Ra biển lớn: Doanh nghiệp nên chú trọng dịch vụ phát triển kinh doanh
Với tác động làm giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy cải tiến dịch vụ và sản phẩm… dịch vụ phát triển kinh doanh được coi là công cụ hữu dụng cho các doanh nghiệp. Song, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến dịch vụ này.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực tận dụng mọi cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì sự hỗ trợ của các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, như: tài chính, bảo hiểm, viễn thông, vận tải và hậu cần nhằm giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, chuyên nghiệp hóa, thúc đẩy cải tiến dịch vụ và sản phẩm của các doanh nghiệp, đặc biệt là cácdoanh nghiệp nhỏ và vừa là điều cần thiết.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với công cụ này. Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015 củaPhòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 13/04/2016, từ 60%-80% các doanh nghiệp không biết hoặc biết, nhưng không sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cơ bản nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là đối với các dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật hoặc nghiên cứu khảo sát thăm dò dư luận.
Về vấn đề này, trên báo Hải quan, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI nhận định, đúng ra các doanh nghiệp càng nhỏ thì lại càng cần thuê ngoài dịch vụ phát triển kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp này thường tự làm với lý do không đủ nguồn lực kinh tế để thuê ngoài.
“Tiêu biểu như dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, còn mang nặng tính gia đình nên nhiều chủ doanh nghiệp chưa đọc hiểu được báo cáo tài chính, nên thường chỉ nghĩ dịch vụ kế toán là ghi sổ, lập báo cáo thuế, hoặc làm với mục đích đối phó với các cơ quan nhà nước mà không biết đến các dịch vụ khác cũng như lợi ích của việc dịch vụ kế toán sẽ hỗ trợ việc quản lý doanh nghiệp phát triển. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm về vấn đề bảo mật thông tin khi giao chứng từ cho các đơn vị, cá nhân bên ngoài thực hiện”, bà Hằng đưa ví dụ.
Bên cạnh vấn đề nhận thức, chất lượng của các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng dịch vụ.
Chia sẻ khó khăn của chính doanh nghiệp mình, tại diễn đàn “Dịch vụ phát triển kinh doanh” ngày 13/04/2016, bà Từ Thị Bích Lộc, lãnh đạo một doanh nghiệp may tại Hà Nội cho biết, mặc dù rất muốn thuê các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, nhưng bởi hiện nay có quá nhiều gánh nặng về chi phí đổ lên đầu doanh nghiệp, như: chi phí bảo hiểm, lương cho công nhân... nên doanh nghiệp khó có thể đi thuê ngoài. Thậm chí, doanh nghiệp có tiền để đi thuê các dịch vụ phát triển kinh doanh này, như: tư vấn pháp luật… nhưng chất lượng không được đảm bảo, nên “ngại” đi.
Theo ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn ra biển lớn, thì cần phải có các công cụ hỗ trợ phát triển kinh doanh chuyên nghiệp và để làm được điều này, thì thị trường các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh phải phát triển nhanh chóng (An Tư, 2016).
“Hiện nay có 5 nhóm dịch vụ phát triển kinh doanh quan trọng, gồm: phân phối, tài chính, khoa học công nghệ, bưu chính viễn thông và vận tải kho bãi. Trong 5 nhóm này, cần thiết phải nghiên cứu xem phát triển nhóm nào trước nhóm nào sau. Bên cạnh đó, cần có một số định hướng để thúc đẩy hoạt động này. Cụ thể, là cần tạo ra xu hướng thuê ngoài đối với các công ty, doanh nghiệp, chuyển đổi nhận thức từ tự làm sang việc tìm đến các sản phẩm chuyên nghiệp do các công ty dịch vụ cung cấp”, ông Hùng cho biết.
Cũng nhận định về vấn đề này, tại diễn đàn “Dịch vụ phát triển kinh doanh” ngày 13/04/2016, theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhà nước phải là chất xúc tác để thị trường vận động thay vì làm thay công việc của các doanh nghiệp dịch vụ phát triển kinh doanh.
Về phía nhà cung cấp dịch vụ, ông Hùng cho rằng, các đơn vị cũng chưa thực sự có được chất lượng và giá cả hợp lý, lại khó tiếp cận. Do đó, cần phải có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về phía doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm kiếm những nhà cung cấp chất lượng, phù hợp với doanh nghiệp nhất, chứ không nên thụ động.