Nên đầu tư cổ phiếu nào trong tháng 11?
Thị trường được dự báo tiếp tục lùi xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn và tích lũy trong biên giao dịch “sideway” trung hạn 1.000-1.160 điểm. Tuy nhiên, một số “tia sáng” mới cũng bắt đầu xuất hiện giữa “bầu trời” ảm đạm, mang đến kỳ vọng về xu hướng tăng của VN-Index sẽ nhanh chóng quay trở lại. Vậy, nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch ra sao?
VN-Index trải qua một tuần giao dịch nhiều cảm xúc. Cùng xu hướng tăng giá, thanh khoản thị trường là điểm sáng khi bật tăng lên mức trung bình là 18.000 tỷ đồng/phiên, vượt trội so với giá trị giao dịch 20 ngày trước đó.
Những "tia sáng" mới bắt đầu xuất hiện
Việc thị trường trải qua một nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 10 đã giúp cho định giá của VN-Index về vùng tương đối thấp trong lịch sử với hệ số P/E cơ bản ở mức 12,39 lần.
Bên cạnh đó, tâm lý của giới đầu tư trở nên tích cực hơn khi nỗi e ngại về tỷ giá và quá trình đánh giá lại cổ phiếu trên kết quả kinh doanh quý III đã hoàn tất.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng nhịp tăng của VN-Index vừa qua chủ yếu do lực cầu bắt đáy ngắn hạn tăng mạnh, khi giá thị trường được nhận định đã thấp dưới định giá và tâm lý đầu tư đã tích cực hơn, chứ chưa có một nền tảng đủ vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa cải thiện nhiều. Chưa kể, mặt bằng định giá của nhiều nhóm cổ phiếu hiện vẫn đang còn neo ở mức cao trong vòng 3 năm trở lại đây. Do đó, trong giai đoạn tới, chỉ số có thể đi ngang.
“Với xu hướng giảm điểm hiện vẫn đóng vai trò chủ đạo, chỉ số sẽ tiếp tục lùi xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn và tích lũy trở lại trước khi có cơ hội bước vào một nhịp tăng điểm trong trung hạn”, Chứng khoán KBSV nhận định.
Tương tự, Chứng khoán DSC dự báo thị trường tích lũy trong biên giao dịch “sideway” trung hạn 1.000-1.160 điểm.
Tuy nhiên, một số “tia sáng” mới cũng bắt đầu xuất hiện giữa “bầu trời” ảm đạm, mang đến kỳ vọng về xu hướng tăng của VN-Index sẽ nhanh chóng quay trở lại. Đó là việc giảm bán trong thời gian thị trường rớt mạnh. Dấu hiệu này cũng cho thấy VN-Index sẽ phục hồi mạnh mẽ một khi các yếu tố gây ra đợt bán tháo giảm bớt.
Bên cạnh đó, theo VinaCapital, tăng trưởng lợi nhuận EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) có thể sẽ phục hồi 35% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và tăng 20% trong năm sau khi tăng trưởng GDP đang tích cực hơn, hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc vào cuối năm.
Mặt khác, cuối tháng 11, thị trường sẽ hướng sự chú ý tới nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự luật sửa đổi liên quan thị trường bất động sản (BĐS) được thông qua, gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS. Nếu các dự luật sửa đổi này được thông qua sẽ là cú hích đối với triển vọng của nhóm doanh nghiệp BĐS.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước vừa phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Tín dụng đối với BĐS và phát triển nhà ở xã hội nhằm triển khai Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát đánh giá cụ thể tình hình thị trường BĐS và tín dụng BĐS, trao đổi thống nhất các biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án BĐS và khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng thương mại trong hoạt động tín dụng BĐS… góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.
“Trong bối cảnh tin xấu đi qua, những thông tin tích cực được kỳ vọng tạo "cú hích" cho thị trường chứng khoán sắp tới. Kỳ vọng dòng tiền thông minh sẽ vẫn tiếp tục chảy vào cổ phiếu, củng cố cho đà phục hồi của VN-Index”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Phân tích vĩ mô và Chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDirect nhận định.
Một số mã cổ phiếu có tiềm năng tăng mạnh từ 30-61%
Hơn nữa, với tỷ suất sinh lời tương đương 8,07%/năm, VN-Index vẫn được đánh giá là tương đối hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác, đặc biệt là kênh gửi tiết kiệm với lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng hiện chỉ ở mức 5,33%/năm.
Do đó, Chứng khoán DSC duy trì tỷ trọng cổ phiếu danh mục ở mức 65% và sẽ chỉ gia tăng thêm tại các nhịp rung lắc. Chiến lược giao dịch có thể linh hoạt gia tăng tỷ trọng, và chủ động trading cơ hội ngắn hạn. Dòng tiền dài hạn có thể tham gia giải ngân với cổ phiếu định giá cơ bản rẻ (P/B....).
“Trong kịch bản thị trường điều chỉnh tạo đáy 2, có thể giải ngân toàn bộ tài khoản để tham gia các nhóm ngành Chứng khoán, Thép. Bởi những nhóm ngành này đang ghi nhận tín hiệu dòng tiền sớm, kỳ vọng trở thành nhóm dẫn dắt trong trường hợp thị trường bùng nổ theo đà”, DSC khuyến nghị.
Nhìn xa hơn về nhóm ngành cổ phiếu có triển vọng lạc quan giai đoạn cuối năm nay và đầu năm 2024, theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xét lợi nhuận dự phòng 4 quý trong năm nay của các doanh nghiệp niêm yết, xu hướng tạo đáy đã bắt đầu từ quý I và kỳ vọng quý IV sẽ tăng trưởng trở lại. Hầu hết ngành nghề dự kiến đều có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn trong quý IV/2023 và năm 2024. Những ngành dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan là bán lẻ, nguyên vật liệu - bao gồm thép, bất động sản (chọn lọc doanh nghiệp có quỹ đất sạch, có tiềm năng kinh doanh), ngân hàng, dịch vụ phần mềm, hàng tiêu dùng, năng lượng, dược...
Riêng trong tháng 11, các công ty chứng khoán đưa ra nhận định, dự báo một số mã cổ phiếu có tiềm năng tăng mạnh từ 30-61%.
Cụ thể, Chứng khoán SSI đưa ra khuyến nghị các mã cổ phiếu tiềm năng tháng 11/2023 dựa trên xu hướng thị trường, tình hình kinh doanh, thông tin kinh tế vĩ mô, chính sách,… trong đó có 6 mã được kỳ vọng mang lại lợi nhuận trên 30%.
Đó là CTG (Vietinbank) tăng 30%, giá mục tiêu 36.000 đồng/cp; ACB (Ngân hàng ACB) tăng 41%, giá mục tiêu 30.100 đồng/cp; NT2 (Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2) tăng 42%, giá mục tiêu 32.200 đồng/cp; HSG (Tập đoàn Hoa Sen) tăng 45%, giá mục tiêu 24.700 đồng/cp; SSI (Chứng khoán SSI) tăng 48%, giá mực tiêu 38.000 đồng/cp; HHV (Đầu tư Hạ Tầng Giao thông Đèo Cả) tăng 61%, giá mục tiêu 20.400 đồng/cp.
Còn KBSV đưa ra danh mục khuyến nghị tháng 11 với 11 cổ phiếu gồm SSI, PNJ (VBĐQ Phú Nhuận), HHV, ACB, NT2, HSG, CTG, FPT (CTCP FPT), KBC (Phát triển đô thị Kinh Bắc) và VNM (Vinamilk).