Nâng cao chất lượng xét nghiệm trong lĩnh vực y tế nhờ đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn
Tiêu chuẩn ISO 15189 được áp dụng trong lĩnh vực y tế sẽ giúp nâng cao chất lượng xét nghiệm thông qua việc đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn.
Theo Viện Năng suất Việt Nam, hệ thống tiêu chuẩn đang áp dụng cho lĩnh vực y tế bao gồm Tiêu chuẩn ISO 15189 và 17025. Trong đó, ISO 15189:2007 (tương đương Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7782:2008) là tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về năng lực và chất lượng đối với các phòng xét nghiệm y tế.
Được biết, tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên các yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 và ISO 9001, và bổ sung thêm các yêu cầu riêng về đảm bảo chất lượng trong lĩnh vực thử nghiệm y tế.
Tiêu chuẩn này cũng được sử dụng khi cơ sở y tế cần xây dựng hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao năng lực kỹ thuật hoặc để được đánh giá công nhận theo VILAS hoặc tương đương. Trường hợp mong muốn nâng cao chất lượng dịch vụ và sự thỏa mãn của khách hàng thì cần áp dụng thêm tiêu chuẩn ISO 9001:2008 để có một hệ thống quản tích hợp cả năng lực kỹ thuật và chất lượng dịch vụ của PTN.
Hệ thống ISO 15189 bao gồm 15 yêu cầu về quản lý tương tự các yêu cầu về quản lý trong Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 hay các yêu cầu về hệ thống quản lý trong ISO 9001:2008 và 8 yêu cầu kỹ thuật liên quan đảm bảo chất lượng trong hoạt động xét nghiệm như: năng lực, tay nghề cán bộ xét nghiệm; kiểm soát điều kiện môi trường; kiểm soát thiết bị xét nghiệm; công tác chuẩn bị trước khi xét nghiệm; kiểm soát quá trình thực hiện xét nghiệm… Bên cạnh đó, xét nghiệm y tế là một khâu thiết yếu trong quá trình chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
Việc áp dụng Tiêu chuẩn ISO 15189 sẽ giúp đảm bảo cung cấp kết quả xét nghiệm một cách chính xác và tin cậy, làm cơ sở để thúc đẩy việc thừa nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám và điều trị bệnh nhân.
Đối tượng áp dụng ISO 15189 bao gồm các phòng, cơ sở xét nghiệm tại các bệnh viện; cơ quan quản lý dùng để đánh giá năng lực của phòng/cơ sở xét nghiệm y tế; tổ chức công nhận dùng để đánh giá, công nhận năng lực của phòng/cơ sở xét nghiệm y tế.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn ISO 15189 giúp cơ sở y tế nâng cao tính chính xác, độ tin cậy của kết quả xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế; nâng cao năng lực quản lý về chất lượng của các phòng xét nghiệm.
Đồng thời, tạo điều kiện để các bệnh viện, cơ sở y tế xem xét, sử dụng kết quả xét nghiệm của nơi khác. Từ đó trở thành cơ sở tin cậy cho các hoạt động giám định sức khỏe, pháp y.
Mặt khác, khi đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ISO 15189 sẽ là cơ sở để tham gia các hoạt động đánh giá thừa nhận lẫn nhau với các phòng xét nghiệm khác trên thế giới, đồng thời tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ, chuyên viên kỹ thuật…
Mới đây, tại Việt Nam, 3 đơn vị trực thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đã được Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) trao giấy chứng nhận Lean Six Sigma (an toàn cao nhất cho người bệnh và nhân viên tế).
Được biết, qua hơn 6 tháng nghiên cứu, cải tiến áp dụng song hành, dự án 1 có chủ đề "Ứng dụng Lean Six Sigma rút ngắn thời gian chờ và tăng sự hài lòng của khách hàng đến khám Nội tổng quát tại Bệnh viện Chợ Rẫy", cho thấy, kết quả đo lường của dự án đạt trên 90% tỉ lệ hài lòng, góp phần thay đổi được các thủ tục và cải tiến nhiều quy trình khám tổng quát tại đây.
Trong khi đó, Dự án 2 với chủ đề "Cải tiến quá trình khám bệnh tại Trung tâm tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy" đã mang lại nhiều phương pháp tối ưu và giảm nhiều thời gian chờ đợi khám cho bệnh nhân tim mạch.
Dự án 3 với chủ đề "Cải tiến quá trình thực hiện Thủ thuật – Phẫu thuật cho người bệnh ngoại trú tại Phòng khám Mắt Bệnh viện Chợ Rẫy" đã đưa ra nhiều giải pháp thay đổi giúp quy trình khám chữa bệnh của Khoa Mắt được nhanh hơn, giúp người bệnh rút ngắn thời gian hoàn tất khâu khám từ 30 giờ còn xuống 6 giờ.