Linh hoạt điều hành tài khóa, mở rộng dư địa tăng trưởng bền vững

Trần Huyền

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, Việt Nam vẫn vững vàng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn. Một trong những "trụ cột" quan trọng tạo nên kết quả này là việc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, chặt chẽ và có trọng tâm, trọng điểm. Sự điều hành nhất quán này đã và đang tạo dựng dư địa tài khóa vững chắc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Ảnh: internet
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Ảnh: internet

Thu, chi ngân sách đổi mới, hiệu quả

Bức tranh kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2025 tiếp tục phủ gam màu xám với hàng loạt diễn biến phức tạp, khó lường. Các điểm nóng xung đột quân sự như Nga – Ukraine, Israel – Iran và một số quốc gia ở Trung Đông không ngừng leo thang, lan rộng. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, đặc biệt là chính sách áp thuế cao của Mỹ càng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu thêm phần rối loạn.

Lạm phát tuy có xu hướng hạ nhiệt nhưng chưa thực sự bền vững, trong khi nhiều quốc gia vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Giá năng lượng và nguyên liệu đầu vào tăng cao tiếp tục tạo áp lực nặng nề lên hoạt động sản xuất – kinh doanh, thương mại, đầu tư và tăng trưởng toàn cầu.

Trong nước, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, kinh tế - xã hội tiếp tục đà phục hồi tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào, thị trường tài chính và tiền tệ giữ ổn định.

Công tác giải ngân vốn đầu tư cũng chuyển biến rõ rệt, các dự án trọng điểm quốc gia được đẩy nhanh tiến độ, góp phần khai thông nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, các chính sách an sinh xã hội, cải cách thể chế, chuyển đổi số, sắp xếp bộ máy tiếp tục được triển khai quyết liệt.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều lực cản. Sức cầu nội địa phục hồi chậm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Một bộ phận doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn. Biến động tỷ giá, giá vàng cùng với thiên tai, dịch bệnh tiếp tục gây sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô và cân đối ngân sách.

Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2025, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kịp thời đề xuất, triển khai các chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8% trở lên, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững quốc phòng – an ninh và thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội.

Điều hành ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề quan trọng cho chặng đường phía trước. Chính sách tài khóa tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tiễn và ứng phó kịp thời với các biến động bất lợi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt khó, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước được tăng cường với nhiều giải pháp đồng bộ, từ cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ đến tích hợp các hoạt động quản lý thuế lên môi trường số, phát triển các dịch vụ thuế hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ. Việc mở rộng hóa đơn điện tử được đẩy nhanh. Trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 127 nghìn cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, vượt 41,3% chỉ tiêu cả năm 2025.

Bộ Tài chính cũng siết chặt quản lý nguồn thu, chống thất thu, đôn đốc và xử lý hiệu quả nợ đọng thuế; phối hợp quyết liệt trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... Với nhiều biện pháp đồng bộ được triển khai, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 69,4% dự toán, tăng 33,3% bất chấp việc đã thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến 107,7 nghìn tỷ đồng.

Cùng với nhiệm vụ thu, chi ngân sách được điều hành theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên. 10% chi thường xuyên tăng thêm được cắt giảm trong dự toán năm 2025 so với năm 2024 và tiếp tục tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên trong 7 tháng cuối năm để dồn lực đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Những khoản chi không thiết yếu, chậm triển khai hoặc chưa phân bổ cũng bị loại bỏ, tạo dư địa tài khóa đầu tư cho các mục tiêu ưu tiên.

Việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh nhằm tạo cú hích cho tăng trưởng, đồng thời bảo đảm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các nghị quyết, kết luận quan trọng của Trung ương, Quốc hội về mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Chính sách chi cũng hướng đến khơi thông các điểm nghẽn thể chế, hỗ trợ sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn, nâng cao hiệu quả, đồng thời gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chính sách miễn học phí cho học sinh công lập từ mầm non đến trung học phổ thông... Bội chi, nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia đều được kiểm soát chặt chẽ.

Đảm bảo nguồn lực cho tăng trưởng

Trong các tháng tới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ môi trường quốc tế, nhất là những biến động từ chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt là chính sách của Mỹ tạo áp lực lên môi trường kinh doanh, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và dòng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu, bão lũ... dự báo tiếp tục ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách trong 6 tháng cuối năm 2025. 

Trước những khó khăn này, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như các Bộ, ngành đã xác định rõ tinh thần đoàn kết, chủ động, linh hoạt và sáng tạo là chìa khóa để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm nay, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu dự toán ngân sách năm 2025, huy động đảm bảo nguồn lực đầu tư tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình chính trị - kinh tế thế giới và trong nước, nhất là chính sách của Mỹ và các nền kinh tế lớn, các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam. Từ đó chủ động đề xuất các biện pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác để ứng phó, xử lý kịp thời. 

Song song đó, công cuộc cải cách thể chế, hoàn thiện pháp luật tài chính – ngân sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng được Bộ Tài chính tiếp tục triển khai quyết liệt. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh và duy trì đà tăng trưởng.

Trong quản lý thu ngân sách, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; mở rộng cơ sở thu; phấn đấu tăng thu ngân sách năm 2025 cao nhất so dự toán, góp phần tạo nguồn lực cho cân đối ngân sách, tạo thêm nguồn tăng thu bổ sung cho chi đầu tư phát triển. 

Chi ngân sách tiếp tục điều hành chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên không cần thiết, ưu tiên đầu tư công cho các dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông chiến lược và chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần tạo động lực tăng trưởng và phát triển bền vững.

Ngoài ra, việc quản lý bội chi ngân sách, nợ công được thực hiện chặt chẽ và linh hoạt, tận dụng dư địa để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển trong khi vẫn đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Đồng thời, khung pháp lý và cơ chế kiểm tra, giám sát thị trường tài chính, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp được hoàn thiện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư và thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế.

Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa và thoái vốn tiếp tục được Bộ Tài chính xác định đẩy nhanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững. Việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính công cũng được đặt lên hàng đầu với các biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và minh bạch trong quản lý tài sản công, chống tham nhũng, lãng phí cùng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Với việc điều hành tài khóa linh hoạt, kết hợp cùng các giải pháp đồng bộ đã đề ra, nền kinh tế Việt Nam sẽ không chỉ ứng phó hiệu quả với những thách thức hiện tại mà còn tận dụng được các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao sức chống chịu trước các biến động trong tương lai.