Hóa giải thách thức, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ dự trữ quốc gia lĩnh vực nông nghiệp

Vũ Quốc Khánh - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiệm vụ quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG) lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp kịp thời, hiệu quả hàng dự trữ quốc gia.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp kịp thời, hiệu quả hàng dự trữ quốc gia.

Tuy nhiên, được sự lãnh đạo của Chính phủ, đặc biệt là sự ủng hộ của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, linh hoạt quản lý hàng DTQG lĩnh vực nông nghiệp và đạt được những kết quả tích cực. Đây là tiền đề để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xuất cấp hàng DTQG trong năm 2023.

Xuất cấp kịp thời hàng DTQG

Quản lý hàng DTQG lĩnh vực nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động, linh hoạt triển khai và đạt được một số kết quả nổi bật trên các mặt công tác.

Trong chuẩn bị nguồn lực DTQG, năm 2022, mặc dù bối cảnh kinh tế đất nước có nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai công tác nhập hàng DTQG, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực vượt qua khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành 100% kế hoạch mua hàng nhập kho DTQG. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã mua nhập kho: 6.000 tấn hạt giống lúa; 100 tấn hạt giống ngô; 34,3 tấn hạt giống rau; 40,35 tấn hóa chất sát trùng thủy sản.

Xác định bảo quản hàng DTQG đảm bảo chất lượng, số lượng là nhiệm vụ quan trọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thực  hiện tốt công tác này. Các mặt hàng DTQG do Bộ Nông  nghiệp  và Phát triển nông thôn  quản lý được lưu giữ trong các kho bảo quản tiên tiến, hiện đại; bảo đảm hàng đạt chất lượng tốt nhất. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện luân chuyển hàng DTQG để đảm bảo chất lượng hàng DTQG. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công các đơn vị chuyên ngành thực hiện kiểm tra, rà soát các điều kiện về bảo quản hàng DTQG.

Có thể khẳng định, công tác quản lý chất lượng hàng DTQG của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thực hiện tốt. Tuy nhiên, việc luân chuyển hàng DTQG còn gặp một số khó khăn, do đặc thù của  vật  tư nông nghiệp là sinh vật sống (hạt giống cây trồng, vắc xin các loại), thời hạn sử dụng ngắn, điều kiện bảo quản ngặt nghèo; hoặc là các mặt hàng mang độc tố cao như thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất sát trùng dễ gây ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường nếu không được bảo quản, sử dụng đúng cách.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu dẫn tới xuất hiện nhiều chủng virus mới (virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi; bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò) yêu cầu phải thay thế kịp thời những chủng loại vắc xin mới để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành và các đơn vị dự trữ tìm mọi biện pháp tích cực để luân chuyển hàng DTQG; không để xảy ra tình trạng phải tiêu hủy, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh các nhiệm vụ trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thực hiện tốt công tác xuất cấp hàng DTQG, hỗ trợ kịp thời các địa phương theo quyết định của  cơ  quan có thẩm quyền. Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời xuất cấp các mặt hàng DTQG hỗ trợ 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hơn 3.238 tấn hạt giống lúa; 90 tấn hạt giống ngô; 02 tấn hạt giống rau; 120.000 liều vắc xin lở mồm long móng các loại; 126.500 lít hóa chất sát trùng gia súc và 461 tấn hóa chất sát trùng thủy sản.

Số lượng hàng DTQG đã được xuất cấp đầy đủ, đảm bảo chất lượng và được vận chuyển kịp thời đến các địa phương, để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai và khôi phục sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Năm 2023, dự báo tình hình thời tiết khí hậu, thiên tai dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường; tình hình kinh tế thế giới còn suy thoái kéo dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới nềnkinhtếđấtnước nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác DTQG cần triển khai kịp thời và hiệu quả. Cụ thể:

Thứ nhất, kịp thời triển khai và hoàn thành kế hoạch mua tăng hạt giống cây trồng năm 2022 - 2023; kế hoạch mua bù số lượng thuốc thú y DTQG đã xuất cấp năm 2020 - 2021.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc bảo vệ thực vật, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG gửi Bộ Tài chính thẩm định và phê duyệt.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) và các bộ, ngành liên quan trong triển khai xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

Thứ tư, hoàn thành quyết toán hàng DTQG năm 2022 đảm bảo đúng quy định.

Năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức đối công tác quản lý DTQG lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nhận thức DTQG là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng và Chính phủ giao phó; đồng thời, luôn nhận được sự ủng hộ, phối hợp của Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) và các bộ, ngành liên quan; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành kế hoạch DTQG  năm 2023 đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả cao.

Bài đăng trên Bản tin Dự trữ Nhà nước - Tháng 01+02/2023