Nền tảng cho cải cách quản lý ngân quỹ Nhà nước
Ngày 05/4/2016, Chính phủ ban hình Nghị định số 24/2016/NĐ-CP quy định chế độ quản lý ngân quỹ Nhà nước (Nghị định 24). Đây là văn bản có tính pháp lý cao, hoàn chỉnh và đồng bộ để điều chỉnh hoạn động quản lý ngân quỹ Nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý ngân quỹ Nhà nước với quản lý ngân sách Nhà nước; cơ sở để xây dựng hệ thống dự báo luồng tiền…
Theo đó, ngân quỹ Nhà nước (NQNN) được quản lý dựa trên các nguyên tắc như: (i) Thực hiện quản lý NQNN tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống KBNN; (ii) thực hiện tập trung nhanh mọi nguồn thu nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại KBNN; (iii) đảm bảo an toàn và có hiệu quả, gắn kết quản lý NQNN với quản lý NSNN và quản lý nợ công.
Nghị định 24 gồm 04 chương, 19 điều. Trong đó, Chương I quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ và nguyên tắc quản lý NQNN. Chương II gồm 8 điều, quy định về nghiệp vụ quản lý NQNN bao gồm: Phương án điều hành NQNN; dự báo luồng tiền; sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi; biện pháp xử lý NQNN tạm thời thiếu hụt; quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý NQNN; tài khoản thanh toán tập trung; mở tài khoản, trả lãi và thu phí; thu, chi từ hoạt động quản lý NQNN. Cụ thể:
Phương án điều hành ngân quỹ Nhà nước và dự báo luồng tiền
Việc quản lý NQNN được thực hiện theo phương án điều hành NQNN quý, năm được Bộ Tài chính phê duyệt; định kỳ hằng quý KBNN xây dựng phương án điều hành NQNN trình Bộ Tài chính phê duyệt trước khi thực hiện. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về việc dự báo luồng tiền bao gồm dự báo thu, chi NQNN và xác định nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi hoặc thiếu hụt trong kỳ.
Sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi
NQNN tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo các thứ tự ưu tiên sau: (i) Tạm ứng cho ngân sách trung ương; (ii) tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh; (iii) gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam (trong đó, ưu tiên gửi tại NHTM có tính an toàn cao hơn, khả năng thanh khoản tốt hơn và có mức lãi suất cao hơn); (iv) mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ. Các khoản NQNN tạm thời nhàn rỗi được sử dụng để tạm ứng cho NSNN có thời hạn không quá 01 năm; trường hợp khó khăn, được gia hạn tạm ứng với thời hạn không quá 01 năm. Đối với các khoản sử dụng NQNN còn lại, thời hạn tối đa không quá 03 tháng.
Biện pháp xử lý ngân quỹ Nhà nước tạ thời thiếu hụt
Trường hợp tạm thời thiếu hụt, NQNN được bù đắp từ việc phát hành tín phiếu kho bạc hoặc thu hồi trước hạn các khoản đang gửi có kỳ hạn tại các NHTM. Số vay bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt được hạch toán riêng và không tính vào bội chi NSNN; đồng thời, chi trả lãi vay là khoản chi nghiệp vụ quản lý NQNN do việc vay bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt chỉ là biện pháp để đảm bảo cân đối thu, chi trong hoạt động nghiệp vụ quản lý NQNN của KBNN; đồng thời, kỳ hạn vay ngắn phù hợp với tính chất thiếu hụt tạm thời của NQNN. Việc phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt có kỳ hạn tối đa không quá 03 tháng; quy trình, thủ tục phát hành được thực hiện theo quy định hiện hành về phát hành TPCP.
Quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ Nhà nước
Để việc quản lý NQNN được an toàn, Nghị định 24 cũng quy định về việc quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý NQNN. Các rủi ro trong hoạt động quản lý NQNN bao gồm: Rủi ro thanh toán (phát sinh khi nguồn thu không đáp ứng đủ nhiệm vụ chi, các khoản sử dụng NQNN chưa đến hạn thu hồi hoặc các khoản vay bù đắp NQNN không đủ); rủi ro trong hoạt động sử dụng NQNN (phát sinh khi các khoản sử dụng NQNN có khả năng ko thu hồi kịp thời, đầy đủ khi đến hạn, hoặc do bất lợi về lãi suất, biến động về tỷ giá hối đoái); các loại rủi ro khác.
Biện pháp phòng ngừa rủi ro bao gồm quy định hạn mức tạm ứng cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh (hạn mức tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh đảm bảo nguyên tắc tổng dư nợ tạm ứng và các khoản dư nợ khác của ngân sách cấp tỉnh không vượt quá mức cho phép huy động tối đa theo quy định của Luật NSNN); quy định hạn mức sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để gửi có kỳ hạn tại NHTM, mua lại có kỳ hạn TPCP; xác định định mức tồn NQNN tối thiểu mà KBNN phải duy trì để’ đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả.
KBNN triển khai đầy đủ, đồng bộ các biện pháp để giảm thiểu và phòng ngừa rủi ro trong quản lý NQNN, cụ thể: (i) Chỉ được sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho các mục đích đã được quy định; đồng thời, tuân thủ các hạn mức quy định; (ii) thực hiện tự kiểm tra, giám sát nội bộ theo quy trình quy định về quản lý NQNN sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt; (iii) xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để’ việc quản lý NQNN luôn được an toàn và theo đúng quy định; (iv) thực hiện các biện pháp giảm thiểu và phòng ngừa rủi ro khác.
Tài khoản thanh toán tập trung
Nghị định 24 quy định tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại ngân hàng là hệ thống các tài khoản thanh toán, bao gồm: (i) Tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại NHNN Việt Nam; (ii) tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại các NHTM. Các tài khoản thanh toán của KBNN tại ngân hàng được sử dụng để thu, chi NQNN và thực hiện các giao dịch về sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi hoặc vay bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt. Cuối ngày, số phát sinh thu, chi trên các tài khoản thanh toán của KBNN đều phải được tập trung về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại trung ương theo quy trình thanh toán giữa KBNN với ngân hàng.
Mở tài khoản, trả lãi và thu phí
Quy định về mở tài khoản, thanh toán, trả lãi và thu phí đã được quy định tại Luật NSNN, Luật Quản lý thuế' và các Nghị định hướng dẫn... Tuy nhiên, để bổ sung, làm rõ và hệ thống hóa các quy định về việc thanh toán, trả lãi và thu phí của KBNN, Nghị định 24 quy định về trả lãi và thu phí thanh toán của KBNN như sau:
Các đối tượng mở tài khoản tại KBNN:
(i) Quỹ NSNN, quỹ dự trữ tài chính Nhà nước; (ii) Các đơn vị sử dụng kinh phí NSNN, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các tổ chức được NSNN hỗ trợ thường xuyên phải mở tài khoản tại KBNN theo quy định của Luật NSNN để giao dịch, thanh toán; (iii) cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mở tài khoản tạm thu, tạm giữ; các đơn vị dự toán mở tài khoản tiền gửi; (iv) các quỹ tài chính Nhà nước và các đơn vị, tổ chức kinh tế khác mở tài khoản tiền gửi tại KBNN theo quy định của pháp luật; (v) các đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ có thể’ mở tài khoản tại KBNN hoặc NHTM để thực hiện khoản thu, chi dịch vụ, liên doanh, liên kết.
Về trả lãi, thu phí thanh toán:
Các đối tượng được Bộ Tài chính (KBNN) trả lãi: Quỹ dự trữ tài chính; các quỹ tài chính Nhà nước gửi tại KBNN; tiền gửi của các đơn vị, tổ chức không có nguồn gốc từ NSNN mở tại KBNN. Mức lãi suất được thực hiện theo mức lãi suất mà NHNN trả cho KBNN tương tự như các quy định hiện hành. Các đối tượng này cũng phải trả phí thanh toán, mức phí được thực hiện theo mức phí mà ngân hàng thu đối với KBNN;
Các đối tượng không được KBNN trả lãi: Tồn quỹ ngân sách các cấp và tiền gửi của các đơn vị, tổ chức có nguồn gốc từ NSNN;
Các đối tượng không phải trả phí thanh toán, bao gồm: Các khoản thanh toán của NSNN; quỹ dự trữ tài chính thuộc NSTW và ngân sách cấp tỉnh; các quỹ tài chính Nhà nước và tiền gửi của các đơn vị, tổ chức có nguồn gốc từ NSNN tại KBNN.
Chương III của Nghị định 24 quy định nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động quản lý NQNN của Bộ Tài chính; NHNN Việt Nam; các Bộ, ngành và địa phương; KBNN; các NHTM và các đơn vị giao dịch với KBNN.
Nghị định 24 có hiệu lực thi hành kể’ từ ngày 01/01/2017, cùng thời điểm Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực thi hành. Cùng với các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN năm 2015, Nghị định 24 đã tạo nên hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc triển khai các quy định của Luật NSNN năm 2015.
Về mặt xã hội, các quy định của Nghị định 24 giúp giám sát hiệu quả hơn đối với việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính của Nhà nước. Riêng đối với KBNN, Nghị định 24 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở pháp lý cho KBNN quản lý NQNN an toàn và hiệu quả; đồng thời, là nền tảng cho việc cải cách quản lý NQNN theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý tài chính.