Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 43,2% GDP, 31% xuất khẩu, 29% các khoản thu vào ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động... Dù thể hiện vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng thực tiễn khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn, đối mặt với nhiều thách thức trong cạnh tranh và hội nhập.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Động lực quan trọng của nền kinh tế
Chiếm tỷ lệ khoảng 98% trong tổng số các các doanh nghiệp (DN), có thể nói, DN nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế và vai trò này đã được Đảng ta khẳng định nhất quán qua các kỳ đại hội (từ đại hội VII đến nay).
Điển hình như năm 2002 đã có Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Năm 2010 có Kết luận số 64- KL/TW ngày 9/2/2010 về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW... Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng tiếp tục chủ trương hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Thực hiện chủ trương trên, thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển DNNVV (Luật Đầu tư và Luật DN; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế thu nhập DN; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Phá sản; Luật Hải quan; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư công...).
Với mục tiêu thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, những năm qua Chính phủ cũng đã ban hành một loạt các chính sách, cụ thể như:
Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014; Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015; Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 28/4/2016; Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và một số nghị quyết chuyên đề... Những quyết sách này đã, đang và sẽ tạo động lực đổi mới, tạo thêm niềm tin cho cộng đồng DN nói chung và DNNVV vào sự đồng hành, sát cánh của Nhà nước, các cấp ngành và hệ thống công chức cùng tham gia phát triển kinh tế, tạo ổn định và an sinh xã hội.
Khảo sát của Hiệp hội DNNVV, các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV trên đã từng bước đi vào cuộc sống và đã đạt được một số kết quả khả quan: DNNVV đóng góp 43,2% GDP; 31% xuất khẩu; 29% các khoản thu ngân sách nhà nước; vốn đầu tư chiếm 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực DN; tạo việc làm cho 5,12 triệu lao động (chiếm 45% tổng số việc làm trong khối DN). Đặc biệt, đã định hình được hệ thống hỗ trợ DNNVV từ trung ương tới địa phương trong khu vực quản lý nhà nước; Làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của DNNVV trong nền kinh tế quốc dân.
Mặc dù, khu vực này đang thể hiện vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng thời gian gần đây vẫn không khỏi khó khăn, có phần đuối sức trong xu thế cạnh tranh gay gắt và hội nhập. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ còn chưa đồng bộ và còn có sự xung đột. Một số chính sách còn thiếu quy định cụ thể áp dụng cho DNNVV và còn mang nặng tính khuyến khích, chung chung như hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, DN khởi nghiệp, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới, phát triển DN cũng đã được đề cập nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của từng chủ thể kinh tế, cơ chế chính sách đối với các loại hình DN nêu trên còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp; Năng suất, hiệu quả của nền kinh tế không cao; Tính liên kết giữa các DN trong nước và nước ngoài còn yếu.
Khoảng cách giữa chủ trương chính sách với thực thi trên thực tế còn lớn. Quy mô hỗ trợ DNNVV cũng còn hạn hẹp, chất lượng và nội dung hỗ trợ chưa cao như hỗ trợ về thông tin tư vấn còn lạc hậu, chưa cụ thể, kịp thời; công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa bám sát nhu cầu thực tế của DNNVV.
Các hỗ trợ theo cơ cấu vùng, miền và ngành nghề chưa hợp lý, nhiều chính sách còn thiếu hỗ trợ đặc thù cho khu vực nông thôn, miền núi và trong các ngành nông, lâm, thuỷ sản làm giảm hiệu quả đầu tư. Tác động của các chính sách đối với các DNNVV chưa thể hiện rõ, cơ chế trợ giúp DNNVV còn chồng chéo và phân tán, chưa có trọng tâm, hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp. Tỷ lệ DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng và vốn ngân hàng thấp, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV kém hiệu quả, khó khăn trong tiếp cận đất đai…
Các cơ quan Trung ương và địa phương còn thiếu những đánh giá cụ thể về hoạt động của DNNVV, phần lớn các chính sách và chương trình trợ giúp DNNVV chưa được tổng kết, đánh giá cụ thể, mới chỉ ước tính. Hệ thống triển khai các chương trình, chính sách trợ giúp DNNVV chưa được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương.
Vì vậy, tuy đứng đầu về số lượng nhưng DNNVV có năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quy mô của DNNVV còn nhỏ bé; Cơ cấu ngành, lĩnh vực hoạt động của khu vực DNNVV cũng chưa hợp lý; Trình độ công nghệ của khu vực DNNVV còn thấp; Chưa tận dụng được tác động của các DN đầu tư nước ngoài; Trình độ quản lý yếu kém; Kỹ năng của người lao động không đáp ứng được yêu cầu; Các DN chưa tạo được độ tin cậy cao, năng lực cạnh tranh kém, chưa bảo đảm về vệ sinh, an toàn và bảo vệ môi trường...
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khoảng 20% số DNNVV đang hoạt động có thể trụ được trong cạnh tranh, 60% số DNNVV đang phải cố gắng để tồn tại, 20% số DNNVV đã bị giải thể, ngừng hoạt động… Hiện nay, máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các DNNVV chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu.
Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chỉ khoảng 0,2% - 0,3% tổng doanh thu. Trình độ thiết bị công nghệ trong các DNNVV lĩnh vực tư nhân chỉ bằng 3% mức trang bị kỹ thuật trong các DN lớn... Thực trạng này đặt ra những thách thức lớn đối với năng lực cạnh tranh của DNNVV trong khu vực nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ như hiện nay.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp nhỏ và vừa của Tổng cục Thống kê, khoảng 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động có thể trụ được trong cạnh tranh, 60% đang phải cố gắng để tồn tại, 20% đã bị giải thể hoạt ngừng hoạt động… Hiện nay, máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu...
Tóm lại, hiện nay, DNNVV Việt Nam đang phải cạnh tranh trong điều kiện không cân sức, chưa bắt tay sản xuất kinh doanh đã thua kém đối thủ vì chi phí vốn vẫn còn cao so với các công ty đa quốc gia. Không chỉ khó cạnh tranh, việc giữ và phát triển thương hiệu Việt trước sự xâm lấn, thôn tính của các DN nước ngoài cũng đến hồi báo động.
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Năng lực cạnh tranh quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh và phát triển các loại hình DN, đặc biệt là các DN thuộc khu vực tư nhân, trọng yếu là đối tượng DNNVV và DN khởi nghiệp. Do vậy, cần hoàn thiện và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của các loại hình DN nói trên. Đồng thời, thúc đẩy phân bổ nguồn lực một cách minh bạch, trực tiếp và gián tiếp nâng cao năng suất của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là “Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...
Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, DN khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.
Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2% - 0,3% tổng doanh thu. Trình độ thiết bị công nghệ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực tư nhân chỉ bằng 3% mức trang bị kỹ thuật trong các doanh nghiệp lớn... Thực trạng này đặt ra những thách thức lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ nhất, rà soát, bổ sung và điều chỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của DN theo cách tiếp cận phát triển DN và vòng đời của DN (từ giai đoạn khởi nghiệp, gia nhập thị trường, hoạt động trên thị trường đến rút khỏi thị trường gắn với yêu cầu thực tiễn và tuân thủ các cam kết hội nhập quốc tế).
Sửa đổi và hoàn thiện pháp luật cạnh tranh, Luật Cạnh tranh theo hướng quy định phản ánh trực tiếp, đầy đủ bản chất cạnh tranh của hành vi kinh doanh, góp phần giảm thiểu các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng vị trí thống lĩnh/độc quyền trên thị trường, giao dịch tập trung kinh tế… Hoàn thiện và tăng cường thực thi hệ thống quy định pháp luật về giải thể, phá sản DN.
Đây là công cụ pháp lý quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đang trong tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội để rút khỏi thị trường một cách có trật tự, góp phần tái phân phối tài sản; thúc đẩy sự lưu thông vốn trong nền kinh tế thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và các chủ nợ. Xác định rõ giới hạn can thiệp, điều tiết của Nhà nước đối với nền kinh tế.
Thứ hai, rà soát, hoàn thiện cơ chế thực thi và phối kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy vai trò kiến tạo của Nhà nước trong phát triển và tăng trưởng kinh tế; Ban hành Luật Thủ tục hành chính hoặc Luật Hành chính công theo hướng nâng cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm trong thực thi pháp luật về kinh doanh;
Xây dựng cơ chế đảm bảo DN và nhân dân tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh; Tăng cường vai trò tích cực của phản biện xã hội gắn với phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp; Mở rộng thu thập ý kiến đánh giá độc lập từ DN và người dân, từ các tổ chức trong nước và quốc tế; duy trì, mở rộng phạm vi khảo sát và hoàn thiện các bộ chỉ số điều tra cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tăng cường tính công khai, minh bạch trong bộ máy nhà nước.
Thứ ba, tăng cường liên kết trong nước và kết nối khu vực: Liên kết giữa các ngành kinh tế, các chủ thể kinh tế và các không gian kinh tế; Khơi thông các thị trường các yếu tố sản xuất, thị trường lao động, thị trường bất động sạn, thị trường khoa học và công nghệ. Đồng thời, thực hiện kết nối thị trường trong nước với thị trường khu vực nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội do các hiệp định FTA thế hệ mới mang lại; Coi trọng các giải pháp phát triển bền vững; Xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững...
Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức;
2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức 2016;
3. Tài liệu tổng hợp của Viện Khoa học quản trị DNNVV.