Nâng cao vai trò hệ thống ngân hàng, đẩy lùi “tín dụng đen”
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tới đây, cơ quan quản lý sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tham gia vào tín dụng tiêu dùng nhằm đẩy lùi tín dụng đen.
Nguyên nhân khiến tín dụng đen lộng hành
Tại Hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn", Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an khẳng định, về thực hiện Chỉ thị 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, ngành, cùng nhiều giải pháp quyết liệt, thì tình hình tội phạm và vi phạm luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có những chuyển biến tích cực.
Nhận thức và ý thức của người dân cũng đang từng bước được nâng cao, tình trạng treo biển quảng cáo, dán tờ rơi, gửi tin nhắn dụ dỗ lôi kéo để cho vay đã giảm mạnh. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm luật liên quan đến tín dụng đen vẫn tiềm ẩn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Mặt khác, còn có một bộ phận người dân vay tiền để sử dụng có mục đích bất hợp pháp như mua ma túy, kinh doanh trái phép,...
Theo Thiếu tướng Hà, bên cạnh những ứng dụng hợp pháp trên không gian mạng, thì còn có những ứng dụng bất hợp pháp, thường xuyên thay đổi thông tin và khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay, thì bị đối tượng liên hệ chào mời, các ứng dụng này thường có khả năng truy cập thông tin của người vay để sử dụng cho mục đích khác. Có một số nguyên nhân tiêu biểu như sau:
Thứ nhất, là nguồn thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay tín dụng đen rất cao, tâm lý nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân trong các giao dịch dân sự đã tìm đến tín dụng đen để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.
Thứ hai, các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa đủ sức mạnh, chưa đủ răn đe phòng ngừa tội phạm.
Thứ ba, một phận người dân chưa được tiếp cận thuận lợi với tín dụng hợp pháp, công tác tuyên truyền phòng ngừa chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Trong khi đó, các đối tượng hoạt động tín dụng đen luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, để len lỏi và tiếp cận người dân.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh mà hệ thống ngân hàng có xu hướng không đáp ứng được, vì nhiều người khó tiếp cận nguồn vốn, do đó sẽ tìm đến tín dụng đen để vay tiền, đặc biệt là những người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động, những người mất việc làm, hoặc thanh thiếu niên thất nghiệp.
Thứ tư, nhiều người có tiền nhàn rỗi nhưng không có khả năng điều kiện kinh doanh, mà các lãi suất tiền gửi ngân hàng thì thấp, cho nên sẽ sử dụng tiền vào việc cho vay tín dụng đen.
“Hiện nay đã xuất hiện nhóm đối tượng móc nối với các đối tượng có tiền án tiền sự, kinh doanh mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng mạng xã hội và các phương tiện xã hội gây bức xúc trong nhân dân. Tín dụng đen sẽ là tội phạm nguồn để phát sinh các tội phạm khác như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chiếm đoạt tài sản,... tác động rất nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự xã hội”, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà nhấn mạnh.
Nâng cao vai trò của hệ thống ngân hàng
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong những năm qua, các cơ quan chức năng và ngành Ngân hàng đã nhận diện "tín dụng đen" một cách tương đối đầy đủ. Thủ tướng cũng đã có Chỉ thị 12 là căn cứ pháp lý để các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền mạnh tay với "tín dụng đen", trấn áp đẩy lùi hình thức này. Tuy nhiên, hiện nay tín dụng đen vẫn còn tồn tại ở một số địa phương gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
Theo Phó Thống đốc, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã luôn tạo điều kiện thuận lợi, ban hành văn bản pháp lý rõ ràng để các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính tiêu dùng, ngân hàng thương mại tăng cường cho vay tiêu dùng với người dân, nhất là với những khoản vay nhỏ lẻ, với những người dân có nhu cầu vay ngắn hạn, phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.
“Kết quả cho vay trực tiếp phục vụ đời sống đến nay là khoảng 2 triệu tỷ đồng trên dư nợ 10 triệu tỷ đồng của nền kinh tế, đây là con số không nhỏ và tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng phục vụ cho đời sống trực tiếp, thậm chí nhỏ lẻ đối với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và những người yếu thế vẫn cần tập trung hơn nữa.
Để làm được điều này, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tham gia vào tín dụng tiêu dùng, trước hết là các ngân hàng thương mại, đặc biệt là vai trò chủ lực của các NHTM có vốn nhà nước, hệ thống tài chính vi mô, Quỹ Tín dụng Nhân dân có thể vào cuộc đồng bộ một cách tích cực hơn với cơ chế thông thoáng hơn, sử dụng những công nghệ hiện đại, đưa tín dụng những món nhỏ, không lớn nhưng người dân có thể dễ dàng tiếp cận được”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cần sự vào cuộc của các Bộ ngành
Trong điều kiện dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để, mà còn diễn biến phức tạp, nhu cầu vay tiền tăng cao sẽ là điều kiện để tín dụng đen để tiếp tục phát triển từ nay đến cuối năm và thời gian tiếp theo.
Vị Thiếu tướng cho biết thêm, để nhận diện được các tội phạm và vi phạm luật như trên, chúng tôi có đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, Bộ Công an là cơ quan thường trực thực hiện Chỉ thị 12 báo cáo Chính phủ, đề nghị các Bộ, ngành địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa đấu tranh phòng chống tội phạm tín dụng đen, phù hợp với phương thức thủ đoạn tội phạm, nhất là trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Hai là, thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm tín dụng đen để người dân dễ tiếp cận, phù hợp với từng địa phương, từng nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tác động.
Ba là, tập trung tham mưu cấp Ủy chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, phối hợp với các Bộ ngành liên quan giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nắm bắt vướng mắc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, để góp phần tháo gỡ, giúp người dân vay tiền chính đáng phục hồi sản xuất, kinh doanh mà không phải tìm đến tín dụng đen.
Bốn là, ngân hàng cũng cần tăng cường đẩy mạnh các loại hình tín dụng, kịp thời khuyến khích hỗ trợ cho người có nhu cầu vay tín dụng.
Năm là, lực lượng công an sẽ tiếp tục siết chặt quản lý nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, đẩy mạnh công tác phát hiện, khởi tố, điều tra truy tố, xử lý nghiêm minh các tội phạm liên quan tín dụng đen. Để làm được điều này, thì một trong những yếu tố quan trọng là các tổ chức ngân hàng cần sớm cung cấp những thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Thực tế, quá trình xác minh điều tra liên quan đến tín dụng đen nói riêng và hoạt động tội phạm nói chung, thì có rất nhiều hoạt động tội phạm liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Sáu là, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng các tài khoản, số thuê bao điện thoại không chính chủ gây khó cho các cơ quan chức năng.
Vì qua điều tra các vụ án, tội phạm lừa đảo sử dụng các tài khoản ảo, số điện thoại không chính chủ rất phổ biến và gây khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình điều tra. Hiện nay, Bộ công an đã ban hành đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư căn cước công dân, cũng như triển khai kết nối các cơ sở dữ liệu này thì sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc.