Tổng cục Dự trữ Nhà nước:
Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính nội ngành năm 2023
Năm 2022, thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các các đơn vị, sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo, cùng với sự nỗ lực vượt khó của công chức, viên chức, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý tài chính nội ngành.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính nội ngành
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài chính nội ngành trong hoạt động dự trữ quốc gia (DTQG), Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã xây dựng, hoàn thiện các văn bản, chế độ chính sách và định mức chi ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả.
Cụ thể, Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 263/ QĐ-TCDT ngày 20/6/2022 quy định định mức phân bổ dự toán chi NSNN về quản lý hành chính năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách đối với các đơn vị dự toán trực thuộc; đảm bảo việc thực hiện định mức được rõ ràng, thống nhất trong toàn Ngành.
Tổng cục DTNN xây dựng, hoàn thiện các đề án gồm: (i) Sửa đổi, bổ sung quy trình lập dự toán, quyết toán chi phí xuất hàng DTQG cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ; (ii) Quy chế quản lý và sử dụng quỹ tiết kiệm tại Tổng cục DTNN làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Cùng với xây dựng các đề án trên, Tổng cục DTNN đã yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác cấp vốn mua hàng DTQG đảm bảo đúng quy định. Theo đó, Tổng cục DTNN đã cấp đủ vốn mua lương thực, mua vật tư, thiết bị theo tiến độ hợp đồng đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2022; đồng thời, đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch xuất luân phiên đổi hàng DTQG để thu tiền bán lương thực hoàn trả tạm ứng ngân sách theo đúng thời gian quy định.
Trong lập, phân bổ, giao và điều hành dự toán, ngay từ đầu năm, Tổng cục DTNN đã chủ động xây dựng phương án phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị thuộc và trực thuộc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân để hoàn thành nhiệm vụ. Với tổng dự toán chi thường xuyên đã giao các đơn vị sử dụng năm 2022 là khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trong năm qua, Tổng cục DTNN đã điều hành thực hiện dự toán làm 2 đợt (tháng 6 và tháng 10/2022) đảm bảo nhiệm vụ chi dự toán ngân sách, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và theo cam kết giải ngân đã báo cáo Bộ Tài chính. Tính đến tháng 12/2022, tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% và cam kết giải ngân toàn bộ dự toán được sử dụng trong năm 2022.
Đối với công tác xuất hàng DTQG cứu trợ, viện trợ, hỗ trợ, Tổng cục DTNN đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ xuất 107.327 tấn gạo. Trên cơ sở dự toán chi phí xuất hàng DTQG cứu trợ, viện trợ, hỗ trợ do các đơn vị lập, Tổng cục DTNN đã kiểm tra, tổng hợp gửi Cục Quản lý giá thẩm định, trình Bộ Tài chính có quyết định mức phí đạt 87%.
Tổng cục DTNN cũng kịp thời tổng hợp báo cáo thực hiện kiến nghị Kiểm toán Nhà nước các năm trước; chủ động phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Chuyên đề về quản lý, sử dụng kinh phí mua sắm hàng DTQG giai đoạn 2020-2021 tại Tổng cục DTNN. Cùng với đó, Tổng cục DTNN báo cáo Bộ Tài chính về việc sắp xếp 195/245 cơ sở nhà, đất; việc thực hiện kiểm kê tài sản, tình hình quản lý, sử dụng tài sản công và thực hiện công khai tài sản công theo quy định.
Căn cứ kế hoạch vốn đầu tư xây dựng nguồn ngân sách trung ương, kế hoạch vốn cải tạo, sửa chữa được sử dụng, các đơn vị đã chủ động tích cực tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, thời gian theo quy định. Kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng đến ngày 31/12/2022 dự kiến đạt khoảng 92% kế hoạch.
Quản lý ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài chính nội ngành của Tổng cục DTNN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc lập dự toán còn chưa sát với tình hình thực tế dẫn đến tình trạng phải bổ sung dự toán nhiều lần trong năm; thời gian xét duyệt quyết toán cho mỗi đơn vị ngắn (từ 2 - 3 ngày), nên công tác xét duyệt quyết toán vẫn mang tính chất kiểm tra tài chính đơn thuần do đó, chưa đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí gắn với chất lượng, khối lượng công việc và mức độ hoàn thành...
Khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như nâng cao hiệu quả chi dự toán NSNN, năm 2023, Tổng cục DTNN sẽ xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể để quản lý NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao. Tăng cường tự kiểm tra tài chính kế toán; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính của đơn vị. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có liên quan đến hoạt động tài chính - ngân sách và chấp hành nghiêm quy định của chế độ kế toán hiện hành.
Cùng với các giải pháp trên, Tổng cục DTNN sẽ kiểm tra, hỗ trợ và xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc trong quá trình chấp hành dự toán, để kịp thời đưa ra các biện pháp tháo gỡ, giải quyết, điều hành dự toán đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Nhằm đảm bảo kỷ luật tài chính trong lập báo cáo định kỳ và quyết toán NSNN năm, Tổng cục DTNN yêu cầu các đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện giải ngân và thanh quyết toán chi NSNN; kịp thời rà soát, báo cáo Tổng cục DTNN điều chỉnh dự toán được giao trong năm, phù hợp với nhiệm vụ, khối lượng công việc thực hiện để tránh tình trạng số dư kinh phí không sử dụng hết được chuyển sang năm sau dẫn đến tình trạng phải hủy dự toán.
Ngoài các giải pháp trên, Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN theo đúng quy định; hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với các đơn vị dự toán NSNN và các tổ chức được ngân sách hỗ trợ... Tiếp tục nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý tài chính nội ngành nhằm nâng cao chất lượng giám sát, quản lý tài chính trong tình hình mới.