Nâng cao hiệu quả xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp hướng tới môi trường đầu tư tài chính hiệu quả và minh bạch tại Việt Nam
Thời gian gần đây, thông tin về các doanh nghiệp yếu kém trong hoạt động huy động vốn kinh doanh thông qua phát hành trái phiếu đã khiến các nhà đầu tư lo lắng. Để giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp lớn thường sử dụng các công cụ để sàng lọc và giám sát khoản đầu tư, tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi nhiều chi phí và không phù hợp với phần lớn các nhà đầu tư cá nhân. Bài viết nghiên cứu về việc nâng cao hiệu quả xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm xây dựng một môi trường đầu tư hiệu quả và thu hút các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đánh giá tín nhiệm độc lập với nguồn thông tin uy tín và chi phí hợp lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư vào các công cụ tài chính tại Việt Nam, từ đó thu hút được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hiệu quả huy động của một trong những thị trường huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp.
Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính diễn ra sôi động hơn bao giờ hết. Bên cạnh thị trường đầu tư cổ phiếu, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng đang tồn tại những vấn đề cần được điều chỉnh và chuẩn hóa giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp có một môi trường đầu tư minh bạch, nhằm quản trị rủi ro hiệu quả hơn cho thị trường.
Về quá trình hình thành và phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động của thị trường được manh nha từ những năm 2000, tuy nhiên, năm 2011 đánh dấu những dấu ấn đầu tiên trong quá trình phát triển của thị trường với việc ban hành Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, qua hơn 20 năm đến nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những bước phát triển ấn tượng. Tính đến quý I/2022, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, theo số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 46% tuy nhiên quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 15% GDP trong giai đoạn 2017 - 2022. Mặc dù có mức tăng trưởng khá tốt, tuy nhiên khi so sánh với các nước trong khu vực như Singapore chiếm khoảng 38% GDP, Malaysia khoảng 56% GDP hay Thái Lan 25% GDP (Asia bond monitor, 2021) thì thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các nước cùng khu vực. Như vậy, đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy không còn xa lạ với nhà đầu tư nhưng cũng không phải là một kênh đầu tư ưa thích hiện nay. Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, yêu cầu phải có một khung pháp lý chặt chẽ là vô cùng cần thiết. Trong đó, việc hoàn thiện và phổ biến rộng rãi hơn các quy định về xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ là một yếu tố góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu cũng như là cơ sở giúp các nhà đầu tư đưa ra những quyết định hiệu quả và chính xác hơn.
Thực trạng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tại Việt Nam
Khái quát về xếp hạng tín nhiệm
Khái niệm xếp hạng tín nhiệm
Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (XHTNDN) là một lĩnh vực của đầu tư tài chính. Đây là việc các công ty đánh giá trái phiếu và các chứng khoán khác do các công ty và chính phủ phát hành để xác định khả năng người phát hành sẽ trả được nợ hoặc có thể thu hồi các khoản lỗ trong trường hợp vỡ nợ (Scalet, S. and Kelly, T.F.,2012). Các công ty hoạt động trong lĩnh vực này sẽ phân tích thông tin dựa trên các tiêu chuẩn riêng biệt và sau đó cung cấp một hệ thống xếp hạng duy nhất thể hiện rủi ro liên quan đến việc giao dịch những chứng khoán này. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody's, Standard & Poor's và Fitch Ratings, sẽ đưa ra xếp hạng cho một tổ chức hoặc một quốc gia dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả các phương pháp định tính và định lượng gồm các thông tin về tài chính, lịch sử thanh toán, hoạt động kinh doanh, khả năng dự phòng và rủi ro chính trị... Xếp hạng tín nhiệm thường được biểu thị dưới dạng một mã chữ và số, được gọi là hệ thống xếp hạng được sử dụng để đánh giá tín nhiệm của các tổ chức hoặc quốc gia phổ biến nhất có thể thấy như "AAA", "B", "Caa", trong đó, xếp hạng cao nhất là "AAA" và thấp nhất là "D". Cụ thể, hệ thống chữ cái xếp hạng tín nhiệm là một hệ thống xếp hạng được sử dụng để đánh giá tín nhiệm của các tổ chức hoặc quốc gia. Các công ty xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng trên thế giới như Moody's, Standard & Poor's và Fitch Ratings sử dụng hệ thống chữ cái xếp hạng tín nhiệm bao gồm các mức độ khác nhau.
Có thể kể đến hệ thống xếp hạng tín nhiệm của Moody’s, một trong những công ty hoạt động trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm có vị trí hàng đầu trên thế giới. Hệ thống xếp hạng nghĩa vụ nợ dài hạn của Moody's là ý kiến về rủi ro tín dụng tương đối của các nghĩa vụ có thu nhập cố định với thời gian đáo hạn ban đầu từ một năm trở lên. Hệ thống xếp loại này thể hiện khả năng một doanh nghiệp sẽ không thực hiện được nghĩa vụ nợ của mình.
Thang đánh giá mực độ tin cậy của Moody’s được phân loại như Bảng 1.
Bảng 1. Hệ thống xếp loại
Nguồn: Moody’s website
Vai trò của xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp
XHTNDN đóng một vai trò rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, các ngân hàng, các cơ quan tài chính và các tổ chức tài chính khác. Nó không chỉ ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư mà còn có tác động đến người phát hành công cụ tài chính (Scalet, S. and Kelly, T.F.,2012). Việc phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp các nhà đầu tư đánh giá rủi ro đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó. Các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao thường được xem là ít rủi ro hơn, trong khi các doanh nghiệp có xếp hạng thấp hơn thường được xem là có rủi ro cao hơn từ đó nhà đầu tư có thêm cơ sở trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào những chứng khoán đã được xếp hạng.
Bên cạnh đó, đối với phía doanh nghiệp được xếp hạng, hệ thống thúc đẩy các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả và có tiềm năng phát triển tốt có cơ hội dễ dàng tiếp cận vốn từ các ngân hàng hoặc các nhà đầu tư (ALP, A.Y.S.U.N. 2013). Ngược lại, các doanh nghiệp có xếp hạng thấp hơn thường khó khăn hơn khi cố gắng tìm kiếm vốn. Ngoài ra, trên thực tế, doanh nghiệp với xếp hạng tín nhiệm cao thường có khả năng vay vốn với lãi suất thấp hơn so với các doanh nghiệp có xếp hạng thấp hơn. Do đó, xếp hạng tín nhiệm có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vay vốn.
Về phía toàn bộ thị trường, việc phát triển hệ thống XHTNDN góp phần tăng độ tin cậy của thị trường bằng cách cung cấp thông tin về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, tăng cường sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. Trong quá trình giao dịch giữa nhà đầu tư và đơn vị phát hành chứng khoán, việc tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đẩy mạnh sự minh bạch, rõ ràng trong các giao dịch, thông qua việc các doanh nghiệp với xếp hạng tín nhiệm cao thường được ưu tiên trong quá trình giao dịch, ví dụ như khi chấp nhận hợp đồng hoặc khi tham gia đấu giá. Các doanh nghiệp có xếp hạng thấp hơn có thể gặp khó khăn trong quá trình này. Với những lý do trên, XHTNDN đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính trong thời gian tới.
Quy trình và phương pháp luận của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp
Trong phần này, quy trình và phương pháp luận được khái quát lại dựa trên thông tin của các tổ chức XHTNDN hàng đầu trên thế giới hiện nay bao gồm Standard & Poor's (S&P), Moody's và Fitch Ratings. Nhìn chung các tổ chức này sử dụng các phương pháp tương tự để đánh giá rủi ro tín dụng và chỉ định xếp hạng tín dụng cho các đối tượng được đánh giá, chẳng hạn như các tập đoàn, doanh nghiệp chính phủ và các công cụ tài chính. Tuy nhiên, đặc thù của từng tổ chức sẽ có các chi tiết cụ thể về phương pháp luận được sử dụng khác biệt, nhưng các bước chung trong quy trình xếp hạng tín dụng của họ thường bao gồm như Hình 1.
Hình 1: Quy trình xếp hạng tín dụng
Nguồn: Tác giả thực hiện
Thu thập dữ liệu: Các cơ quan xếp hạng tín dụng thu thập nhiều loại dữ liệu về đối tượng được xếp hạng, bao gồm báo cáo tài chính, hiệu suất lịch sử, xu hướng thị trường và ngành cũng như chất lượng quản lý. Dữ liệu này được sử dụng để đánh giá uy tín tín dụng của đối tượng.
Phân tích tài chính (định lượng): Các cơ quan xếp hạng tín dụng tiến hành phân tích tài chính kỹ lưỡng về đối tượng, tập trung vào các tỷ lệ tài chính quan trọng, chẳng hạn như đòn bẩy, thanh khoản, khả năng sinh lời và dòng tiền. Phân tích này giúp họ đánh giá khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của đơn vị.
Đánh giá định tính: Các cơ quan xếp hạng tín dụng cũng đánh giá các yếu tố định tính, chẳng hạn như mô hình kinh doanh của đơn vị, vị trí cạnh tranh, đội ngũ quản lý, động lực của ngành và môi trường pháp lý. Những yếu tố này cung cấp những hiểu biết bổ sung về rủi ro tín dụng của đơn vị.
So sánh ngang hàng: Các cơ quan xếp hạng tín dụng thường so sánh đơn vị được xếp hạng với các đơn vị ngang hàng trong cùng ngành hoặc thị trường để đánh giá mức độ tín nhiệm tương đối của đơn vị đó. Điều này giúp cung cấp bối cảnh và điểm chuẩn cho xếp hạng tín dụng.
Chỉ định xếp hạng tín dụng: Dựa trên phân tích của họ, các cơ quan xếp hạng tín dụng chỉ định xếp hạng tín dụng cho đối tượng, thường bao gồm sự kết hợp của các loại chữ cái (ví dụ: AAA, AA, A, v.v.) và/hoặc xếp hạng số (ví dụ: 1, 2 , 3, v.v.) để chỉ ra mức độ tin cậy về tín dụng của đối tượng. Xếp hạng cao hơn thể hiện rủi ro tín dụng thấp hơn, trong khi xếp hạng thấp hơn cho thấy rủi ro tín dụng cao hơn. Tùy vào từng tổ chức xếp hạng mà thang đo có những khác biệt nhất định.
Giám sát liên tục: Các cơ quan xếp hạng tín dụng liên tục giám sát mức độ tin cậy của các tổ chức được xếp hạng và có thể cập nhật xếp hạng tín dụng của họ dựa trên những thay đổi về các yếu tố tài chính và chất lượng của tổ chức, cũng như các điều kiện kinh tế và thị trường.
Điều quan trọng cần lưu ý là các phương pháp của các cơ quan xếp hạng tín dụng là độc quyền và có thể không được tiết lộ chi tiết cho công chúng. Chúng cũng phát triển theo thời gian để thích ứng với các điều kiện thị trường đang thay đổi và các yêu cầu pháp lý. Điều quan trọng đối với các nhà đầu tư và những người sử dụng xếp hạng tín dụng khác là phải hiểu các phương pháp và giả định được các cơ quan xếp hạng tín dụng sử dụng khi giải thích và sử dụng xếp hạng tín dụng cho mục đích đầu tư hoặc quản lý rủi ro (S&P Global).
Hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tại Việt Nam
- Hoạt động của các tổ chức XHTNDN tại Việt Nam
Thị trường xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam đã được khởi động từ trước năm 2014, tại thời điểm này tốc độ phát triển của thị trường trái phiếu chưa đạt mức cao, hoạt động phát hành và giao dịch còn hạn chế, do đó tại thời gian này Việt Nam có hai tổ chức XHTNDN là CTCP XHTNDN Việt Nam (CRV) và công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Credit). Tuy nhiên, do chưa có sự đột phá của thị trường trái phiếu dẫn đến nhu cầu xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp gần như bằng không. Chính vì vậy, hoạt động của hai doanh nghiệp này đã sớm kết thúc vài năm sau đó.
Một phần lý do dẫn đến sự ngừng hoạt động của hai doanh nghiệp cũng đến từ việc giai đoạn này nước ta chưa đưa ra được những quy định cũng như chưa xây dựng được khung pháp lý cho hoạt động XHTNDN. Do đó, sau khi ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP năm 2014, hoạt động của thị trường đã có sự ổn định hơn với hoạt động của hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm được thành lập mới là CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (SaigonRatings) vào tháng 7/2017 và CTCP Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings (FiinRatings) vào tháng 3/2020. Tính đến nay, đây là hai doanh nghiệp duy nhất kinh doanh trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm duy trì hoạt động kinh doanh có hiệu quả trong điều kiện hiện nay.
Khi so sánh với các nước trong khu vực, theo báo cáo của ADB năm 2020, tại các thị trường lân cận các nước có cùng số lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm là Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Bên cạnh đó, thị trường phát triển như Singapore có 3 doanh nghiệp bao gồm 3 Big (S&P, Moody’s và Fitch). Tuy nhiên về số lượng các tổ chức đã được xếp hạng tín nhiệm thì Việt Nam lại thuộc nhóm thấp nhất, với 30 doanh nghiệp đã được xếp hạng chiếm khoảng 7,5% tổng số các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Điều này cho thấy hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển nếu có các giải pháp cải thiện và các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Nhìn chung các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XHTNDN tại Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề như thị trường chưa đủ phát triển: Việc đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp đòi hỏi phải có đủ thông tin và dữ liệu về thị trường, nhưng tại Việt Nam các thông tin này vẫn còn hạn chế; Thiếu tính minh bạch: Các công ty đánh giá tín nhiệm tại Việt Nam còn đối mặt với sự thiếu minh bạch, đặc biệt là trong việc thu thập và xử lý thông tin; Thiếu sự đa dạng: Hiện nay, các tổ chức đánh giá tín nhiệm tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các công ty lớn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được quan tâm đến mức độ cần thiết.
Tuy nhiên, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam đang ngày càng được quan tâm và phát triển hơn. Việc xây dựng một thị trường tín nhiệm doanh nghiệp là cần thiết để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời đưa Việt Nam vào bản đồ tài chính thế giới.
- Quản lý và giám sát hoạt động của các tổ chức XHTNDN tại Việt Nam
Hiện nay, tại hầu hết các nước có hoạt động XHTNDN, các bước mà Nhà nước quy định để xây dựng doanh nghiệp XHTN bao gồm như Hình 2.
Hình 2: Các bước thực hiện xây dựng doanh nghiệp xếp hạng tín dụng
Nguồn: Tác giả thực hiện
Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP năm 2014 để quy định về hoạt động xếp hạng tín nhiệm. Đây là Nghị định đầu tiên nêu rõ các quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cũng như điều kiện thành lập và hoạt động của DN xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Ngay sau khi ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP, vào năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg với việc phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó định hướng phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu trong nước, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường, thúc đẩy việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư (Điều 1, Quyết định số 507/QĐ-TTg) .
Bên cạnh đó, để hiện thực hóa định hướng phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm, từ cơ sở kinh nghiệm của các nước và vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, việc ban hành Nghị định số 155/2020/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, đã quy định các trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm và công bố ra công chúng từ ngày 01/01/2023 bao gồm các trường hợp; (i) khối lượng huy động lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc (ii) dư nợ phát hành trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu thì phải xếp hạng tín nhiệm.
Hệ thống pháp lý về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tại Việt Nam được đánh giá khá tốt và ngày càng hoàn thiện hơn. Các quy định liên quan đến hoạt động xếp hạng tín nhiệm được quy định rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn liên quan. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký kết các thỏa thuận về tài chính quốc tế như Hiệp định Basel II, điều này càng làm tăng tính minh bạch và độ tin cậy của các hoạt động xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế và thách thức trong quá trình thực hiện các hoạt động xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam, đặc biệt là về tính minh bạch và độc lập của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hiện nay.
Đề xuất giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam
- Để phát triển thị trường XHTNDN, Nhà nước nên có những quy định mang tính bắt buộc để dần dần tạo ra văn hóa xếp hạng tín nhiệm. Mặc dù giai đoạn đầu việc này có thể gây tăng chi phí cho những lần phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, tuy nhiên trong dài hạn sẽ tạo được động lực cho doanh nghiệp để tăng tính hiệu quả của mỗi lần phát hành. Việc tuyên truyền cũng như định hướng thị trường về lợi ích của hoạt động xếp hạng cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động của các doanh nghiệp trong việc XHTNDN.
- Cơ quan quản lý cũng cần tăng cường các quy định để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và đáng tin cậy cho hoạt động xếp hạng. Đồng thời, các quy định như thay đổi công ty xếp hạng định kỳ cũng cần được tăng cường để giảm khả năng đánh giá không khách quan giữa doanh nghiệp xếp hạng và doanh nghiệp được xếp hạng. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm có thể đa dạng hóa các dịch vụ xếp hạng, trong đó có việc phát triển dịch vụ xếp hạng doanh nghiệp từ phía nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Do đó, Chính phủ nên có cơ chế hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ xếp hạng để hoạt động này có thể diễn ra sôi nổi hơn, cũng như thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động mở mới các tổ chức XHTN bằng việc rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp
- Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hiện nay, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có thể nhanh chóng hoàn thiện phương pháp và quy trình quản lý thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và nguồn vốn từ các tổ chức xếp hạng quốc tế. Các hình thức hỗ trợ thành công tại các quốc gia khác bao gồm: hỗ trợ kỹ thuật không góp vốn, góp vốn kèm hỗ trợ kỹ thuật với tỷ lệ thấp hoặc lớn, và thành lập công ty con. Ngoài ra, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cần mở rộng kết nối với các bên tham gia thị trường, như các công ty chứng khoán và tư vấn phát hành, để đạt hiệu quả cao trong quá trình xếp hạng và phát hành. Mối quan hệ giữa bên xếp hạng, bên tư vấn và nhà phát hành có thể giúp quá trình này diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao
Kết luận
Việc XHTNDN là một công cụ quan trọng để đánh giá năng lực và tiềm năng của các doanh nghiệp. Hoạt động xếp hạng tín nhiệm đang được phát triển, tuy nhiên cần có sự quản lý chặt chẽ và tăng cường pháp lý để đảm bảo tính minh bạch và tránh rủi ro. Để cải thiện tình trạng XHTNDN tại Việt Nam, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước. Ngoài ra, các công ty xếp hạng tín nhiệm cần nâng cao chất lượng và tính minh bạch của quy trình xếp hạng để tăng cường uy tín và độ tin cậy của hệ thống xếp hạng tín nhiệm Việt Nam. Việc có một hệ thống xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ giúp tăng cường độ tin cậy của thị trường tài chính, thu hút đầu tư và tăng cường sự phát triển kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
- ALP, A.Y.S.U.N. (2013). Structural shifts in credit rating standards .Journal of Finance, 68(6), 2435–2470. Available at: https://doi.org/10.1111/jofi.12070.
- Ngân hàng Phát triển châu Á (2020). Báo cáo Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào cơ quan xếp hạng tín dụng trong nước tại Việt Nam.
- Moody's - credit ratings, research, and data for Global Capital Markets. Available at: https://www.moodys.com.
- Scalet, S. and Kelly, T.F. (2012). The Ethics of Credit Rating Agencies: What happened and the way forward. Journal of Business Ethics, 111(4), 477-490. Available at: https://doi.org/10.1007/s10551-012-1212-y.
- Scalet, S. and Kelly, T.F. (2012). The Ethics of Credit Rating Agencies: What happened and the way forward. Journal of Business Ethics, 111(4), 477-490. Available at: https://doi.org/10.1007/s10551-012-1212-y.
- S&P Global Market Intelligence S&P Global Market Intelligence.
- Bộ Tài chính. Truy cập tại: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn.
- Asia bond monitor (2021). Bond market developments in the third . Available at: https://asianbondsonline.adb.org/documents/abm/abm_nov_2021_bond_market_developments_3qtr_2021.pdf
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Truy cập tại: https://www.vcci.com.vn/.