Kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững
(Tài chính) Sự kiện kinh tế nổi bật trong tuần qua là công bố của Chính phủ về kết quả tăng trưởng quý đầu năm đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong khoảng 5 năm trở lại đây, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Dù đánh giá cao kết quả này, song các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là kết quả bước đầu, cần quyết liệt hơn trong quản lý, điều hành thời gian tới, đặc biệt là tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo công bố của Chính phủ, mức tăng trưởng GDP trong quý I.2015 ước đạt 6,03% - là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây. Các chuyên gia cho rằng, kết quả này đạt được là do những giải pháp điều hành của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của bộ, ngành và doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh đã được chỉ đạo và triển khai khá quyết liệt, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Điều này đã tạo động lực giúp các ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng trưởng cao.
Nhưng từ các số liệu của Tổng cục Thống kê, giới phân tích cũng chỉ ra rằng một số lĩnh vực vốn là thế mạnh nhưng vẫn chưa được phát huy trong quý đầu năm nay, đó là xuất khẩu và nông nghiệp. Điều này cũng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thừa nhận tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ quý đầu năm. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp trong 3 tháng đầu năm có dấu hiệu giảm, nhiều cây chủ lực bị giảm cả về giá và sản lượng xuất khẩu. Điều này khiến xuất khẩu nông, thủy sản trong quý I chỉ đạt khoảng 800 triệu USD. Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định, Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Để kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiên trì thực hiện những mục tiêu Chính phủ và các bộ, ngành đã đề ra từ đầu năm. Đặc biệt, kiểm soát lạm phát phải gắn với tăng trưởng kinh tế. Nên coi việc chỉ số CPI trong quý I tăng nhẹ là tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng kinh tế, không nên nhìn nhận dưới góc độ chỉ có tiêu cực. Bởi điều này cho thấy sức mua được cải thiện, trong khi việc điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu đã nằm trong lộ trình, được tính toán cẩn trọng, không làm ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô.
Tất nhiên, cùng với việc tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế để môi trường kinh doanh nước ta không thể xếp ở cuối bảng các nước ASEAN 6 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, thì mỗi doanh nghiệp cần tích cực hơn trong tiếp cận thị trường và chuyển dần sang mô hình mới phù hợp với tái cơ cấu nền kinh tế. Các đơn vị cũng cần nâng cao chất lượng quản trị, nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất lao động, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.