Thúc đẩy tăng năng suất gắn với phát triển bền vững

Trần Huyền

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia cũng như địa phương, năng suất là một yếu tố nền tảng để đạt được các mục tiêu căn bản trong tăng trưởng. Thúc đẩy năng suất dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn bới phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Các đại biểu tại phiên thảo luận.
Các đại biểu tại phiên thảo luận.

Cải cách, đổi mới để thúc đẩy năng suất

Trong khuôn khổ Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 ngày 12/12/2023, phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề 1 "Nâng cao chất lượng quy định, chính sách để thúc đẩy năng suất", TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất” nhằm thúc đẩy thực hiện kế hoạch cải thiện năng suất quốc gia của Chính phủ và thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp nâng cao năng suất phù hợp bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.

Theo TS. Hà Minh Hiệp, đối với vấn đề nâng cao năng suất, trước đây tiếp cận ở góc độ các công cụ, giải pháp để nâng cao năng suất. "Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ở bối cảnh cụ thể thì chúng ta áp dụng công cụ nào, giải pháp nào, chuyển giao công nghệ nào", TS. Hiệp nêu.

Nhấn mạnh vai trò của cơ chế, chính sách cho năng suất, TS. Hà Minh Hiệp cho rằng, nếu chính sách không phù hợp, không cởi trói cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp không thể phát triển, nâng cao năng suất. Để giải quyết vấn đề này, Tổ chức Năng suất châu Á (APO) có một công cụ GRP (Thực hành quy định tốt) giúp đánh giá, nhìn nhận lại các quy định, chính sách ban hành đã phù hợp với doanh nghiệp hay chưa, các doanh nghiệp phản hồi lại ra sao, từ đó, tìm ra hạn chế cần thay đổi.

Cũng theo Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cải cách hành chính không chỉ nằm ở việc lược bỏ thủ tục hành chính mà còn nằm ở chỗ nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính phải được thay đổi để giúp cho doanh nghiệp có môi trường thuận lợi để phát triển, nâng cao năng suất.

 TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu khai mạc Hội thảo.
 TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất”, ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia cũng như địa phương, năng suất luôn là một yếu tố nền tảng để đạt được các mục tiêu căn bản trong tăng trưởng.

Theo ông Hoàng, năng suất giúp tạo ra nhiều của cải vật chất hơn trong điều kiện giới hạn về nguồn lực, cải thiện mối quan hệ giữa người lao động và nhà quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đạt được mục tiêu chiến lược dài hạn.

Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 cho thấy, chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm (2011-2020) đạt 39,0%( vượt mục tiêu 35%). Tốc độ tăng năng suất bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015).

Mặc dù Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng trong nâng cao năng suất, song phải nhìn nhận thực tế là mức tăng năng suất lao động vẫn còn thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, ông Hoàng cho rằng, yếu tố tiên quyết phải là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Gắn năng suất với phát triển bền vững

Tại chuyên đề 4 về thúc đẩy năng suất chất lượng tại các tỉnh, thành phố trong khuôn khổ Diễn đàn Năng suất Quốc gia 2023, ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng cho biết, phong trào năng suất chất lượng không chỉ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là bước chuyển mình quan trọng hướng tới phát triển bền vững.

Theo ông Tuấn, hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, giới hạn tài nguyên, sự biến động của thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trong mọi thách thức đều ẩn chứa những cơ hội mới, phong trào năng suất chất lượng tại các địa phương có thể đóng vai trò lớn trong việc tạo ra sự thay đổi nhờ các giải pháp đổi mới sáng tạo.

Do đó, phong trào năng suất chất lượng không thể tồn tại độc lập mà cần kết hợp nó với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Điều này đang được thể hiện ở việc chính quyền địa phương đã tiên phong triển khai áp dụng thí điểm Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 18091 tại TP. Hải Phòng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một bước quan trọng để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và khuyến khích sự đổi mới trong quản lý, cung cấp dịch vụ công hướng tới phát triển bền vững.

Các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với năng suất, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Do đó, cần có các giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Từ đó, giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm mới thông qua cải thiện năng suất và đổi mới sáng tạo.