Nên hay không có mức ưu đãi thuế riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 2, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đây được đánh giá là một trong những lực đẩy nhằm khuyến khích DNNVV phát triển, trong đó có chính sách thuế. Câu hỏi đặt ra là để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thì nên hay không nên quy định mức ưu đãi thuế riêng cho DNNVV?
Giảm thuế theo 3 cấp quy mô doanh nghiệp
Để hỗ trợ cho DNNVV, trong giai đoạn 2009-2012, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết nhằm miễn, giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DNNVV, góp phần khuyến khích những doanh nghiệp đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn có nhiều khó khăn… Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30.6.2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV và các văn bản pháp luật liên quan thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, chính sách và tổ chức thực hiện hỗ trợ DNNVV còn một số hạn chế, bất cập. Các chính sách quy định tại Nghị định 56 mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể dẫn đến kết quả hỗ trợ còn hạn chế, chính sách hỗ trợ chưa đi vào cuộc sống. Điển hình là các chính sách hỗ trợ tài chính, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ mua sắm công, ươm tạo doanh nghiệp...
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhằm khắc phục bất cập quy định tại Nghị định 56, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp quy định tại pháp luật thuế TNDN; Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
Việc giảm thuế TNDN theo 3 cấp quy mô doanh nghiệp của Nhà nước được xem như là một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng mức độ tích lũy của DNNVV, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với pháp luật thuế TNDN, dự thảo Luật chỉ quy định bổ sung đối tượng và các trường hợp được hưởng ưu đãi thuế TNDN và tham chiếu đến pháp luật thuế TNDN. Mức thuế suất, thời hạn miễn, giảm thuế TNDN được quy định hoặc sửa đổi, bổ sung tại pháp luật thuế TNDN.
Đồng thời, quán triệt tinh thần Nghị quyết 35/CP-NQ ngày 16/5/2016 của Chính phủ, dự thảo Luật quy định Chính phủ phải tiếp tục cải cách trình tự, thủ tục về thuế, chế độ kế toán cho DNNVV theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho DNNVV.
Kinh nghiệm quốc tế trong miễn, giảm thuế TNDN cho DNNVV cho thấy, nhiều quốc gia áp dụng thuế suất TNDN thấp hơn mức thông thường cho DNNVV. Các quốc gia trong khu vực cũng có các chính sách đối với DNNVV như doanh nghiệp nhỏ ở Malaysia được ưu đãi thuế suất TNDN 19% so với mức thông thường là 25%; DNNVV ở Singapore được miễn thuế TNDN một phần với các mức miễn 50% hoặc 75%; doanh nghiệp khởi nghiệp ở Singapore được miễn thuế tối đa 200.000 đôla Singapore mỗi năm trong 3 năm đầu hoạt động; Thái Lan miễn và áp thuế TNDN giảm ở mức 10% cho DNNVV cho các thời điểm khác nhau…Do đó, việc áp dụng chế độ hỗ trợ ưu đãi thuế đối với DNNVV ở nước ta là cần thiết.
Băn khoăn chính sách ưu đãi thuế
Nhấn mạnh về về việc cần thiết ban hành luật để tạo thuận lợi cho các DNNVV phát triển, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật này cho biết về cơ chế hỗ trợ tài chính vẫn còn có ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Luật, theo đó không quy định cụ thể về ưu đãi thuế trong dự thảo Luật mà tham chiếu đến pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định DNNVV được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn so với mức thuế TNDN chung trong dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ ba cho rằng, nên áp dụng một mức thuế thu nhập doanh nghiệp chung, không cần quy định về mức ưu đãi thuế riêng cho DNNVV. Theo lý giải của quan điểm này, thì cản trở hiện nay của DNNVV không phải là mức thuế mà là các thủ tục về thuế.
Do vậy, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hoá quy định báo cáo thuế cho DNNVV và kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trốn thuế, nợ đọng thuế để tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, hỗ trợ giảm thuế là hỗ trợ trực tiếp, mặc dù không nhằm vào hoạt động xuất khẩu, nhưng cần xem xét khả năng dẫn đến bị áp dụng các biện pháp về chống trợ cấp trong cam kết quốc tế (khoản 1 Điều 2 của Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO).
Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, với các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ tín dụng... không phải là trợ cấp và hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế của nước ta. Quy định cho DNNVV được áp dụng mức thuế suất thấp hơn so với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chung, quy định này cũng được một số nước áp dụng.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn hiện nay, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ, đánh giá tác động cụ thể việc giảm thuế suất cho DNNVV và các biện pháp hỗ trợ về thuế khác để nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai, nhưng không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước hiện tại.
Rõ ràng, việc ban hành chính sách để hỗ trợ DNNVV là cần thiết để thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển góp phần tạo lực đẩy chung cho nền kinh tế nước ta phát triển. Tuy nhiên, việc quy định chính sách thuế cho DNNVV cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở rà soát các chính sách hiện hành và căn cứ vào nguồn lực nội tại là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, Chính phủ đưa ra phương án tối ưu nhất hỗ trợ về thuế cho DNNVV và báo cáo QH xem xét.