Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản

Theo Nguyên Toàn/Báo Hậu Giang

Hiện Chính phủ rất quan tâm tới việc phát triển kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và của ngành logistics ĐBSCL nói riêng. 5 năm tới được dự báo là “thời cơ vàng” cho ngành logistics và cảng biển.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Ảnh: Nguyên Toàn
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Ảnh: Nguyên Toàn

Thời cơ vàng

Giao thông ở ĐBSCL hiện đang được cải thiện rất rõ, với nhiều dự án giao thông có quy mô lớn, đã có hơn 140km cao tốc. Dự kiến trong 3-5 năm nữa sẽ có cao tốc thông suốt từ TP. Hồ Chí Minh tới TP. Cần Thơ, rồi Cà Mau, Châu Đốc (An Giang).

Ngoài ra, theo Nghị quyết 45 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho TP. Cần Thơ, tới đây luồng Định An, sông Hậu sẽ được nạo vét cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP. Cần Thơ. Đây sẽ là vận hội mới cho cả ĐBSCL, bởi khi luồng Định An được khơi thông cũng đồng nghĩa vận chuyển hàng hóa nông sản của vùng bằng đường thủy sẽ thông suốt.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: “TP. Cần Thơ đang quy hoạch trung tâm logistics cho cả đường hàng không và đường biển. Đây sẽ là cơ hội để thay đổi toàn bộ ngành logistics của vùng. Chúng tôi cho rằng, logistics ở ĐBSCL đây là thời điểm vàng trong giai đoạn 5-10 năm tới”.

Để đón đầu cơ hội từ các dự án hạ tầng, hệ thống logistics quan trọng, Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ, cho biết sẽ phát triển tuyến sà lan container kết nối Cái Mép - Thị Vải - Cần Thơ - Vương quốc Campuchia trong quý III/2022. Xa hơn, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và cảng Cần Thơ đang triển khai một trung tâm hàng nông sản, thủy sản trong vùng tại khu vực bến cảng Cái Cui với trung tâm chiếu xạ, hệ thống ICD, kho lạnh dự kiến đưa vào hoạt động vào quý I/2023.

Không chỉ Cần Thơ mà Hậu Giang cũng có nhiều lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển dịch vụ logistics, cụm ngành logistics thời gian gần đây đã có sự phát triển, một số dự án có quy mô đầu tư kho lạnh và tổng kho phân phối đã được đầu tư. Tỉnh đã có 3 trung tâm dịch vụ logistics đi vào hoạt động.

Theo quy hoạch, sẽ hình thành thêm 2 trung tâm logistics. Tất cả 5 trung tâm này kết hợp với các đơn vị logistics vệ tinh được phân bổ đều trên các trục giao thông trọng yếu, gần với các vùng nguyên liệu chuyên canh để nhanh chóng xử lý sau thu hoạch, sơ chế nông sản và vận chuyển đến trung tam logistics, các nhà máy chế biến, đồng thời vận chuyển các sản phẩm từ nhà máy đến các thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 42 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó 20 doanh nghiệp xuất khẩu và 22 doanh nghiệp nhập khẩu. Cơ cấu nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực là các nhóm hàng thủy hải sản chế biến các loại, hàng may mặc, giày dép và giấy, còn lại là nhóm nông sản, dệt may và một số nhóm hàng hóa khác. Nếu được đầu tư phát triển mạnh, logistics sẽ là đòn bẩy quan trọng trong thành công về xuất khẩu cho tỉnh Hậu Giang, TP. Cần Thơ và hiệu ứng lan tỏa vùng.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: Tỉnh Hậu Giang tin tưởng rằng “Dịch vụ logistics ở Hậu Giang gắn với trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP. Cần Thơ” sẽ phát triển đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị và theo Quy hoạch vùng ĐBSCL.

Để đồng bằng “cất cánh”

Nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng, logistics cho hàng nông sản ĐBSCL, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics (VLA), cho rằng cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc. Phát triển đồng bộ các phương thức vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông thủy sản xuất khẩu bằng đường thủy nội địa và đường biển. Phát triển trung tâm logistics tại Cần Thơ cho hàng hóa cả khu vực ĐBSCL.

Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp liên quan trong và ngoài nước, nhằm tạo dựng dây chuyền kho nông sản, nhất là hệ thống dây chuyền lạnh đủ tiêu chuẩn bảo quản, đóng gói, quy trình sơ chế - xử lý. Triển khai và phát triển nguồn nhân lực chuỗi cung ứng và logistics chất lượng cao tại khu vực ĐBSCL để đáp ứng kịp thời nhu cầu hiện tại và trong tương lai. Tập trung vào việc phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đủ mạnh, nhất là các doanh nghiệp liên kết hiệu quả với thị trường quốc tế. Thành lập Hiệp hội logistics vùng ĐBSCL với trung tâm là Cần Thơ...

“Làm sao chúng ta có thể khuyến khích được tinh thần khởi nghiệp từ các doanh nghiệp địa phương, thuần túy địa phương ở vùng ĐBSCL mạnh dạn đầu tư vào ngành dịch vụ logistics”, ông Lê Duy Hiệp cho biết.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Hơn lúc nào hết, để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, phát triển ngành nông nghiệp và các sản phẩm nông sản thế mạnh của vùng, việc tập trung tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản là vấn đề cấp bách để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có.

“Cần sớm có phương án chính sách và mô hình hiệu quả, phát triển hệ thống hạ tầng logistics; đồng bộ hệ thống kết cấu giao thông vận tải; đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam; từ sản xuất, thu hoạch cho đến thông quan xuất khẩu; hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho nông sản của vùng”, ông Phạm Tấn Công cho biết thêm.

Còn PGS,. TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, đề xuất: Chúng ta cần xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics cho vùng ĐBSCL, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn. Chú trọng hạ tầng và tiện ích đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng lạnh dành cho hàng nông thủy sản, phương tiện vận tải lạnh - trung tâm logistics và kho lạnh cần đủ điều kiện để vận chuyển và bảo quản hàng hóa theo các yêu cầu về nhiệt độ. Đồng thời, cần đánh giá tiềm năng, thế mạnh, lựa chọn đối tác, mô hình cho liên kết vùng. Đây là nhóm giải pháp quan trọng nhằm xác định lĩnh vực, ngành cần liên kết.

Dự kiến vào cuối năm nay, Hiệp hội các Doanh nghiệp logistics ĐBSCL sẽ ra mắt. Qua đó, tập hợp sức mạnh của các đơn vị trong ngành, cùng nhau hoàn thiện chuỗi logistics cho nông sản trong tất cả các khâu liên quan, khơi thông “dòng chảy” nông sản vùng đất chín rồng.

Theo Quy hoạch tích hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có 8 trung tâm đầu mối (TTĐM). Trong đó, 1 trung tâm có chức năng tổng hợp ở TP. Cần Thơ; 4 TTĐM cấp vùng ở Bến Tre, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau; 3 TTĐM liên quan đến logistics ở Đồng Tháp, Hậu Giang và Sóc Trăng. Qua đó, không những sẽ góp phần đáng kể cải thiện năng lực mà còn thúc đẩy phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.