RCEP hướng tới mục tiêu năm 2017 với khả năng thiếu vắng TPP

Theo baocongthuong.com.vn

Đầu tháng 12, Phiên đàm phán thứ 16 của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được tổ chức tại Indonesia với sự tham gia của 16 nước ở khu vực châu Á.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tiến trình đàm phán đã đạt được những kết quả nhất định và kế hoạch đàm phán cần được thúc đẩy nhanh trong năm 2017. Theo cách phân tích của các chuyên gia thương mại châu Á, vài vòng đàm phán gần đây có những diễn tiến khó khăn. Các vấn đề dễ đã được giải quyết sớm trong đàm phán, chủ yếu là các hàng hóa và các lĩnh vực nhạy cảm.

RCEP không phải là một tiến trình đàm phán đơn giản do có sự tham gia của 16 nước với các mức độ phát triển kinh tế khác nhau, từ Campuchia, Lào, Myanmar tới Nhật Bản và Singapore. Khối này có cả các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và cả các nước nhỏ như Brunei. RCEP cũng có cả các nước nông nghiệp phát triển như New Zealand, các trung tâm sản xuất như Thái Lan hoặc Việt Nam và có cả những nước phát triển dịch vụ như Hàn Quốc và Australia.

Hiệp định có khoảng 12 chương, bao trùm các lĩnh vực về tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, viễn thông, hải quan. Có một số quy tắc mới về tiêu chuẩn, một chương về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, một chương về hỗ trợ xây dựng năng lực và các mục tiêu phát triển.

Các cam kết cuối cùng có thể chưa phải sâu nhất hoặc rộng nhất được đàm phán trong một hiệp định thương mại, nhưng rất quan trọng. RCEP đặt ra các quy tắc về thương mại trong khu vực châu Á trong thập kỷ tới và sẽ giúp giải quyết tình trạng chồng chéo các hiệp định thương mại hiện đang diễn ra trong khu vực.

Không phải mọi quốc gia thành viên trong RCEP đều có mức độ quan tâm như nhau đối với hiệp định. Tiến trình RCEP được xây dựng bằng các hiệp định hiện có với ASEAN. Cấu trúc của RCEP do đó phụ thuộc vào thỏa thuận này, đó là sự hài hòa 5 hiệp định FTA ASEAN+1 giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand).

Vì vậy, RCEP được đàm phán với cách tiếp cận không thông thường. Trước tiên, 10 nước ASEAN nhóm họp để xác định quan điểm của minh trong bất kỳ vấn đề hoặc chương nội dung nào. Các đối tác của ASEAN có thể họp nội bộ. Sau đó, 16 nước tiến hành các phiên họp toàn thể. Cách tiếp cận nhiều bước này đã giúp ASEAN duy trì vị trí trung tâm trong RCEP.

Trong năm 2017, với hy vọng một số ít vấn đề trong RCEP sẽ phải xem xét lại chiến lược và cách tiếp cận nếu các thành viên muốn đạt được kết quả như mong muốn; một số xu hướng gợi ý rằng, các áp lực mà các nước thành viên gặp phải trở nên tham vọng hơn và to lớn hơn.

Thứ nhất, ASEAN mong muốn kết thúc đàm phán trong năm 2017 để chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập. Các nước thành viên ASEAN chắc chắn muốn tránh một kết quả thất vọng và vận hành tốt hơn về hội nhập khu vực.

Thứ hai, Chủ tịch ASEAN năm 2017 là Philippines và nước này muốn chủ trì kết thúc thành công đàm phán RCEP. Hội nghị cấp Bộ trưởng RCEP sẽ được tiến hành cùng với các hội nghị quan chức cao cấp ASEAN trong năm 2017 tại Philipines.

Thứ ba, quan điểm của Hoa Kỳ về việc rút khỏi Hiệp định TPP trong tháng 1/2017 sẽ làm thay đổi dự kiến của nhiều chính phủ trong RCEP.

Thứ tư, Trung Quốc đang là nước tích cực trong RCEP nhưng không định hướng các cuộc đàm phán. ASEAN đã thiết lập chương trình nghị sự. Mặc dù trước đó có nhiều thông tin phân tích khi bắt đầu khởi động RCEP cho rằng Trung Quốc sẽ dẫn dắt RCEP song điều này không xảy ra.

Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ quay lưng với thương mại ở châu Á, Trung Quốc hiện có động cơ để có một thỏa thuận trong RCEP. RCEP đã sẵn sàng để “thiết lập quy tắc của trò chơi” trong khu vực. Do Trung Quốc liên quan đến nhiều vấn đề trong RCEP và ngoài ASEAN nên sẽ quan tâm và chắc chắn muốn thể hiện khả năng lãnh đạo của mình về thương mại.

Thứ năm, nếu TPP không thành hiện thực (hoặc sẽ thành hiện thực mà không có sự tham gia của người Mỹ), 7 nước (Australia, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam) trong cả TPP và RCEP phải thận trọng hơn bây giờ. Về điểm này, 7 nước có thể có cách nhìn thoải mái hơn về chất lượng chung của RCEP.

Với khả năng thiếu vắng TPP, 7 nước sẽ quan tâm hơn về RCEP nên một kết quả đàm phán yếu sẽ không thể chấp nhận được nữa. Vì vậy, tại phiên đàm phán RCEP tiếp theo ở Nhật Bản vào cuối tháng 2/2017, cuộc đàm phán chắc chắn sẽ có đặc trưng rất khác nhau.

Tuy nhiên, để thực sự có một hiệp định mà nhiều thành viên mong muốn và cần tham gia thì phải có thời gian để thực hiện một cách tiếp cận khác. Với cách tiếp cận theo kiểu hai nhóm ASEAN và các đối tác AFP thì sẽ không có nhiều ý nghĩa khi hiệp định bước vào các phiên cuối cùng. ASEAN đã thực hiện công việc tuyệt vời trong thiết lập đàm phán, giúp mỗi bên đưa ra ý tưởng, vấn đề và tiến hành cẩn thận.

Mặc dù vậy, cuối cùng RCEP là nhằm thiết lập quy tắc cho 16 quốc gia ở châu Á nên trong giai đoạn cuối, hiệp định được đàm phán là hiệp định của 16 quốc gia chứ không phải là của hai khối đang tìm quan điểm chung. Việc thay đổi cơ cấu của đàm phán có thể giúp các nước thành viên đạt được tốt hơn các mục tiêu tham vọng mà họ đã tự đặt ra cho mình trong năm 2017.