Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam
Bảo vệ người tiêu dùng tài chính có thể là bất kỳ hoạt động, hành động hoặc tập hợp các quy tắc nhằm ngăn ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro của thị trường tài chính và những tổn thất tiềm ẩn đối với người tiêu dùng liên quan đến việc mua và sử dụng bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính, hoặc đối với mối quan hệ giữa khách hàng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Bảo vệ người tiêu dùng tài chính có ý nghĩa không chỉ với cá nhân người tiêu dùng mà còn có vai trò quan trọng với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Bài viết đánh giá thực trạng bảo vệ người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam, qua đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thị trường tài chính và yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Trong 10 năm gần đây, sự phổ cập của điện thoại di động trên toàn thế giới, sự phát triển dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vu thanh toán qua di động̣ (mobile money) trên toàn cầu, sự phát triển của công nghệ ngân hàng số... đã làm cho cho số lượng người sử dụng dịch vụ tài chính tăng nhanh, đạt bình quân 180 triệu người tiêu dùng mới mỗi năm.
Bên cạnh đó, sự gia tăng về tần suất và quy mô giá trị mỗi giao dịch tài chính, cùng với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô cung cấp các dịch vụ tài chính, thì các tổ chức trung gian tài chính, các công ty công nghệ cũng tham gia trực tiếp vào thị trường dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng, 2021).
Tại Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải chuyển sang làm việc từ xa. Song hành cùng đó, các phần mềm làm việc trực tuyến được tìm kiếm và tải về rầm rộ. Nhiều đơn vị phải mở hệ thống mạng để nhân viên có thể truy cập và làm việc từ xa. Điều này tạo môi trường cho kẻ xấu khai thác lỗ hổng, tấn công, đánh cắp thông tin. Cách thức chính của hacker là lừa người dùng cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại để lấy trộm tin nhắn OTP, thực hiện giao dịch bất hợp pháp.
Tương tự, lợi dụng tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội, một số đối tượng đã giả mạo nhân viên của nhiều công ty tài chính - chứng khoán, ví điện tử để tung ra các chiêu trò lừa đảo, thu lợi bất chính. Nhiều đối tượng mạo danh thông báo cho vay tín dụng cá nhân, yêu cầu người dùng đăng nhập vào đường link giả hoặc tải app giả mạo, nhập thông tin cá nhân, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chứng minh thu nhập rồi chiếm đoạt tiền của người dùng. Đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi và người dùng có thể bị đánh cắp thông tin ngân hàng, thông tin cá nhân để lợi dụng làm hợp đồng tín dụng, vay tiền mà không biết.
Ngoài ra, lợi dụng thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hôi, nhiều người dân thường xuyên nhận được các loại quảng cáo, mời chào tham gia vào các sàn giao dịch tiền điện tử, cài đặt các ứng dụng kiếm tiền trực tuyến. Trong đó, các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân, tiền điện tử luôn được quảng cáo sử dụng công nghệ blockchain, không thể sửa đổi thông tin trên sàn và kết nối với các đơn vị uy tín trên thế giới. Nhiều sàn giao dịch sụp đổ kéo theo nhiều nhà đầu tư mất tiền do các giao dịch này không được pháp luật bảo trợ.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế - tài chính của các quốc gia, trong bối cảnh hiện nay. Khi sự tin tưởng của người tiêu dùng tài chính tăng lên sẽ góp phần ngăn chặn sự mất cân đối thông tin, gây dựng lại niềm tin, khuyến khích họ chủ động tiếp cận đến các sản phẩm và dịch vụ tài chính chính thức, qua đó thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện.
Khái quát vấn đề bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính trên thế giới?
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), bảo vệ người tiêu dùng tài chính đó là những người xây dựng chính sách, các quan chức nhà nước cùng hành động, cung cấp các hướng dẫn, các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ người tiêu dùng tài chính trong các giao dịch tài chính. (OECD, 2021). Hiện nay, trên thế giới, chưa có khung bảo vệ người tiêu dùng tài chính chung hay những quy định bắt buộc cho tất cả các quốc gia (Nguyễn Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Vân, 2020).
Một số tổ chức quốc tế lớn như OECD, Hội nghị Bộ trưởng các nước G20 hay Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) đưa ra những thông lệ, nguyên tắc trong quá trình xây dựng khung bảo vệ người tiêu dùng để các quốc gia tham khảo và áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của quốc gia mình. Cụ thể, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, OECD đã phát triển các nguyên tắc cấp cao của G20 về bảo vệ người tiêu dùng tài chính (G20 High-Level Principles on Financial Consumer Protection) vào năm 2012.
Các nguyên tắc này hiện nay được áp dụng bởi nhiều quốc gia trên thế giới và cũng đã đạt được các thành công nhất định. Tương tự như vậy, WB cũng đã công bố Các thông lệ tốt để bảo vệ người tiêu dùng tài chính (Good practices for Financial Consumer Protection) vào tháng 6/2012, phiên bản chỉnh sửa mới nhất là năm 2017.
Trong các quy định và hướng dẫn quốc tế, bảo vệ người tiêu dùng tài chính có thể là bất kỳ hoạt động, hành động hoặc tập hợp các quy tắc nhằm ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các rủi ro của thị trường tài chính và những tổn thất tiềm ẩn đối với người tiêu dùng liên quan đến việc mua và sử dụng bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính nào, hoặc đối với mối quan hệ giữa khách hàng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính.
Thực trạng bảo vệ người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam
Cơ chế bảo vệ và khung pháp lý
Trên thế giới, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính thường được quy định trong khung khổ pháp luật về tài chính và ngân hàng với 94 quốc gia áp dụng, 42 quốc gia có luật bảo vệ người tiêu dùng chung, trong đó có những tham chiếu rõ ràng cho người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính. Một số quốc gia có những luật riêng biệt, độc lập về bảo vệ người tiêu dùng tài chính với 26 quốc gia. Điển hình như Đạo luật Thị trường tài chính của New Zealand năm 2013 hay Luật Giao dịch các công cụ tài chính của Nhật Bản năm 2000. Đây thường là các quốc gia có thị trường tài chính phát triển, có thu nhập cao và trung bình cao. Ngoài ra, một số rất ít quốc gia không có cả luật về bảo vệ người tiêu dùng nói chung (thường là thu nhập thấp).
Hiện nay, tại Việt Nam khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng còn rất hạn chế. Năm 1999, Quốc hội ban hành Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng. Luật số 59/2010/QH12 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Quốc hội khóa XII ban hành 2010, không có tham chiếu riêng cho người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính.
Việt Nam chưa có Luật cụ thể, riêng biệt chuyên về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, trong khi Các luật hay các quy định về giao dịch trong lĩnh vực tài chính, ví dụ Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có một điều khoản quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng (Điều 10) nhưng chưa mang tính tổng quát. Ngoài ra, các quy định bảo vệ người tiêu dùng tài chính thường thấy trong các công văn quy định của các đơn vị như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng cũng khá chung chung.
Mô hình quản lý giám sát
Hiện tại trên thế giới có hai mô hình hệ thống các cơ quan quản lý và giám sát hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tài chính như sau:
(i) Hệ thống cơ quan hình chóp. Đây là mô hình được các nước và vùng lãnh thổ nhu: Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Australia áp dụng. Theo mô hình này, hệ thống các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tổ chức thành hệ thống với một cơ quan dạng Ủy ban hoặc Hội đồng trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội (như Ủy ban Thương mại lành mạn Hoa Kỳ (USFTC) và Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Australia (ACCC). Đối với các nước như Hoa Kỳ hoặc Australia, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cơ quan trực thuộc Quốc hội, có quyền lực lớn, vị trí tương đối độc lập và có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan chuyên ngành khác thuộc chính phủ phối hợp và giải quyết thỏa đáng các vấn đề của người tiêu dùng.
(ii) Hệ thống cơ quan hạt nhân. Đây là mô hình mà các nước nhu: Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Canada áp dụng. Theo mô hình này, cơ quan có chuyên môn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một cơ quan thuộc bộ. Về mặt tổ chức, do là cơ quan thuộc bộ nên cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo mô hình này không có thẩm quyền giám sát cũng như áp đặt nhiệm vụ cho các cơ quan khác trong hệ thống thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, với những công cụ đắc lực như các trung tâm nghiên cứu, giám định cùng với các thẩm quyền điều tra và xử lý, các cơ quan này có vị trí hạt nhân trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp hành động để cùng đạt mục tiêu chung.
Việt Nam hiện có 5 cơ quan liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, Bộ Tài chính quản lý lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng nói chung. Cả 5 cơ quan này đều có khả năng tham gia vào quá trình bảo vệ người tiêu dùng nhưng các cơ quan này đều chưa có bộ phận chuyên trách cũng như quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng, chưa có cơ chế phối hợp để xử lý các xung đột lợi ích xảy ra khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Hiểu biết tài chính và tài chính toàn diện
Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có mức độ tiếp cận đến các dịch vụ tài chính ở mức thấp. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam năm 2017 là 31% (Global Findex Database, 2017). Hiểu biết về tài chính của người dân Việt Nam, đặc biệt người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hiện ở mức khá thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực với chỉ số hiểu biết tài chính ở người trưởng thành là 24% (Leora Klapper và cộng sự, 2014). Chính vì vậy, vấn đề nâng cao hiểu biết tài chính của người dân là một vấn đề cấp bách.
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính để góp phần bảo vệ người tiêu dùng tài chính, trên thế giới đã có nhiều sáng kiến quốc tế, các cải cách sâu rộng ở tầm quốc gia. Ở nhiều nước, các cơ quan quản lý, giám sát tài chính đã tham gia vào hoạt động giáo dục hiểu biết tài chính cho người tiêu dùng.
Theo kết quả của Khảo sát toàn cầu năm 2013 của Ngân hàng Thế giới về giáo dục và bảo vệ người tiêu dùng tài chính với mẫu khảo sát ở 114 quốc gia cho thấy, phần lớn các cơ quan quản lý, giám sát tài chính (71%) có tham gia vào hoạt động giáo dục tài chính. Các nội dung giáo dục tài chính mà các cơ quan này khảo sát gồm: Xây dựng các tài liệu đào tạo về giáo dục tài chính (63 nước); Trực tiếp đào tạo về giáo dục tài chính (60 nước); Xây dựng, giám sát việc triển khai chiến lược về giáo dục hiểu biết tài chính (49 nước); Tiến hành khảo sát hiểu biết tài chính và công bố các báo cáo định kỳ (37 nước); Ban hành hướng dẫn về giáo dục hiểu biết tài chính tới các định chế tài chính (34 nước) (Đặng Chí Thọ và Bùi Khắc Tuấn, 2021). Ở Việt Nam, vấn đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tài chính toàn diện bước đầu đã được quan tâm, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây.
Một số đề xuất, khuyến nghị
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam, cần chú trọng triển khai các giải pháp sau:
Một là, thành lập các cơ quan chuyên trách thực hiện bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Người tiêu dùng sản phẩm dịch vụ tài chính hết sức đặc thù và ngày càng có nhiều rủi ro trong bối cảnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và thị trường tài chính trở nên phức tạp hơn. Người tiêu dùng mất niềm tin vào hệ thống tài chính có thể dẫn tới sự phát triển của cả nền kinh tế. Chính vì vậy, lĩnh vực tài chính ngân hàng luôn cần giám sát, có các quy định riêng đặc thù và bảo vệ người tiêu dùng tài chính cũng cần được chú ý và tách riêng.
Hai là, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản, pháp lý để có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất. Việt Nam có thể đi theo mô hình quản lý, giám sát hình chóp hoặc hạt nhân, tuy nhiên dù theo mô hình nào thì cũng cần có các văn bản, quy định rõ ràng trong từng lĩnh vực dịch vụ tài chính như: Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, hưu trí, thuế… để người tiêu dùng có thể dễ dàng khiếu nại và được giải quyết các vấn đề phát sinh. Các cơ chế, văn bản quy định cũng cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, minh bạch các thông tin sản phẩm, quy định các khung hình phạt và cơ chế giám sát rõ ràng với các tổ chức này.
Thứ ba, đẩy mạnh giáo dục tài chính và tài chính toàn diện góp phần bảo vệ người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam. Việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến giúp người tiêu dùng đưa ra được quyết định phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình và tối đa hóa lợi ích khi tiêu dùng các sản phẩm tài chính. Tăng cường thông tin cho người tiêu dịch vụ tài chính về các hành vi vi phạm pháp luật của các định chế tài chính cũng giúp người tiêu dùng có đủ thông tin để lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (2021), Dự thảo Chiến lược phát triển thị trường tài chính 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, Hà Nội, Việt Nam.
2. Phan Thị Thanh Bình (2021), Bảo vệ người tiêu dùng tài chính - Từ góc độ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, số tháng 8/2021.
3. Hoàng Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Vân (2020), Bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, số 13.
4. Đặng Chí Thọ và Bùi Khắc Tuấn (2021), Bảo vệ người tiêu dùng tài chính Việt Nam cần được bắt đầu từ giáo dục hiểu biết tài chính, Kỷ yếu Hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng tài chính – Thực trạng và kiến nghị chính sách, Tháng 8/2021.
5. World Bank (2017), Good practices for Financial Consumer Protection, The World Bank Group, 1818 H Street NW, Washington, DC 20433, USA.
6. World Bank Group (2015), Diagnostic Review of Consumer Protection and Financial Literacy – Vietnam, Finance and Markets Global Practice-Volume 1, The World Bank Group, 1818 H Street NW, Washington, DC 20433, USA.
7. U.S. Government Accountability Office (2004),Consumer protection: Federal and state agencies face challenges in combating predatory lending. Report 04-280.
* TS. Tôn Thu Hiền – Học viện Tài chính, * NCS. Đinh Thị Thanh Vân.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 11/2021.