Công ty đại chúng:
Nâng chuẩn, quy mô để dễ giám sát
Theo dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), công ty đại chúng (CTĐC) là công ty có vốn điều lệ (VĐL) đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên (hiện hành là 10 tỷ đồng), có tối thiểu 20% VĐL đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ.
Nâng điều kiện CTĐC
Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN, bày tỏ sự băn khoăn về tiêu chuẩn CTĐC vì quá rộng, không quản lý nổi. Vụ Giám sát CTĐC của UBCKNN hiện không có nhiều nhân sự nhưng đang phải quản lý hơn 1.000 CTĐC, nên nhiều khi không biết hết thông tin của DN. Do đó, quy định về CTĐC cần cách tiếp cận hẹp để có thể quản lý được. Nhìn nhận những DN không lên niêm yết, không giao dịch trên sàn, ông Vũ Bằng đề nghị cần nâng điều kiện CTĐC lên.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, cho rằng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng có mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước, trong đó có CTĐC, tổ chức tín dụng. Theo ước tính, hiện có khoảng 1.900 CTĐC, tổ chức tín dụng. Nếu trừ đi các tổ chức tín dụng, số lượng CTĐC còn khoảng 1.800 DN. Đây là con số quá lớn, vì vậy cần nâng cao điều kiện của CTĐC để có thể giám sát tốt hơn.
Cũng liên quan đến CTĐC, theo đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, quy định về công bố thông tin như dự thảo chưa hợp lý. Mặc dù dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã điều chỉnh mức VĐL của CTĐC lên 30 tỷ đồng, song giữa CTĐC có VĐL 30 tỷ đồng và CTĐC có VĐL hàng chục ngàn tỷ đồng, vẫn là khoảng cách quá lớn về tình hình doanh thu/tài sản, tổ chức hoạt động...
Mặt khác, đối với CTĐC là các tập đoàn lớn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con (tập đoàn/tổng công ty/công ty/chi nhánh) phải lập báo cáo tài chính hợp nhất/tổng hợp qua nhiều cấp, nhưng tất cả CTĐC đều được UBCKNN xem xét thời gian gia hạn tối đa 10 ngày cũng chưa thực sự phù hợp.
Do vậy, Bộ Tài chính cần quy định cụ thể nội dung, thời hạn công bố thông tin đối với từng loại hình CTĐC. Cụ thể, nên xem xét đến các yếu tố về quy mô vốn/tài sản/doanh thu, mô hình tổ chức hoạt động. Việc gia hạn thời gian công bố thông tin cũng nên xem xét đến tính chất phức tạp theo cấp độ của đối tượng lập báo cáo.
Thí dụ, gia hạn 5 ngày đối với CTĐC phải lập báo cáo tài chính hợp nhất từ các công ty con; gia hạn 10 ngày đối với CTĐC phải lập báo cáo tài chính hợp nhất từ các công ty con cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất.
Chế tài mạnh CTĐC chây ỳ
Theo Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital), căn cứ trên thực tế hoạt động, MB Capital nhận thấy những CTĐC có quy mô vốn nhỏ, còn ít kinh nghiệm trong công tác quản trị công ty, thiếu hiểu biết về các quy định trên TTCK, chưa đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu cao về quản trị công ty, công bố thông tin, kiểm toán và các nghĩa vụ khác của CTĐC theo quy định.
Ngoài ra, mức vốn 30 tỷ đồng khiến các nhà đầu tư tổ chức và quỹ đầu tư ít có cơ hội tham gia đầu tư vào DN. Việc chỉ tăng mức VĐL từ 10 tỷ đồng lên đến 30 tỷ đồng sau 12 năm thi hành và áp dụng Luật Chứng khoán chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường.
Từ những nhận định trên, MB Capital kiến nghị áp dụng mức VĐL của CTĐC là 50 tỷ đồng như trong dự thảo lần trước. Cũng theo MB Capital, dự thảo cần bổ sung chế tài đối với CTĐC chậm niêm yết và đăng ký giao dịch. Khi DN trở thành CTĐC tức có bước tiến về quản trị và phải cung cấp đầy đủ thông tin. DN phải công khai thông tin, chế độ quản trị nhất định.
Việc chậm niêm yết và đăng ký giao dịch gây ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông những DN này. Chế tài xử lý đối với DN vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chỉ là xử phạt hành chính. Tuy nhiên, chế tài này chưa tạo được tính răn đe đối với các DN. Vì vậy, cần tăng mức xử phạt hành chính hoặc bổ sung các chế tài khác đối với DN chậm niêm yết hoặc đăng ký giao dịch.
Phải có điều kiện 500 cổ đông, nghĩa là những DN không đủ lớn, UBCKNN không giám sát, chỉ giám sát những DN có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, chào bán chứng khoán và niêm yết, đăng ký giao dịch.
Ông Vũ Bằng,
Nguyên Chủ tịch UBCKNN
Nguyên Chủ tịch UBCKNN