Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn tại huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng


Bằng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp từ Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng, UBND huyện Mỹ Xuyên và Phòng Nông nghiệp Huyện về thực trạng cánh đồng mẫu lớn giai đoạn 2013-2017; Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng phân tích SWOT và khảo sát chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp để tổng hợp, so sánh, đánh giá hiệu quả sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Qua đó, nghiên cứu đưa ra một số giải pháp nhân rộng sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại địa bàn Huyện trong thời gian tới.

Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng và Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ, đã khẳng định, việc xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” là một giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương này, trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mở rộng phong trào xây dựng “Cánh đồng lớn” trên cả nước, không chỉ trên cây lúa mà cả các cây trồng khác, từ đó hình thành một số chính sách, nhằm khuyến khích sự phát triển của mô hình này.

Tính đến ngày 01/7/2016, cả nước đã xây dựng được 2.262 cánh đồng lớn; trong đó 1.661 cánh đồng lúa; 162 cánh đồng rau; 95 cánh đồng mía; 50 cánh đồng ngô; 38 cánh đồng chè búp và 256 cánh đồng lớn trồng các loại cây khác. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long 580 cánh đồng, chiếm 25,6%. Mô hình cánh đồng lớn đã được triển khai thí điểm, và nhân rộng ở tỉnh Sóc Trăng từ năm 2011. Đây là giải pháp thiết thực cho sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn.

Huyện Mỹ Xuyên, có nhiều thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Huyện đã triển khai lập dự án xây dựng mô hình cánh đồng mẫn lớn trên địa bàn từ năm 2010. Huyện uỷ, HĐND, UBND Huyện đã ban hành nhiều quyết định, nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là trong khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân trong vùng sản xuất cánh đồng mẫn lớn. Do đó, huyện Mỹ Xuyên tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện giải pháp tạo điều kiện cho các tổ chức, DN, hộ nông dân tham gia đầu tư vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết, xây dựng thành công những cánh đồng lớn, góp phần tạo thêm nhiều mô hình mới cho nông nghiệp, nông thôn Huyện.

Mô hình phát triển cánh đồng mẫu huyện Mỹ Xuyên giai đoạn 2013-2017

Huyện Mỹ Xuyên có diện tích tự nhiên gần 37.400 ha, trong đó, diện tích nông nghiệp 32.566 ha. Từ năm 2015 đến nay, các mô hình tôm - lúa - màu; lúa - màu và lúa thơm - tôm sạch... đã được lãnh đạo địa phương và các cơ quan chuyên môn chỉ đạo triển khai, người dân thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Nếu như năm 2014, giá trị trên diện tích đất sản xuất từ 116 triệu đồng/ha thì đến nay đã tăng lên 164 triệu đồng/ha. Qua 4 năm thực hiện các mô hình cánh đồng lớn tại huyện Mỹ Xuyên (từ 2015-2018), nhiều thành công bước đầu đã được ghi nhận, trong đó nổi bật là các mô hình luân canh tôm lúa và mô hình lúa đặc sản.

Mô hình luân canh tôm – lúa 10.000 ha

Luân canh trồng lúa kết hợp với nuôi tôm theo mô hình 1 vụ lúa vào mùa mưa và 1 vụ tôm vào mùa khô hạn là cách làm đầy sáng tạo, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Vùng luân canh tôm - lúa 10.000 ha của huyện Mỹ Xuyên là vùng đa dạng sinh học, được quy hoạch thành vùng nuôi tôm sinh thái để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất. UBND huyện Mỹ Xuyên chỉ đạo các xã thuộc vùng quy hoạch tôm lúa tăng cường vận động, tuyên truyền để thực hiện quy trình tôm – lúa sau vụ thu hoạch tôm nước lợ. Đến nay, vùng nuôi tôm nước lợ của huyện Mỹ Xuyên được xem là mô hình thành công, mức độ rủi ro dưới 11%, giảm hơn gấp 2 lần so những năm trước đây.

Bảng 1: Hiện trạng sử dụng đất tại huyện Mỹ Xuyên năm 2015

TT

Chỉ tiêu sử dụng đất

Diện tích (ha)

Cơ cấu (%)

 

Tổng diện tích đất tự nhiên

 

37.370,80

100,00

1

Ðất nông nghiệp

NNP

32.887,96

88,00

2

Ðất phi nông nghiệp

PNN

4.482,84

12,00

3

Ðất chưa sử dụng

CSD

 

 

4

Ðất đô thị

KDT

1.495,05

4,00

 

Các số liệu thống kê (Bảng 1) cho thấy, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có diện tích đất nông nghiệp lớn, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là vùng nuôi tôm sinh thái lớn nhất cả nước thông qua quy trình luân canh tôm – lúa bền vững.  

Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa đặc sản

Mô hình cánh đồng lớn, với lợi nhuận đạt từ 16 – 17 triệu đồng/ha ở huyện Mỹ Xuyên đã giúp nhiều nông dân có thu nhập khá khi tham gia liên kết sản xuất. Trên cây lúa, nông dân Mỹ Xuyên đã ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch. Toàn huyện đã xây dựng được 4 mô hình cánh đồng lớn ở các xã Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Quới và Thạnh Phú, với tổng diện tích 2.000 ha. Kết thúc vụ hè thu năm 2018, dù gặp một số bất lợi về thời tiết nhưng năng suất trong cánh đồng lớn đạt hơn 6 tấn/ha, cao hơn 0,7 tấn/ha so với ruộng sản xuất bên ngoài của nông dân, lợi nhuận từ 14 - 15 triệu đồng/ha. Nhờ thực hiện mô hình cánh đồng lớn mà đời sống của người dân nhiều xã, nhất là đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên, số hộ nghèo giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, nông dân đã chuyển đổi giống, cây trồng vật nuôi, tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã...

So sánh mô hình sản xuất lúa truyền thống và mô hình cánh đồng lớn

Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn so với mô hình truyền thống có sự khác biệt khá rõ, thể hiện qua những nội dung sau:

-  Hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) và hộ nông dân rất đa dạng, theo điều kiện thực tế và sáng tạo của từng địa phương, nhưng cơ bản đã đạt được các bước: Cung ứng lúa giống xác nhận (1 đến 2 loại); Cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ DN đến thẳng người nông dân, không qua trung gian; Hợp tác với DN thu mua lúa hoặc DN đứng ra tổ chức khép kín các khâu, từ cung ứng đầu vào đến bao tiêu đầu ra cho nông dân; Tập hợp nông dân tham gia mô hình theo hình thức phân chia các nhóm sản xuất, có người phụ trách. Nông dân được hỗ trợ tiền chênh lệch khi mua giống lúa xác nhận (so với lúa thường), định kỳ tập huấn kỹ thuật cho nông dân (3/4 lần/vụ), hỗ trợ 30 - 50% tiền đầu tư máy móc, công cụ sạ hàng, lò sấy, thùng pha thuốc bảo vệ thực vật.

- Mô hình cánh đồng lớn đã gắn kết 4 nhà (Nhà nông, nhà DN, nhà khoa học và Nhà nước) với nhau, điều mà trong sản xuất nông nghiệp trước đây không thể thực hiện được. Với mô hình cánh đồng lớn, DN là người chịu trách nhiệm đến cùng với người nông dân từ cung ứng vật tư đến thu mua sản phẩm, chế biến tiêu thụ, giảm được chi phí trung gian, giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận và tăng thu nhập cho hộ nông dân. Điều này đã giải quyết được vấn đề cơ bản là nỗi lo của nhà nông về việc tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Các cán bộ khoa học có điều kiện trực tiếp giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản. Hộ nông dân không còn sản xuất theo kinh nghiệm cổ truyền, manh mún, nhỏ lẻ…

-  Từ cánh đồng lớn dần dần hình thành, những người nông dân sản xuất lúa theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu đặc biệt là ghi chép quy trình sản xuất và chi phí vào sổ theo tiêu chuẩn VietGAP. Người nông dân tính toán được giá thành mỗi vụ, chi phí đầu vào, đầu ra sản xuất, từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu… đến ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, biết gắn sản xuất với thị trường, sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Khi nông nghiệp phát triển, người nông dân thực hiện 3 không: Không cấy lúa (mà reo mạ), không gặt đập bằng tay (mà bằng máy liên hợp), không phơi lúa (mà sấy)… Từ đó, ngày công lao động giảm, người nông dân có thêm điều kiện để nâng cao kiến thức về mọi mặt.  

-  Xây dựng được 5 nhóm nông dân tham gia mô hình sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học giảm thiểu nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa bằng nguồn tài trợ của tổ chức lương thực thế giới. Kết quả là đã phân phối 2.000 kg chế phẩm Ometar cho nông dân phun trừ rầy nâu hại lúa. Điều này giúp cho nông dân thay đổi tập quán lệ thuộc sử dụng thuốc hóa học trừ rầy bằng chế phẩm sinh học, hạn chế tình trạng bộc phát rầy, giảm từ 2 đến 4 lần sử dụng thuốc trừ rầy/vụ, giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa...

Những lợi ích trong liên kết trong sản xuất cánh đồng mẫu lớn

Có thể khẳng định, trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình cánh đồng lớn, các bên tham gia đều thụ hưởng các lợi ích một cách cao nhất, trong đó nông dân được hưởng lợi từ các dịch vụ phục vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp và các giá trị tăng thêm cho cây lúa từ các hoạt động dịch vụ nhiều nhất.

Cụ thể, trong hai vụ lúa đông xuân và hè thu năm 2017, nông dân xây dựng được 528 cánh đồng lớn với 52.534 ha, tăng 39 cánh đồng so với năm 2016, chiếm 15% tổng diện tích gieo trồng. Giá lúa dao động từ 4.500 đồng đến 6.800 đồng/kg, tính ra người nông dân có mức lợi nhuận bình quân khoảng gần chín triệu đồng/ha (tương đương 43,66% chi phí đầu tư), tăng hơn 30% so với thu hoạch thủ công. Ngoài ra, người nông dân còn chuyển đổi gần 7.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, dưa hấu, đậu, bắp, hành tím… cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 20% đến 30%...

Nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa

Để nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn tại huyện Mỹ Xuyên cần triển khai các giải pháp sau:

Thể chế hóa quyền lợi và trách nhiệm của từng chủ thể tham gia

Đối với các DN, khi tham gia vào chuỗi sản xuất, Nhà nước cần có chế tài ràng buộc nông dân bán sản phẩm theo hợp đồng đã ký với DN. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các DN trong nghiên cứu, xây dựng chiến lược và kế hoạch hoạt động phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu giữ vững thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh.

Đối với các nhà khoa học, khi tham gia liên kết, việc nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách và sự đầu tư của DN. Kết quả nghiên cứu sẽ được ứng dụng rộng rãi và được định giá theo thị trường. Để thực hiện hiệu quả, cần nâng cao trách nhiệm của các nhà khoa học trong liên kết. Đồng thời, quy định cụ thể về trách nhiệm của các nhà khoa học trong nghiên cứu, đưa ra giải pháp tăng năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; nghiên cứu và chuyển giao quy trình canh tác công nghệ cao và hiệu quả cho nông dân...

Trong liên kết, Nhà nước đóng vai trò tổ chức và điều phối các chủ thể; có kế hoạch cụ thể cho tiến trình liên kết; thúc đẩy việc xây dựng các mô hình hợp tác (hợp tác xã, câu lạc bộ, nhóm sản xuất); có chiến lược phát triển, xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu có tiềm năng đáp ứng nhu cầu của DN; cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện liên kết cánh đồng lớn.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là những doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính

Để nhân rộng mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lớn, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thu hút các DN chế biến và tiêu thụ nông sản tham gia liên kết. Đặc biệt, Nhà nước nên có chế độ ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích DN trực tiếp sản xuất vật tư nông nghiệp, chế biến nông sản, tham gia phân phối tiêu thụ sản phẩm... khi tham gia vào cánh đồng lớn; Áp dụng cơ chế thuận lợi để thu hút các DN FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên, khuyến khích đầu tư lâu dài.

Bên cạnh đó, để thu hút mạnh mẽ đầu tư, Nhà nước cần tạo điều kiện sản xuất thuận lợi như hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, gắn với xây dựng nông thôn mới; Ưu tiên đầu tư thủy lợi; Quy hoạch lại đồng ruộng để thuận lợi cho cơ giới hóa; Ưu tiên bảo hiểm nông nghiệp; Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cho lao động nông thôn, cán bộ cơ sở để dễ dàng tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sản xuất...

Tuyên truyền sâu rộng về vai trò, lợi ích của liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với nông dân và các DN nhằm động viên họ yên tâm thực hiện liên kết, đồng thời, thu hút sự quan tâm đầu tư vốn của toàn xã hội; Vận động nông dân thực hiện các hình thức hợp tác sản xuất (tổ, đội liên kết sản xuất, câu lạc bộ, hợp tác xã), bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, tự chủ của các nông hộ, tạo điều kiện triển khai và thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào những chủ đề như: Nâng cao nhận thức về lợi ích của việc liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn và vai trò của nó trong quá trình cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn; Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực liên kết để bảo đảm quyền lợi của các đối tượng được thụ hưởng chính sách và biết cách tổ chức thực hiện chính sách có hiệu quả.

Phát huy vai trò của Nhà nước và nhà khoa học trong liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn

Thực tiễn cho thấy, vai trò của Nhà nước và nhà khoa học còn chưa rõ nét trong mô hình cánh đồng lớn. Trong thời gian tới, Nhà nước cần quản lý và hỗ trợ liên kết, mở rộng hạn điền đối với các DN kinh doanh nông nghiệp hiệu quả; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ liên kết; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ.

Nhà nước và DN chủ động đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu khoa học - công nghệ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Việc sử dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp hiệu quả sẽ tạo ra được những sản phẩm có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, nâng cao giá trị cho nông sản. Để thực hiện tốt cơ chế đặt hàng này, cả nhà khoa học và Nhà nước cần phải đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, thực hiện xã hội hóa những lĩnh vực có tiềm năng, đổi mới thủ tục hành chính trong triển khai nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học, có cơ chế đãi ngộ đối với nhà khoa học đầu ngành; đổi mới cơ chế thuê chuyên gia làm việc tại các cơ sở nghiên cứu khoa học.

Hoàn thiện các hình thức liên kết giữa nông dân và DN theo hướng gắn chặt lợi ích của các chủ thể

Để mối liên kết nông dân và DN trở nên bền vững hơn, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa hộ nông dân sản xuất trong cánh đồng lớn với DN theo hướng “cùng nhau chia sẻ lợi ích và rủi ro”. Việc tạo điều kiện cho nông dân góp cổ phần trong các DN cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm theo mô hình cánh đồng lớn bằng chính sản phẩm mà họ làm ra là rất cần thiết. Nông dân vừa bán sản phẩm, vừa thu lợi tức từ DN. Khi đó, lợi nhuận của DN cần công khai rõ ràng, không còn tình trạng ép giá, những trường hợp DN bỏ rơi nông dân hoặc nông dân hợp tác bán hàng cho thương lái sẽ được hạn chế. Bên cạnh đó, nghiên cứu các hình thức như đấu thầu tiêu thụ nông sản trong cánh đồng lớn; một bộ phận nông dân ở cánh đồng lớn trở thành thương lái làm dịch vụ vận chuyển, thu mua lúa cho DN... giúp DN chuyên tâm hơn trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm.

Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Thị trường tiêu thụ là yếu tố quyết định đến tính bền vững của mối liên kết giữa nông dân và DN. Trong thời gian tới, song song với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, cần chú trọng xây dựng, củng cố thương hiệu nông sản, đặc biệt là thương hiệu lúa gạo và phát triển hệ thống DN chế biến đủ mạnh; Tăng cường công tác dự báo, thông tin tình hình thị trường để tránh tình trạng “được mùa mất giá”; Tăng tính pháp lý của các hợp đồng kinh tế giữa DN và nông dân để giải quyết căn cơ vấn đề “đầu ra” cho nông sản...

Tài liệu tham khảo:

  1. Ðỗ Thị Thu Phương (2014), Nghiên cứu giải pháp phát triển cánh đồng mẫu tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, Luận văn Thạc sỹ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam;
  2. Tăng Minh Lộc (2012), Phát triển cánh đồng mẫu lớn trong xây dựng nông thôn mới, Báo cáo tại Hội thảo Cánh đồng mẫu lớn, 18/7/2012, Hà Nội;
  3. Ðinh Kim Chung (2012), Một số giải pháp phát triển cánh đồng mẫu lớn trong nông nghiệp, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, 10 (413): p. 55-60;
  4. Nguyễn Thị Mỹ Linh, Lê Phan Ðình Huấn, Huỳnh Văn Phụng, Phan Kỳ Trung, Nguyễn Văn Bé và Phạm Ðăng Trí (2017), Ðánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa truyền thống và cánh đồng lớn tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, Tạp chí khoa học Trường Ðại học Cần Thơ, 2(2017): p. 45-54;
  5. Vũ Trọng Bình và Ðặng Ðức Chiến (2012), Cánh đồng mẫu lớn: Lý luận và tiếp cận thực tiễn trên thế giới và Việt Nam. Viện Chính sách và Phát triển nông thôn Việt Nam;
  6. Phạm Thị Thủy (2014), Kinh tế mô hình cánh đồng mẫu ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sỹ Kinh tế chính trị, Ðại học Kinh tế, Ðại học Quốc gia Hà Nội.