Nâng chất bộ phận “một cửa" của hệ thống Kho bạc
(Tài chính) Sau gần 5 năm thực hiện quy trình giao dịch “một cửa” trong kiểm soát chi ngân sách Nhà nước qua hệ thống Kho bạc, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đảm bảo các yêu cầu về chi trả, thanh toán kịp thời cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách, góp phần cải cách hành chính, tạo sự minh bạch trong kiểm soát chi.
Nhanh và thân thiện
Bên cạnh công tác kiểm soát chặt các khoản chi, KBNN còn phải chi trả thanh toán kịp thời, đầy đủ, thuận tiện và thông thoáng, tạo tâm lý thoải mái cho khách hàng; lấy khách hàng và người dân là đối tượng trung tâm phục vụ.
Chính vì vậy, khi đưa mô hình “một cửa” đi vào hoạt động, KBNN hướng tới mục tiêu tạo bước chuyển mới trong phục vụ khách hàng; giảm thời gian và chi phí cho khách hàng thông qua việc khách hàng chỉ phải liên hệ với bộ phận chuyên trách từ khâu tiếp nhận hồ sơ, đóng dấu, trả kết quả cuối cùng…
KBNN các tỉnh, thành phố đã vào cuộc tích cực nhằm xây dựng hình ảnh mới với khách hàng. Có lẽ ấn tượng nhất chính là KBNN Đà Nẵng - một trong những đơn vị Kho bạc đi đầu trong cả nước triển khai mô hình “một cửa” nhanh và thân thiện.
KBNN Đà Nẵng đã đặt ra nhiệm vụ rút ngắn thời gian giải quyết công việc đối với một số thủ tục như: Mở và sử dụng tài khoản; trường hợp thanh toán một lần và thanh toán lần cuối đối với các thủ tục kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và vốn các chương trình mục tiêu.
Còn với mục tiêu thân thiện, KBNN Đà Nẵng đặt ra phải tôn trọng, lắng nghe, hòa nhã và lịch sự với khách hàng và đồng nghiệp khi giao tiếp; Nhẹ nhàng, vui vẻ theo đúng tiêu chuẩn văn minh, văn hóa nghề Kho bạc khi nói chuyện điện thoại, luôn nở nụ cười trong giao tiếp; Giải thich cặn kẽ, hướng dẫn tận tinh, chu đáo để tổ chức và công dân hiểu và gửi hồ sơ đảm bảo đầy đủ, chính xác, giúp đỡ các tổ chức và công dân tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ...
Điều này đã tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức có quan hệ giao dịch cũng như các cán bộ, công chức KBNN Đà Nẵng tiết kiệm thời gian xử lý hồ sơ, góp phần vào công tác cải cách hành chính chung của đơn vị. Nâng cao hình ảnh, vị thế của đội ngũ cán bộ, công chức Kho bạc với khách hàng.
Phương châm giải quyết hồ sơ nhanh và chính xác, tuân thủ quy định pháp luật cũng được quán triệt tới cán bộ, công chức làm công tác tại bộ phận “một cửa” của KBNN Tuyên Quang. Theo lãnh đạo KBNN Tuyên Quang, với việc thực hiện công tác tiếp nhận và trả hồ sơ kiểm soát chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ bộ phận tập trung một cửa sang hình thức mỗi giao dịch viên là “một cửa” đã có những đột phá căn bản. Theo đó, các đơn vị Kho bạc từ tỉnh đến huyện đã công khai thực hiện các thủ tục hồ sơ, quy trình, thời hạn giải quyết công việc với các đơn vị giao dịch trong kiểm soát chi ngân sách.
Để thực hiện quy trình hiệu quả, KBNN Tuyên Quang triển khai các biện pháp như: Tổ chức phổ biến tới cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát chi; tổ chức hội nghị khách hàng để thông báo chủ đầu tư; công khai các thủ tục hành chính, hồ sơ giao nhận, thời gian thực hiện để chủ đầu tư biết và phối hợp thực hiện. Kết quả thực hiện “một cửa” trong kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản đã đảm bảo tính công khai, minh bạch về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư đến giao dịch và thanh toán, đồng thời, phân định rõ nhiệm vụ của từng bộ phận, cá nhân trong các khâu kiểm soát, thanh toán giúp cho việc đẩy nhanh tiến độ thanh toán vốn đầu tư.
Nhìn ở khía cạnh khác, Giám đốc KBNN Yên Bái Bùi Văn Đinh cho rằng, đội ngũ cán bộ làm tại bộ phận “một cửa” thường xuyên tiếp xúc với tiền bạc, tài sản, công việc nhiều phức tạp, cám dỗ. Do vậy, đòi hỏi cán bộ phải có “nghệ thuật” khi giao tiếp với khách hàng, làm sao phải nhiệt tình và ứng xử hòa nhã, mềm dẻo, phải biết kiềm chế để xử lý mọi tình huống. Mặt khác, cán bộ lại phải có bản lĩnh chính trị cao để tránh xa tệ quan liêu, tham nhũng. Chính vì vậy, định kỳ KBNN Yên Bái tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, khách hàng để làm thước đo trong việc thực thi nhiệm vụ của CBCC Kho bạc. Đồng thời, công tác kiểm soát chi NSNN thông qua giao dịch “một cửa” của đơn vị luôn đảm bảo công khai các thủ tục hành chính trong hoạt động KBNN do Bộ Tài chính, UBND tỉnh quy định.
“Hàng năm kế hoạch cải cách hành chính của KBNN Yên Bái thực hiện theo các nội dung như: Cải cách thể chế, xây dựng và ban hành văn bản hành chính đi vào nề nếp, đúng thẩm quyền, đảm bảo trình tự, thủ tục; Rà soát các thủ tục hành chính để kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn quy định hiện hành. Đây cũng là cách để nâng cao hiệu quả hoạt động của KBNN Yên Bái” - Giám đốc Bùi Văn Đinh nói.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát chi
Cách đây không lâu, trong cuộc làm việc với Bộ Tài chính, Hải quan, Thuế, Kho bạc về cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, công tác cải cách của các ngành này đã đạt được những kết quả đáng biểu dương nhưng so với yêu cầu thực tế thì cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện, hiện đại. Cụ thể như: Triển khai có hiệu quả mô hình một cửa liên thông, tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2014. Theo đó, với hệ thống Kho bạc cần tiếp tục rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên cho các hoạt động sự nghiệp. Thực hiện công khai, minh bạch về thủ tục hành chính để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận và giám sát việc thực hiện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan đơn vị trong ngành Kho bạc; phát hiện và xử lý nghiêm CBCC có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 cũng đã đặt ra nhiệm vụ thống nhất quy trình và đầu mối kiểm soát các khoản chi của ngân sách Nhà nước, bao gồm các khoản chi từ nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài, các khoản chi ngân sách Nhà nước phát sinh ở trong và ngoài nước. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi, bảo đảm đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử.
Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho hệ thống KBNN sẽ phải nỗ lực không ngừng trong việc nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định ban hành quy trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình giao dịch.