Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp
Để đánh giá trình độ quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp, người ta sử dụng thước đo được đánh giá trên hai góc độ hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Từ thước đo này, việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là yêu cầu mang tính thường xuyên và bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp. Đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng vốn tại các doanh nghiệp giúp các cơ quan quản lý thấy được hiệu quả hoạt động kinh doanh nói chung và trình độ quản lý, sử dụng vốn tại các doanh nghiệp nói riêng.
Tình hình quản lý, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam
Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (DN) (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015), Nhà nước đầu tư vốn vào DN thông qua 4 hình thức: (i) Đầu tư vốn Nhà nước để thành lập mới DN nhà nước (DNNN); (ii) Đầu tư vốn nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho các DNNN đang hoạt động; (iii) Đầu tư vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại các công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên; (iv) Đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ DN.
Theo số liệu báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu (các bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh), tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2015 có 652 doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó, có 7 tập đoàn kinh tế; Có 76 tổng công ty nhà nước (không bao gồm số liệu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam do đang thực hiện tái cơ cấu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ); Có 20 công ty TNHH Một thành viên hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con; Có 212 Công ty TNHH Một thành viên độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; Có 337 Công ty TNHH Một thành viên độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại.
Qua phân tích, đánh giá số liệu từ báo cáo của các bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thấy, tổng tài sản của các DN năm 2015 là 3.043.687 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2014. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 35% tổng tài sản. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - công ty con có tổng tài sản là 2.821.006 tỷ đồng, chiếm 93% tổng tài sản; các công ty TNHH Một thành viên độc lập còn lại chiếm 7% tổng tài sản.
Vốn chủ sở hữu của các DN là 1.376.236 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014 (xét trong cùng số lượng 652 DNNN hiện có năm 2015). Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - công ty con là 1.254.899 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014, chiếm 91% tổng vốn chủ sở hữu (Tập đoàn là 901.613 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2014; khối các tổng công ty là 322.907 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014). Tổng doanh thu của các DN năm 2015 đạt 1.588.326 tỷ đồng, tương đương với mức thực hiện năm 2014.
Như vậy, qua đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN và DN có vốn Nhà nước năm 2015 cho thấy, mặc dù bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các DNNN đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao; Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có chuyển biến tích cực; Tình hình tài chính lành mạnh hơn, vốn nhà nước đầu tư vào DN được bảo toàn và phát triển, đóng góp số thu cho ngân sách nhà nước góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu phản ánh khả năng sinh lời của DN đạt mức khá.
Quan trọng hơn, việc huy động vốn của hầu hết DN đều nằm trong giới hạn quy định (không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu) nên tình hình tài chính của DN được an toàn và khả năng bảo toàn vốn cao. Các DNNN, DN có vốn góp nhà nước vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; một số DNNN hoạt động trong lĩnh vực như: Dịch vụ viễn thông, đầu tư kết cấu hạ tầng, vẫn phát huy được thế mạnh trong nền kinh tế thị trường.
Những khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được ở trên, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các DN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Thứ nhất, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều DN chưa chủ động xử lý nợ. Phần lớn DN có nợ tồn đọng đều là những DN có khó khăn về tài chính. Hiệu quả đầu tư của nhiều DN thấp, sản phẩm đầu tư có khả năng cạnh tranh không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; không cân đối với khả năng tài chính của DN, phải sử dụng vốn vay ngắn hạn với lãi suất cao; máy móc thiết bị đầu tư lạc hậu; đầu tư không có quy hoạch, công tác quản lý đầu tư yếu kém dẫn đến kinh doanh thua lỗ, không trả được nợ, mất vốn Nhà nước (như, giấy, mía đường, dâu tằm tơ…).
Thứ hai, quy mô và tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu tại một số tổng công ty còn nhỏ và chậm, một số tổng công ty hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, kinh doanh thua lỗ, nhất là các DN trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Đồng thời, việc huy động quá nhiều vốn để thực hiện đầu tư, đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh, thành lập nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề của một số tập đoàn, tổng công ty trong khi năng lực quản lý và khả năng tài chính có hạn đã dẫn tới hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại DN.
Đặc biệt, việc một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước huy động vốn lớn, vượt quá mức khống chế theo quy định (không quá 3 lần vốn chủ sở hữu) dể dẫn đến mất khả năng thanh toán ảnh hưởng đến an toàn tài chính của DN.
Thứ ba, đối với DN thường xuyên làm nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hiệu quả hoạt động chưa cao do doanh thu của các DN này phụ thuộc nhiều vào giá dịch vụ do Nhà nước quy định và nguồn kinh phí của Nhà nước được sử dụng để mua sản phẩm, dịch vụ công ích.
Thứ tư, DNNN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, thua lỗ chủ yếu là các DN độc lập thuộc địa phương.
Thứ năm, một số DNNN chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, giám sát DN với cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính theo quy định. Việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm, hàng năm và phê duyệt của chủ sở hữu theo quy định đối với DN độc lập chưa được chú trọng, nên việc đầu tư phát triển của DN này gắn với phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm còn thiếu tính dự báo, thiếu sự liên kết để đáp ứng yêu cầu phát triển chung
Thứ sáu, công tác kiểm tra giám sát tài chính DN chưa được thực hiện thường xuyên, nên những sai phạm trong việc đầu tư, quản lý tài chính tại các DN không được phát hiện kịp thời, khả năng phát sinh tổn thất lớn. Mặt khác, do thực hiện cơ chế “hậu kiểm” nên các cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện việc kiểm tra quyết toán báo cáo tài chính như trước đây mà thay vào đó là cơ chế quản lý và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN.
Tuy nhiên, do chưa có quy định và chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm của kiểm toán viên, công ty kiểm toán độc lập cũng như chất lượng đội ngũ kiểm toán viên còn thấp, nên phản ánh còn chưa chính xác kết quả sản xuất kinh doanh của DN. Thêm vào đó, công tác kiểm toán, thanh tra nhà nước còn mang tính kế hoạch nên tính phòng ngừa rủi ro chưa cao.
Một số giải pháp và kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại DN hiện nay, cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020, danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 gồm 240 DN, trong đó có 103 DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ; 04 DN thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 DN thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 DN cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Căn cứ Quyết định trên, Bộ trưởng bộ quản lý ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty cần quyết liệt thực hiện triển khai sắp xếp các DN trong giai đoạn 2016 - 2020. Xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên để đảm bảo phù hợp với các tiêu chí.
Hai là, các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung vào kinh doanh những ngành chính và những ngành liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính. Xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhiền đến năm 2030 phù hợp với chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng cân đối và giải pháp về vốn đầu tư cho giai đoạn và năng lực trình độ quản lý.
Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN xây dựng phương án tái cơ cấu mà trọng tâm là công tác sắp xếp lại DN, cổ phần hóa, thoái vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Rà soát bổ sung hoặc xây dựng ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật đối với các hoạt động của DN làm cơ sở để quản lý, kiểm tra, giám sát tăng hiệu quả hoạt động của DN; Xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các DN thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các DN thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.
Triển khai thực hiện thoái vốn theo kế hoạch được duyệt trong giai đoạn 2016-2020 tại các DN khác theo đúng quy định về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm. Triển khai công tác cổ phần hóa các DN theo tiêu chí, danh mục, phân loại DNNN được Thủ tướng Chính phủ ban hành và các quy định của pháp luật hiện hành.
Ba là, tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, thanh tra định kỳ việc chấp hành pháp luật thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con, cán bộ quản lý DN; kịp thời chấn chỉnh sai phạm. Nắm bắt đầy đủ thông tin về hoạt động của các công ty liên kết, thông qua người đại diện phần vốn của DN là cổ đông tham gia vào các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bốn là, cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các DN đã cổ phần hóa thông qua người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các DN đã cổ phần thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định.
Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát DNNN. Đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Sáu là, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu DN đã được phê duyệt.
Có thể nói, với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát tài chính và đầu tư quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN sẽ góp phần giúp DNNN nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tạo tiền đề vững chắc góp phần thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 428/BC-CP ngày 17/10/2016 về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi toàn quốc năm 2015;
2. Quốc hội (2014), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, ban hành ngày 26/11/ 2014;
3. Lương Thanh Bình (2014), Vai trò của DNNN và những vấn đề cần thay đổi, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 12/2014, tr.22-24;
4. Phạm Thị Vân Anh (2014), Quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Thực trạng và một số kiến nghị, Tạp chí Tài chính số 10-2014;
5. Phạm Minh Ngọc (2015), Quản lý sử dụng vốn, tài sản tại DNNN: vẫn chưa có giải pháp căn bản, http://www.thesaigontimes.vn/137338/Quan-ly-su-dung-von-tai-san-tai-DNNN-van-chua-co-giai-phap-can-ban.html, ngày 26/10/2015.
6. Các website: tapchitaichinh.vn; duthaoonline.quochoi.vn…