Nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ODA

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 kỳ 2-2015

Thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức – ODA đã góp phần rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn này ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng. Làm thế nào để tăng cường khả năng thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả ở Việt Nam là vấn đề đang đặt ra cần giải quyết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam

Kể từ khi nguồn vốn ODA bắt đầu đổ vào Việt Nam (năm 1993) đến nay, công tác vận động, thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện ở 3 chỉ tiêu chủ yếu: Vốn ODA cam kết, vốn ODA ký kết và vốn ODA giải ngân. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hơn 20 năm qua, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trên 78,195 tỷ USD vốn ODA, trong đó đã ký kết hiệp định chính thức 58,463 tỷ USD. Với 37,597 tỷ USD vốn giải ngân, rất nhiều chương trình, dự án sử dụng vốn ODA đã được đưa vào sử dụng, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần vào xóa đói, giảm nghèo.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, nguồn vốn đầu tư nước ngoài ODA trong những năm qua được đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo. Cùng với kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA thì Việt Nam cũng đã thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài, giảm nghĩa vụ trả nợ cho Chính phủ trên 12 tỷ USD, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu nguồn ngân sách nhà nước và tập trung vốn cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Các dự án của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đạt tỷ lệ thành công 82,1%, cao hơn tỷ lệ của một số nước như Ấn Độ (65,2%), Indonesia (63,2%), Philippines (45,5%)… Những công trình trọng điểm đã hoàn thành và đang triển khai như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 3, 5, 10; Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Đường xuyên Á TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài kết nối với hệ thống đường bộ Campuchia và Thái Lan; Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2- Cảng hàng không Nội Bài; Dự án nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng; Dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2… đã thể hiện rõ tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn ODA.

Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA cho thấy, chỉ riêng năm 2014, công tác vận động và thu hút vốn ODA, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt 4.362,13 triệu USD (4.160,08 triệu USD vốn ODA và vay ưu đãi, 202,05 triệu USD viện trợ không hoàn lại), bằng khoảng 68% của năm 2013. Mặc dù lượng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 giảm song tình hình giải ngân lại có những cải thiện đáng ghi nhận. Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2014 đạt khoảng 5,6 tỷ USD (vốn vay là 5,25 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại là 350 triệu USD), cao hơn 9% so với năm 2013.

Trong tổng số vốn giải ngân có khoảng 2,45 tỷ USD thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản, khoảng 2,1 tỷ USD thuộc nguồn vốn cho vay lại, khoảng 318 triệu USD thuộc nguồn vốn hành chính sự nghiệp và khoảng 732 triệu USD từ các khoản hỗ trợ ngân sách. Các nhà tài trợ quy mô lớn vẫn tiếp tục duy trì mức giải ngân cao như Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 1,773 tỷ USD, Ngân hàng thế giới (WB) 1,386 tỷ USD, ADB là 1,058 tỷ USD.

Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi huy động vẫn tiếp tục được ưu tiên sử dụng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; trong đó, các ngành giao thông vận tải, năng lượng và công nghiệp, môi trường và phát triển đô thị chiếm tỷ trọng khá lớn (trên 70%). Các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ… chiếm tỷ trọng khiêm tốn (trên 20%)…

Nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ODA

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi tuy có những chuyển biến tích cực song vẫn còn chậm hơn so với tiến độ đã cam kết. Bên cạnh đó, mức giải ngân giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương còn chưa đồng đều. Xét theo địa phương, giải ngân của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cao hơn nhiều so với các địa phương khác.

Công tác quản lý, sử dụng vốn ODA cũng còn một số hạn chế. Hạn chế và yếu kém mang tính tổng hợp nhất có thể kể tới, đó là năng lực hấp thụ nguồn vốn ODA quốc gia cũng như ở cấp ngành và địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các cơ quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ còn kéo dài; Vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy định quản lý rút vốn hay liên quan đến việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đối với các hạng mục chi tiêu thường xuyên vì sự nghiệp phát triển; liên quan đến cơ chế tài chính trong nước đối với các khoản vay ODA và vốn vay ưu đãi; khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ…

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần chứng tỏ được thế mạnh và tiềm năng phát triển của mình, khi đó mới có thể thu hút tốt hơn nữa nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Do đó, để nâng cao hiệu quả tiến độ giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, vốn đối ứng.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước nguồn vốn ODA, cơ quan chủ quản, chủ dự án và các nhà tài trợ cần tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh; thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả trong việc thu hút nguồn vốn ODA và vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần phải giải quyết tốt những vấn đề sau:

Thứ nhất, chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đối ứng cho các chương trình và dự án ODA để các dự án này đạt tỷ lệ giải ngân cao và nhanh nhất.

Thứ hai, đồng nghĩa với việc Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, nguồn vốn vay ODA không hoàn lại và nguồn vốn vay có ưu đãi thấp cho Việt Nam sẽ giảm. Tình hình này đòi hỏi Việt Nam cần tăng cường năng lực và cải tiến mạnh mẽ trong thực hiện dự án ODA, sử dụng tập trung hơn để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội quy mô lớn và tạo ra tác động lan tỏa đối với sự phát triển chung của cả nước.

Thứ ba, hoàn thiện các văn bản pháp lý, đổi mới trong quy trình và thủ tục quản lý dự án ODA trên cơ sở kết hợp tham khảo những quy chuẩn của các nhà tài trợ, nhất là đối với các thủ tục: Đấu thầu mua sắm; đền bù, di dân và tái định cư; quản lý tài chính của các chương trình, dự án…

Thứ tư, cần có những chính sách và thể chế phù hợp để tạo môi trường cho các mô hình viện trợ mới. Trong đó, khuyến khích sự tham gia của tư nhân và các tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra, cần hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ tiếp cận mô hình viện trợ mới, để nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm bớt các thủ tục và góp phần cải thiện các hệ thống quản lý theo chuẩn mực quốc tế.

Thứ năm, cần xác định các ưu tiên đầu tư khi sử dụng vốn ODA và nâng cao công tác giám sát, theo dõi và đánh giá dự án; đồng thời, nâng cao năng lực và nhận thức cho đội ngũ tham gia quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA. Bản chất ODA vẫn là khoản vay và có nghĩa vụ phải trả nợ, cho nên cần loại bỏ tư tưởng “xin” ODA trong một bộ phận cán bộ ở các cấp, đã dẫn đến chưa quan tâm đầy đủ đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Thứ sáu, cần nghiên cứu kế hoạch và chiến lược giảm dần nguồn vốn ODA, đặc biệt là vốn ODA có điều kiện, đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài khác như FDI. Với cách làm này, Việt Nam không chỉ duy trì được sự gia tăng của tổng vốn đầu tư mà còn cải thiện được hiệu quả của tất cả các nguồn vốn, bao gồm cả vốn ODA.