Xếp hạng tín nhiệm góp phần tăng chất cho thị trường vốn

Minh Lâm

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị FiinRatings cho rằng, xếp hạng tín nhiệm là một phần của hệ thống thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, góp phần làm minh bạch hóa thị trường, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Phóng viên: Đâu là khó khăn lớn nhất khi đánh giá, xếp hạng tín nhiệm một doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Khó khăn xuất phát từ nhiều phía, trong đó, tôi nghĩ quan trọng nhất là các đơn vị xếp hạng tín nhiệm phải thuyết phục được các nhà đầu tư xác nhận và dùng kết quả đánh giá, xếp hạng tín nhiệm. Muốn như vậy thì đơn vị xếp hạng phải có uy tín và cung cấp thông tin rất sâu.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị FiinRatings.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị FiinRatings.

Về phía doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng cho việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm vì đặc thù của doanh nghiệp họ, tình trạng kinh doanh, chiến lược vốn của họ và đương nhiên một phần là chi phí.

Đa phần các doanh nghiệp chưa cân đong đo đếm cái lợi ích khi có xếp hạng tín nhiệm để có thuận lợi trong việc huy động vốn rẻ hơn hoặc kỳ hạn dài hơn so với nỗ lực và phí họ bỏ ra. Tôi nghĩ đó là hai khó khăn chính hiện nay.

Phóng viên: Vậy có những vướng mắc gì khi doanh nghiệp cung cấp thông tin hoặc thiếu minh bạch thông tin, nhất là doanh nghiệp có nhiều hơn một báo cáo tài chính với số liệu khác nhau?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Báo cáo tài chính kiểm toán hay không kiểm toán là một trong những nguyên liệu đầu vào để chúng tôi đánh giá tín dụng, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp đến với chúng tôi, thậm chí tập đoàn mà lại chưa có báo cáo tài chính hợp nhất, mặc dù trước đó họ có thể phát hành rồi.

Điều này cũng là một thực tế đặc biệt của các doanh nghiệp mà hệ thống quản trị không được tốt. Đây là một trong những tiêu chí để chúng tôi chấm điểm. Bản thân doanh nghiệp không có hệ thống báo cáo tài chính tốt và quản trị các chính sách tài chính sẽ bất lợi hơn khi các đơn vị xếp hạng tín nhiệm chấm điểm.

Phóng viên: Ông có thể nêu ra một vài yếu tố quan trọng nhất khi xem xét đánh giá, chấm điểm xếp hạng tín nhiệm một doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Về cơ bản, mục đích cuối cùng là đánh giá khả năng đáp ứng nợ trong tương lai của doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn khác với công việc kiểm toán. Kiểm toán là xác minh, xác định số liệu ở thời điểm hiện tại hoặc giai đoạn quá khứ có trung thực, hợp lý hay không?

Xếp hạng tín nhiệm là việc thẩm định khả năng trả nợ của một doanh nghiệp phát hành trái phiếu hay khả năng thu hồi vốn từ một công cụ nợ là trái phiếu doanh nghiệp từ một dự án kinh doanh. Công ty xếp hạng tín nhiệm thẩm định khả năng trả nợ của một doanh nghiệp qua việc nghiên cứu các báo cáo tài chính, các dữ liệu tài chính mà công ty thu thập được từ doanh nghiệp được xếp hạng.

Chính vì thế, tất cả các yếu tố về mặt ngành, vĩ mô, đặc biệt là tình hình tài chính tạo ra dòng tiền đáp ứng nghĩa vụ nợ… là tiêu chí chính để đánh giá, chấm điểm xếp hạng tín nhiệm, mặc dù nó có cả định tính, định lượng. Nói tóm lại, điểm xếp hạng tín nhiệm là khả năng tạo ra tiền của doanh nghiệp để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ cho trái chủ, cho nhà đầu tư.

Phóng viên: Vậy khả năng tạo ra tiền được đánh giá dựa trên yếu tố nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Khả năng tạo ra tiền dựa trên đánh giá về dự phóng tài chính, tính khả thi của các dự án, nguồn thu như thế nào…  Ví dụ doanh nghiệp phát hành muốn trả nợ trái chủ thì có huy động được nhà đầu tư mới, hay có vay được ngân hàng nào hay không… 

Phóng viên: Ông có đề xuất gì để doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm đúng mức đến việc xếp hạng tín nhiệm?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Việt Nam cũng đã bắt đầu cân nhắc việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với tổ chức phát hành trái phiếu từ ngày 1/1/2024 để minh bạch thông tin.

Nhưng đề xuất lớn hơn của tôi là, thay vì quá tập trung về phía cung trái phiếu doanh nghiệp như hiện nay, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến phía cầu, tức là phía nhà đầu tư. Muốn vậy, ta cần nhiều thành phần tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp hơn.

Ví dụ ở Thái Lan, tất cả các quỹ mở lấy tiền của công chúng thì buộc đầu tư vào trái phiếu của các công ty được xếp hạng tín nhiệm, hoặc các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí phải đầu tư ở những trái phiếu an toàn hơn.

Đương nhiên, xếp hạng tín nhiệm cao không đồng nghĩa là doanh nghiệp không thể vỡ nợ và đòi hỏi một quá trình theo dõi, cập nhật, đánh giá liên tục.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!