Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá để tránh hàng giả, hàng nhái

Linh Nguyễn

Để phòng tránh hàng gỉa, hàng nhái, trước tiên doanh nghiệp phải quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

"Dẹp loạn" vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
"Dẹp loạn" vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Thời gian qua, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã và đang trở thành vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội và cộng đồng người tiêu dùng.

Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nhiều nhà sản xuất – doanh nghiệp chân chính, làm xấu môi trường đầu tư và kéo lùi sự phát triển kinh tế đất nước. Đáng lo ngại là tình trạng trên diễn biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây cản trở cho lực lượng chức năng.

Để "dẹp loạn" vấn nạn này, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những yêu cầu đặt ra là cần phải quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, minh bạch từ những bước đầu để hàng giả, hàng nhái không có cơ hội “chen chân”.

Theo ông Hoàng Trọng Thanh - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội đầu tư xây dựng dịch vụ Nông lâm nghiệp Việt Nam, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa là vấn đề cần được quan tâm đúng mực, cần nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Muốn quản lý chất lượng cần dựa trên kiểm soát chất lượng, trong đó kiểm soát chất lượng phải bắt đầu từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng khi đến tay người tiêu dùng.

Để tự bảo vệ chính mình, trước tiên doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá. Theo đó, Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa ngày 21/11/2007 quy định các nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm.

Luật quy định, chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Căn cứ vào khả năng gây mất an toàn, sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sau: Sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng; Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.

Luật cũng nêu rõ, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Theo đó, hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải bảo đảm minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa, đặc biệt là trong việc chứng nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực kinh doanh của mình.

Cũng theo ông Hoàng Trọng Thanh, thực tế hiện nay, Việt Nam là thị trường tiêu dùng nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ trong nước sản xuất mà còn từ nước ngoài thâm nhập vào.

“Trên thế giới đồng USD cũng từng bị làm giả chứ không nói đến sản phẩm hàng hóa, bởi vậy chúng ta cần chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hai chiều. Trước tiên, chống hàng giả trong nước để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp Việt. Còn đối với hàng hóa nước ngoài vào, chúng ta phải bảo vệ người tiêu dùng trong nước, tránh xa những tổ chức, công ty, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm giả ở nước ngoài. Nhiều sản phẩm giả, nhái của nước ngoài “tuồn” vào nước ta nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ hoặc xử phạt thích đáng”, ông Thanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhận định, cần phải có hình thức xử phạt nghiêm minh hơn với các đối tượng vi phạm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Việc xử phạt sẽ chỉ là “muối bỏ bể” khi lợi nhuận cao gấp hàng trăm lần tiền xử phạt, mức phạt chưa đủ răn đe sẽ khiến các đối tượng vi phạm vẫn ngựa chạy theo đường cũ hoặc chuyển sang các thủ đoạn ngày càng xảo trá hơn.