Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước
Thời gian qua, việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước đã góp phần không nhỏ trong việc điều hành, quản lý quỹ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn những tồn tại hạn chế trong công tác này, đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Tồn tại, hạn chế trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước
Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành và thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm thuế, phí, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chính sách phòng, chống dịch, an sinh xã hội.
Tổng thu ngân sách vượt 17,2% so với dự toán, trong đó: thu nội địa vượt 15,9%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 21,2%. Công tác quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 chủ động, tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN như: Kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các quy định pháp luật về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN còn chưa nghiêm, các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục; Dự toán thu tiền sử dụng đất của nhiều địa phương chưa sát so với thực hiện; Một số bộ, ngành, cơ quan trung ướng, địa phương phân bổ, giao dự toán chậm; Công tác chuẩn bị đầu tư tại nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa được quan tâm, chú trọng. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm; phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản lớn; chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cả quy mô và tỷ trọng; Nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập, xét duyệt, gửi quyết toán NSNN chậm so với thời gian quy định…
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước
Thực hiện Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội và các chỉ thị, công văn của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các đơn vị) tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với quyết toán NSNN năm 2021 và các năm trước.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN, đã nêu tại Chỉ thị số 22/CT- TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước, không lặp lại các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.
Trong năm 2023, các đơn vị tiếp tục thực hiện các quyết nghị chưa hoàn thành tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quyết toán NSNN. Rà soát, có giải pháp khắc phục triệt để các sai phạm xảy ra trong quá trình lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN đã được nêu tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội, Báo cáo tiếp thu, giải trình số 497/BC-UBTVQH15, Báo cáo thẩm tra số 1242/BC-UBTCNS15 và Báo cáo kiểm toán số 38/BC-KTNN của Kiểm toán Nhà nước.
Các đơn vị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân thuộc các bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng NSNN có vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quản lý, sử dụng NSNN. Đồng thời, tăng cường công tác lập, thẩm định dự toán thu NSNN, ước thực hiện thu NSNN bảo đảm sát, đúng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Tiếp tục chú trọng công tác dự báo, lập dự toán thu tiền sử dụng đất bảo đảm bám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ và khả năng thực hiện; Quản lý, sử dụng chặt chẽ số tăng thu NSNN bảo đảm hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Các đơn vị lập dự toán chi NSNN bảo đảm sát, đúng yêu cầu và khả năng thực hiện. Quan tâm, chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư, lập, phân bổ, giao dự toán, tổ chức, triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Đẩy nhanh công tác thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán các chương trình, dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xác định chính xác số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản vốn NSNN tại thời điểm ngày 31/12/2022, báo cáo Quốc hội khi đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn NSNN và xử lý dứt điểm những trường hợp tạm ứng quá thời hạn quy định kéo dài nhiều năm.
Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ Tài chính lưu ý các đơn vị thu hồi tối đa các khoản tạm ứng từ năm 2021 trở về trước quá thời hạn quy định; tiếp tục rà soát các khoản chi chuyển nguồn NSNN năm 2021 sang năm 2022, trong đó làm rõ khoản chi chuyển nguồn hạch toán tại tiểu mục “Kinh phí khác theo quy định của pháp luật” tại các địa phương và kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2021 (đợt 2).
Hủy bỏ, thu hồi về NSNN các khoản chuyển nguồn không đúng quy định, không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân theo quy định; thu hồi toàn bộ các khoản ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương năm 2022 và năm 2021 trở về trước quản lý, sử dụng không đúng quy định hoặc hết thời gian giải ngân để cắt giảm bội chi ngân sách trung ương.
Không chuyển nguồn sang năm 2023 các khoản ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương quản lý, sử dụng không đúng quy định hoặc hết thời gian giải ngân, phải hủy dự toán, thu hồi về ngân sách trung ương.
Rà soát, báo cáo chi tiết số chi chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 đảm bảo đúng quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và của cấp có thẩm quyền cho phép; các khoản tạm ứng theo chế độ quá thời hạn quy định; nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương tại ngày 31/12/2022.