Nền kinh tế có hấp thụ hết 520.000 tỷ đồng trong tháng cuối năm?


Cuối năm thường là mùa kinh doanh sôi động nhất, do nhu cầu tiêu dùng và sản xuất tăng cao. Mặt bằng lãi suất hiện được duy trì ổn định ở mức tương đối thấp, nên cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đang tận dụng thời điểm này để đẩy mạnh vay và cho vay.

Trong 6 tuần cuối năm 2024, ngành ngân hàng còn dư địa bơm ra nền kinh tế khoảng 520.000 tỷ đồng.
Trong 6 tuần cuối năm 2024, ngành ngân hàng còn dư địa bơm ra nền kinh tế khoảng 520.000 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 22/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023. Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15%, tương đương với hơn 2 triệu tỷ đồng đưa ra nền kinh tế, thì dư địa tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trong 6 tuần cuối năm 2024 là khoảng 520.000 tỷ đồng.

Nhu cầu vốn cuối năm tăng mạnh

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa phục vụ mùa Noel, Tết dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang gấp rút chuẩn bị các đơn hàng để cung ứng ra thị trường. Nhu cầu vốn lưu động vì thế cũng tăng mạnh.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, lãnh đạo LPBank cho biết, tính đến cuối tháng 10/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 18%, gần hết room tín dụng tạm thời phân bổ.

Trong bối cảnh đó, nhằm kịp thời đáp ứng vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, NHNN vừa tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng. Đây là đợt nới room tín dụng thứ 2 trong năm nay.

Ông Nguyễn Thế Dân - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Bản Việt cho rằng room tín dụng tăng thêm từ 2-3%, ngân hàng sẽ có thêm từ 2.000-3.000 tỷ đồng để cấp vốn cho nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, tiêu dùng tăng lên, ngân hàng có dư địa để tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, hiện nay, những khách hàng sản xuất hay doanh nghiệp lớn cũng đang phát sinh nhu cầu tín dụng rất cao, nên các ngân hàng có dư địa để tăng tín dụng trong tháng cuối năm.

Các chuyên gia đánh giá chính sách nới chỉ tiêu tín dụng của NHNN sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong việc giành room tín dụng và thị phần.

Trước đó, trao đổi về cách thức phân bổ room tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Nếu như những năm trước đây, room tín dụng là cấp phát, phân bổ thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu đạt chỉ tiêu. Năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không đến room, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Những ngân hàng tăng trưởng âm, tăng trưởng thấp đó có thể do chưa mạnh dạn tăng trưởng.

Theo đó, những ngân hàng nào không cho vay được thì sẽ bị điều chuyển hạn mức tín dụng sang ngân hàng khác.

Lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp

Bên cạnh nới room cho các nhà băng, NHNN cũng đang kêu gọi các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm lãi suất nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trong tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Một số lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, do áp lực vốn tăng vào cuối năm nên mặt bằng lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng gần đây đã nhích tăng, từ 0,1 - 0,5%/năm, chủ yếu ở những kỳ hạn dài.

Chuyên gia phân tích Công ty Chứng Rồng Việt (VDSC) đánh giá, thị trường có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt thanh khoản.

Cụ thể, trong tháng 11, lãi suất cho vay liên ngân hàng liên tục tăng cao, có lúc chạm 5%/năm ở kỳ hạn qua đêm, nhưng sang tháng 12 đã “hạ nhiệt”, phiên giao dịch ngày 3/12 chỉ còn ở mức 4,18%/năm.

Dấu hiệu thanh khoản căng thẳng của thị trường còn thể hiện ở việc NHNN tăng mạnh bơm ròng ra thị trường. Tính đến ngày 20/11/2024, NHNN bơm ròng khoảng 110.000 tỷ đồng trên thị trường mở. Trong khi tháng trước, NHNN thậm chí phải hút ròng 124.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, VDSC cho rằng, trong tháng 11/2024, số thành viên tham gia/trúng thầu ở kênh cầm cố luôn ở mức cao, cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng trên diện rộng.

Khảo sát trên thị trường trong tháng 11 tới nay đã có một nửa số ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó có nhiều ngân hàng nhỏ như SeABank, BaoViet Bank, GPBank, Nam A Bank, Viet A Bank, ABBank, VietBank… Hiện có tới 13 ngân hàng trên thị trường áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn cao nhất trên 6%/năm.

Mặc dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay ra của các ngân hàng cũng không mấy biến động. Đối với các khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng duy trì mức giảm lãi suất sâu, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp với mức lãi suất từ 2,9% trở lên.

“Mặc dù việc giảm giá sâu sẽ dẫn đến làm giảm lợi nhuận ngắn hạn, nhưng đây là bước tạo điều kiện phát triển bền vững cho cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng khi sản xuất kinh doanh được phục hồi trong thời gian tới”, lãnh đạo một ngân hàng nhìn nhận.

Dự báo doanh số bán hàng điện gia dụng tăng cao trong tháng cuối năm, nên để có thể nhập thêm hàng về bán, ông Hoàng Tuấn Linh - Giám đốc Công ty THHH Tuấn Linh đang cân nhắc kế hoạch vay thêm vốn do lãi suất đang ở mức hợp lý.

“Những tháng đầu năm, lãi suất cho vay ở mức 5,8-6%, hiện tại gần như không có thay đổi. Tuy nhiên, do nhu cầu nội địa đang tăng, nên các doanh nghiệp tăng vay ở các ngân hàng”, ông Linh nói.

Các chuyên gia cũng lưu ý, phần tăng trưởng tín dụng được phân bổ thêm, các ngân hàng phải lựa chọn khách hàng cho vay kỹ càng, thận trọng. Không nên vì cố gắng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng được giao mà lựa chọn cho vay “lỏng tay” trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế có thể vẫn chưa phục hồi theo kịp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được mở rộng. Bởi điều này có thể kéo theo rủi ro tín dụng tiềm ẩn lại phát sinh trong giai đoạn kế tiếp.

Do vậy, NHNN đã yêu cầu các nhà băng cần triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng kinh tế. Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN yêu cầu kiểm soát chặt chẽ để hạn chế các nguy cơ bất ổn.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn