chức quản lý, giám sát trong lĩnh vực kế toán; tăng cường năng lực nhân lực có trình độ, chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp; đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức thực hiện độc lập, chất lượng và ổn định.

- Hoàn thiện các quy định tạo cơ sở và điều kiện cho việc tham gia các thỏa thuận quốc tế và công nhận lẫn nhau đối với kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề...

- Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN, đơn vị kế toán, các DNkinh doanh DVKT và người hành nghề kế toán.

- Nâng cấp và ứng dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát thị trường DVKT.

Đối với hội nghề nghiệp

- Nâng cao hiệu quả các hoạt động chuyên môn của Hội nghề nghiệp; chuyển giao các hoạt động nghề nghiệp phù hợp.

- Tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán và các tổ chức phi Chính phủ trên thế giới; Nghiên cứu các mô hình của các nước phát triển để vận dụng vào Việt Nam trong việc xây dựng kỹ thuật nghiệp vụ kế toán; Tiếp tục hoàn thiện mô hình đào tạo, thi, cấp chứng chỉ hành nghề về kế toán.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán

- Nâng cao nhận thức về quản lý, nâng cao chất lượng và DVKT. Kiểm soát chất lượng cần dựa vào những tiêu thức nhất định đã được xây dựng, để có sự đánh giá khắc phục, phát huy những kết quả sẵn có.

- Phát triển thị trường phải gắn với việc đa dạng hóa dịch vụ, hướng tới các dịch vụ có giá trị gia tăng cao theo hướng tích hợp DVKT với các dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn thuế, quản trị rủi ro, tư vấn xây dựng hệ thống quản trị…

- Bố trí nhân sự để bảo đảm chất lượng DVKT. Tuân thủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, các trường hợp không được cung cấp DVKT.

- Đầu tư và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động cung cấp DVKT. Các DN cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn nhằm tăng năng suất nghề nghiệp; tăng cường hợp tác kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ trọn gói và toàn diện cho khách hàng...

Đối với kế toán viên

- Nâng cao ý thức thực hiện chuẩn mực nghề nghiệp, quy định về đạo đức nghề nghiệp...

- Không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn...     

Tài liệu tham khảo:

1.Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13;

2.Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán;

3.Chính phủ (2018), Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập;

4.Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QĐ-TTg ban hành Chiến lược kế toán, kiểm toán giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030;

5.Vũ Đức Chính (2021), Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán. Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 02/2021;

6.Mai Ngọc Anh (2020), Phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán: Những vấn đề đặt ra. Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2020.

(*) Dương Thị Thiều - Trường Đại học Tài chính - Quản trị Kinh doanh.

(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 9/2021.