Nâng chất cho gạo xuất khẩu
Gạo Việt Nam không chỉ tăng về lượng xuất khẩu, mà giá xuất khẩu cũng đang cao hơn một số quốc gia cùng xuất khẩu khác. Đây là thành quả của quá trình dài nâng cao chất lượng gạo.
Giá trị xuất khẩu gạo tăng cao
Tại Hội thảo "Khai thác các tiềm năng thị trường Vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA" do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hiện lượng gạo tập đoàn này xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU tăng cao từng năm. Trong đó, riêng xuất khẩu vào thị trường Anh đạt 20.000 tấn/năm.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng bởi để xuất khẩu gạo vào EU và thị trường Anh, doanh nghiệp phải tuân thủ rất nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm. “Cách đây vài năm rất khó khăn vào thị trường này vì không có quy trình, tiêu chuẩn rõ, gạo không đạt chuẩn. Từ năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời đã đầu tư vào chuỗi giá trị bền vững như giống, phân, thuốc dịch vụ nông nghiệp, hợp tác nông dân vận chuyển xuất khẩu. Nhờ đó, gạo của Lộc Trời mới thành công xuất khẩu sang EU và Anh”, ông Hiếu nói.
Bài học từ Lộc Trời cho thấy hình ảnh trái chiều của hạt gạo xuất khẩu trong những năm gần đây. Bởi chỉ cách đây 5-7 năm trước, xuất khẩu gạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Philippines, Indonesia bởi các thị trường này thường có nhu cầu lớn về gạo phẩm cấp thấp, trung bình. Tuy nhiên những năm trở lại đây khi Philippines chuyển đổi sang cơ chế nhập khẩu tư nhân thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng thích ứng dần khi sản xuất được gạo phẩm cấp cao hơn.
Gạo IR50404 từng chiếm 30-40% cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng hiện tại đã xuống dưới 10%, điều này cho thấy cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu phẩm cấp thấp và phẩm cấp cao của Việt Nam đảo ngược hoàn toàn. Đáng chú ý, các loại gạo thơm cao cấp mới của Việt Nam đang khiến thương nhân Thái Lan lo ngại không chỉ vì chất lượng mà còn có giá cao hơn gạo nước này. Ngoài ra, gạo nếp Việt Nam cũng là câu chuyện thần kỳ khi tổng khối lượng xuất khẩu nếp thế giới là 600-700 nghìn tấn thì riêng Việt Nam đang chiếm 70-80%.
Con số phân tích của Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong tháng 6 vừa qua cho thấy, sau khi bị giảm giá mạnh tới 25 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, tương đương giảm 22 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và giảm 10 USD/tấn đối với gạo 100% tấm, ngày 29/6/2022, giá gạo xuất khẩu của Pakistan đã xuống dưới 400 USD/tấn, chào bán với giá 398 USD/tấn, 384 USD/tấn và 378 USD/tấn (tính lần lượt gạo 5% tấm, 25% tấm và 100% tấm).
Sau 2 đợt điều chỉnh giảm, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng nhẹ trở lại từ 1-2 USD/tấn, trong đó, gạo 5% tấm và 25% tấm cùng tăng 2 USD/tấn, xuất khẩu với giá 409 USD/tấn (gạo 5% tấm và 403 USD/tấn (gạo 25% tấm). Gạo 100% tấm tăng 1 USD, bán ra với giá 394 USD/tấn.
Gạo Ấn Độ cũng ít bị điều chỉnh, tuy nhiên, quốc gia này chủ yếu xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp hoặc trung bình nên giá gạo không thể bứt phá. Hiện Ấn Độ đang xuất khẩu gạo với giá 343 USD/tấn (gạo 5% tấm), 328 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 323 USD/tấn (gạo 100% tấm).
Như vậy, hiện tại giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu trong nhóm 4 quốc gia xuất khẩu gạo truyền thống, gồm: Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Trong thời gian qua giá gạo xuất khẩu của các nước trồi sụt thất thường thì giá gạo của Việt Nam ổn định và đang dẫn đầu trong 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống.
Ngày 29/6/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 418 USD/tấn, gạo 25% tấm chào bán với giá 403 USD/tấn và gạo 100% tấm xuất khẩu với giá 383 USD/tấn.
Nhờ xuất khẩu ổn định, hiện tại giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 8 USD/tấn; cao hơn gạo Pakistan 20 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 75 USD/tấn.
So với đối thủ Thái Lan, hiện các giống gạo của Việt Nam đa dạng hơn, nhiều chủng giống mà Thái Lan, Campuchia không có nên có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan ở thị trường Philippines. Đối với gạo cấp cao hơn xuất sang thị trường châu Âu, gạo của Việt Nam cũng đang có vị thế rất tốt khi một số loại như Jasmine, ST24, ST25 không đủ bán… Đáng chú ý, Việt Nam không chỉ có thị trường mà còn có những loại gạo cạnh tranh như DT8, ST… Đây là sản phẩm đặc trưng mà Thái Lan không có.
Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng và thương hiệu gạo
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thị trường xuất khẩu gạo đang sôi động, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam.
Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước được khuyến cáo cần bảo đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới.
Bà Bùi Kim Thùy, Chuyên gia hội nhập, Hội đồng kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ chia sẻ, khâu khó nhất, ít người làm nhất là làm thương hiệu và rất ít doanh nghiệp Việt xuất khẩu sử dụng thương hiệu chính mình. Đây là điểm mà chúng ta cần khắc phục. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến phòng vệ thương mại vì khi xuất khẩu gạo số lượng lớn, trong thời gian ngắn vào một thị trường nào đó, Việt Nam có thể chịu nhiều rủi ro về thuế quan.
“Hiện nay, người dùng thế giới mở chú trọng vào “ăn ngon mặc đẹp”, ý thức ăn gì để cho khỏe, đẹp. Vì thế, chúng ta không chỉ tập trung an ninh lương thực, tăng số lượng mà còn phải tập trung để có sản phẩm tốt, có thương hiệu, chất lượng cao hướng đến người dùng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe. Gạo ST25 là thí dụ tốt cho hướng đi này”, bà Thùy chia sẻ.