Nở rộ dự án sản xuất thiết bị cho thành phố thông minh
Ngành công nghiệp sản xuất các thiết bị cho thành phố thông minh tại TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu hình thành trong một năm trở lại đây.
Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) cho biết đã cấp phép cho 4 dự án đầu tư lĩnh vực vi cơ điện tử (MEMS) trong vòng một năm qua. Tổng giá trị 4 dự án hơn 2.128 tỷ đồng. Trong đó, dự án có vốn đầu tư lớn nhất là 770 tỷ đồng của một công ty Mỹ, giám đốc là doanh nhân Việt kiều.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng thành phố thông minh với công nghệ Internet vạn vật (IoT), cần số lượng lớn nhiều loại cảm biến khác nhau, đo lường các đặc tính như hóa học, quán tính, áp suất, ánh sáng, nhiệt độ, từ tính, âm thanh... Trong đó, công nghệ cảm biến MEMS đóng vai trò quan trọng.
"Cảm biến MEMS là công nghệ hứa hẹn đối với thành phố thông minh dùng IoT, vì các tính năng như kích thước nhỏ, hiệu suất đáng tin cậy, mức tiêu thụ năng lượng và giá thành thấp", Tiến sỹ Dzung Dao - Trưởng khoa Kỹ thuật cơ khí & Cơ điện tử Đại học Griffith (Australia) nhận xét.
Không chỉ thu hút đầu tư trong và ngoài nước, ông Lê Hoài Quốc - Trưởng ban SHTP cho biết Trung tâm Nghiên cứu triển khai của khu (SHTP Labs) cũng đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp của Mỹ và Nhật Bản như Hello Life, Microlux, Chinowa, MTEX...để nhận chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo, nghiên cứu sản xuất các loại chip riêng. Hiện tại, dự án sản xuất thử nghiệm 1.000 chip cảm biến áp suất đang được tiến hành.
Thậm chí, SHTP Labs đã nhận được đặt hàng từ Công ty thoát nước đô thị TP. Hồ Chí Minh (UDC) cho một hạng mục nâng cấp công nghệ hướng đến thành phố thông minh. Cụ thể, đơn vị này sẽ sản xuất 5 bộ thiết bị quan trắc ngập đô thị với các yêu cầu về đo lượng mưa, mực nước và xác thực hình ảnh hiện trường theo tiêu chuẩn cao.
TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh từ xuất phát điểm nền nghiên cứu và công nghiệp sản xuất thiết bị vi mạch chưa cao. Nghiên cứu về MEMS bắt đầu tại Việt Nam từ những năm 2000 tại một vài trường viện. Tuy nhiên, thành tựu còn hạn chế và chưa có trung tâm nào đầy đủ trang thiết bị cũng như đội kỹ thuật viên có chuyên môn.
Tuy nhiên, những chuyển động về thu hút đầu tư và nghiên cứu trong một năm qua đang góp phần tăng tính khả thi và chủ động nguồn vật tư thiết bị cho kế hoạch xây thành phố thông minh.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã ký kết với Bộ Khoa học & Công nghệ, Viettel, VNPT... thành lập Hội công nghệ vi mạch bán dẫn, hợp tác với Nhật Bản để đào tạo nhân lực chất lượng cao. Các dự án đầu tư vi mạch cũng được ưu ái
"Các dự án sản xuất vi mạch điện tử, mạch tích hợp, cảm biến được Thành phố đưa vào Chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư với mức hỗ trợ vay vốn cho mỗi dự án là 200 tỷ đồng", ông Phong nói.
Ngoài thu hút đầu tư, nhân lực đang là một vấn đề nóng đối với ngành công nghệ mới mẻ này. Theo tính toán của Giáo sư Susumu Sugiyama - Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản), để vận hành một nhà máy MEMS quy mô nhỏ với công suất 100.000 thiết bị mỗi tháng, thì cần có 50 lao động. Trong đó gồm 3 quản lý, 8 kỹ sư chuyên nghiệp và 39 nhân viên vận hành.
"Đã đến lúc có thể phát triển công đoạn sản xuất vi mạch (wafer) - công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất IC bán dẫn - tại Việt Nam. Tất nhiên, quy mô thế nào, sản phẩm nào phù hợp là do các doanh nghiệp cân nhắc. Nhưng về nguồn nhân lực, chúng ta không nên chờ đợi cho đủ mới làm, mà hãy bắt tay vừa làm vừa đào tạo phát triển", ông Nguyễn Xuân Thủy - Trưởng phòng quản lý Công ty MTEX VN nhận định.