Nền kinh tế đợi giải pháp đúng tầm

Theo Báo Đầu tư.

Những khởi sắc của nền kinh tế, chủ yếu dựa trên các con số định lượng theo hướng quý sau tốt hơn quý trước chưa đủ để giới chuyên gia kinh tế bớt lo ngại về những dấu hiệu bất ổn có thể kéo dài sau năm 2012.

Lãng phí chiến lược

Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, hình mẫu một thời của công nghiệp hàng hải Việt Nam đáng buồn lại đang trở thành biểu tượng của cái gọi là lãng phí chiến lược, theo cách dùng chữ của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2012 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì vừa kết thúc cuối tuần trước tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sau 15 năm được khởi xướng, dự án cảng trung chuyển chiến lược này vẫn nằm yên trên giấy, cho dù vốn đầu tư đã đội từ 3.000 tỷ đồng vào năm 2007 lên tới 6.000 tỷ đồng vào thời điểm khởi công dự án (năm 2009). Hiện giờ, khi dự án buộc phải dừng lại, con số này đã được đẩy lên tới hơn 10.000 tỷ đồng và có vẻ như vẫn chưa phải là con số cuối cùng. “Số tiền bị thất thoát do nguồn lực của Cảng Vân Phong không được khai thác vào khoảng 336 triệu USD/năm. Bỏ hoang tài nguyên chiến lược, dù với bất cứ lý do nào, đó là sự lãng phí lớn nhất”, ông Thiên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Thiên, vấn đề không phải chỉ là một vài biểu tượng lãng phí, mà là nền kinh tế Việt Nam năm 2012 đã bộc lộ rõ nhất tính nghiêm trọng của các vấn đề lớn, đã tích nén từ nhiều năm. Thậm chí, nguy cơ rủi ro hệ thống và “vỡ trận” cũng đang được giới chuyên gia kinh tế cảnh báo ở mức cao.

“Từ khi thực hiện cơ chế phân cấp đầu tư, vào năm 2006, số dự án đầu tư công, quy mô hoành tráng tăng vọt. Năm 2012, cả nước có tới 38.420 dự án đầu tư công. Đa số dự án đều dở dang, kéo dài hoặc không hoàn thành”, ông Thiên nói và phân tích, nguyên nhân là tư duy muốn làm tất cả, muốn giải quyết thật nhanh nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong thời gian rất ngắn.

Đó là chưa kể những vụ đầu tư lãng phí do “gà tức nhau tiếng gáy”, địa phương khác có thì địa phương này cũng phải có, nhất là các dự án cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nhà máy thép, xi măng, sân golf... bất chấp hiệu quả kinh tế.

Đáng lo ngại là, các dự án, nhà máy theo quy hoạch phát triển, gồm cả quy hoạch không gian lẫn quy hoạch liên kết, không được thực hiện, thực hiện chậm tiến độ sẽ phá vỡ nhịp độ phát triển toàn bộ nền kinh tế và làm hỏng các tính toán chiến lược.

Doanh nghiệp vỡ trận

Doanh nghiệp đang gặp khó khăn một cách toàn diện. Theo tính toán của ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, giảm cầu tác động tới 2/3 số doanh nghiệp; tiếp đến là khó tiếp cận vốn (53,6% số doanh nghiệp chịu trận); 49,2% doanh nghiệp khó mua nguyên liệu đầu vào; những bất ổn vĩ mô đã gây khó khăn cho 23,6% số doanh nghiệp; nhu cầu thị trường nước ngoài suy giảm gây khó khăn cho 10 % số doanh nghiệp...

Tuy nhiên, mọi khó khăn không phải bắt đầu từ năm 2012. Chính những chính sách hỗ trợ tăng trưởng theo mô hình cũ trong giai đoạn 2006 - 2007 là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn tới lạm phát cao và bất ổn vĩ mô của những năm tiếp theo.

“Một nguồn đầu tư và cung khổng lồ đã bị dẫn dắt bởi lực cầu ảo. Nay cầu suy giảm, trở về mức thực tế của nó, đã tạo nên sự chênh lệch lớn giữa cung - cầu thị trường bất động sản. Chính sự đầu tư thái quá nhằm tìm kiếm lợi nhuận của một bộ phận doanh nghiệp cũng là nguyên nhân gây nên khó khăn hoặc gia tăng mức độ khó khăn hôm nay của doanh nghiệp”, ông Cung thẳng thắn.

Không dừng ở đó, tình trạng nợ nần của các địa phương cũng đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó khăn hơn. Báo cáo thẩm tra mới nhất của các ủy ban của Quốc hội cho biết, năm 2011, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành phố lên tới 91.273 tỷ đồng.

Cơ hội xoay chuyển

Các chuyên gia kinh tế tham gia Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2012 khẳng định rõ, những gì đã và đang xảy ra trong nền kinh tế, về nguyên tắc, đều đã được chỉ ra, đã được dự báo. Vấn đề nằm ở chỗ, các giải pháp tháo gỡ so với các năm trước vẫn chưa được chú ý đúng mức, chưa được đặt đúng tầm.

Đây là lý do khiến nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khó có cơ sở để đạt tăng trưởng cao vào năm 2013.

“Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 có thể và nên chỉ đặt ở mức 3-4% và cũng chỉ được coi là mục tiêu định hướng”, ông Thiên nói và cho rằng, nguy cơ lạm phát cao hơn cũng nổi lên, đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên dồn sức cho nhiệm vụ tái lập ổn định vĩ mô.

Cụ thể, phải thoát khỏi tầm nhìn hàng năm, triển khai kế hoạch 3 năm – kế hoạch phục hồi sau khủng hoảng.

“Chính quyền các cấp trả ngay cho các doanh nghiệp các khoản nợ đọng công trình lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, coi đây là giải pháp cơ bản để “cấp cứu” doanh nghiệp mà không làm “vỡ trận”, ông Thiên nói.

Ý kiến - Nhận định

Tồn tại tại đã lâu”

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

Các vấn đề của nền kinh tế thuộc về cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng đã tồn tại rất lâu. Chúng ta đã không kiên quyết, phản ứng chính sách trước những biến động không chính xác.

Vì vậy, chúng ta đã có những bước tiến, nhưng rất mong manh, dễ vỡ.

Cải cách ngân hàng”

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam - Lào

Việt Nam đang có vấn đề lớn về hệ thống ngân hàng, tác động đến nền kinh tế vĩ mô.

Nếu vấn đề ngân hàng vẫn tồn tại như hiện nay thì không thể giải quyết được các vấn đề của kinh tế vĩ mô.

Lấy lại niềm tin”

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Tôi đồng ý với kế hoạch 3 năm để phục hồi và tái cơ cấu nền kinh tế, vì để giải quyết những vấn đề cấp bách, không thể đề ra kế hoạch dài hạn tới 5 năm.

Mục tiêu là phải lấy lại niềm tin, với những hành động cụ thể như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dưới 20%.