Nâng cao năng suất, chất lượng nguồn lao động ngành cơ khí
Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã và đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng như ISO 3834. EN 1090… Tập trung đào tạo trình độ kỹ thuật cho độ ngũ giám sát chất lượng kỹ thuật hàn trong các doanh nghiệp cơ khí là vấn đề cấp bách.
Hiện nay, ở các nước công nghiệp phát triển, vấn đề kiểm soát chất lượng hàn được quan tâm đặc biệt nhằm để đảm bảo an toàn cho con người và công trình. Có khá nhiều doanh nghiệp áp dụng và được chứng nhận ISO 3834, nhưng chủ yếu từ các nước có nền công nghiệp cơ khí phát triển như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia…
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng như ISO 3834. EN 1090… Bởi họ thiếu một đội ngũ nhân lực kỹ thuật hàn được đào tạo bài bản theo quy chuẩn quốc tế.
Việc tập trung đào tạo trình độ kỹ thuật và chuyên môn cao cho độ ngũ giám sát chất lượng kỹ thuật hàn trong các doanh nghiệp cơ khí là một vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp cơ khí rất chú trọng.
Căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ từ năm 2013-2018 thuộc chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đồng thời thực hiện nhiệm vụ “Nhân rộng đào tạo đội ngũ giám sát viên hàn quốc tế cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam”, mã đề tài 02.5/NSCL - 2022 thuộc chương trình quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030”, Trung tâm Chuyển giao công nghệ Việt - Đức tổ chức đào tạo nhân sự giúp các doanh nghiệp cơ khí chế tạo giải quyết những khó khăn tồn đọng trong quá trình phát triển hội nhập của đất nước.
Nguồn nhân lực được đào tạo bao gồm những nhân sự quản lý kỹ thuật, người lao động trực tiếp của doanh nghiệp được đào tạo những kiến thức cần thiết để ứng dụng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Qua đó giúp doanh nghiệp cập nhật những công nghệ mới, nâng cao trình độ quản lý và tiếp cận gần hơn nữa đến những kỹ năng và công nghệ hàn có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển doanh nghiệp.
Trung tâm Chuyển giao công nghệ Việt - Đức đã triển khai 4 khóa đào tạo, bồi dưỡng giám sát hàn bậc 2 cho 120 lượt học viên.