Suy nghĩ về chế độ kiểm soát, thanh toán vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư
Một trong những thay đổi lớn về chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) là vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư được quy định rất cụ thể, rõ ràng tại Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/3/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012TT-BTC (Thông tư 39). Đây là sự thay đổi tích cực, thuận lợi cho các cơ quan đơn vị tổ chức thực hiện, đóng góp quan trọng trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính nhà nước hiện nay.
Ngày 15/4/2016 Thông tư 39 có hiệu lực thi hành.Thông tư 39 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/T-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN (Thông tư 161), đã thể hiện tính tích cực, phù hợp hơn với công cuộc cải cách thủ tục hành chính hiện nay, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và KBNN trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi.
Một trong những thay đổi lớn tại Thông tư 39 là vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư được quy định rất cụ thể, rõ ràng. Vậy đâu là những thay đổi tích cực và từ thực tế có cần thiết phải quy định bổ sung nữa không?
Đây là vấn đề mà trong phạm vi bài viết này sẽ đề cập đến với mong muốn quá trình thực hiện tại địa phương luôn thuận lợi nhưng đảm bảo tính pháp lý, tính thống nhất và hiệu quả trong công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước, góp phần tích cực hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN.
Những thay đổi tích cực
Điều đầu tiên ghi nhận là tại Thông tư 39 đã điều chỉnh phạm vi và đối tượng áp dụng bao gồm cả vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Đây là phạm vi và đối tượng mà trước đây tại Thông tư 161 không quy định. Đây là sự thay đổi lớn, bởi trước đây vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư không được quy định tại Thông tư hướng dẫn về chế độ kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN mà luôn luôn là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư hướng dẫn về “Quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước” (Thông tư số 86/2011/T-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn NSNN (Thông tư 86) áp dụng từ ngày 05/8/2011 đến 04/3/2016).
Đồng nhất với sự thay đổi trên, ngày 18/01/2016 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 08/2016/T-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN có hiệu lực thi hành từ ngày 05/3/2016 (thay thế Thông 86), tại Thông tư này nội dung về vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư không còn đề cập đến, mà chỉ còn quy định duy nhất một nội dung về: “Quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN”.
Qua dẫn chứng trên, để thấy rằng hiện nay đã “tách bạch” rất cụ thể về việc kiểm soát, thanh toán vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư; từ đây sẽ rất thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và KBNN các cấp trong việc tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, tại Thông tư 39 đã đưa ra “khái niệm” rất cụ thể về vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư: “Là các khoản chi từ nguồn kinh phí thường xuyên, kinh phí sự nghiệp cho sửa chữa, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có của cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp nhằm phục hồi hoặc tăng giá trị tài sản cố định”.
Từ đó, cơ quan tài chính các cấp và các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách cũng như KBNN cơ sở sẽ thuận lợi rất nhiều trong việc thực thi nhiệm vụ của mình, nhất là hệ thống KBNN trong việc xác định và phân công nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN.
Bên cạnh đó, hồ sơ tài liệu cũng như quy trình kiểm soát, thanh toán đã có sự thống nhất so với các văn bản quy định trước đây. Như chúng ta biết, trước đây Thông tư 86 đã quy định vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư dưới 01 tỷ đồng về hồ sơ ban đầu tương đối cụ thể như hiện nay quy định tại Thông tư 39.
Tuy nhiên, việc kiểm soát thanh toán lại quy định thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN (kể từ ngày 15/11/2012 là theo Thông tư 161). Song tại Thông tư 161 “không nói rõ” về chi sự nghiệp có tính chất đầu tư mà chỉ quy định là “Chi sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn và duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng nhỏ” và quy định về hồ sơ tài liệu gửi KBNN chỉ bao gồm: “Hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hoá đơn (đối với các khoản chi phải lựa chọn nhà thầu thì phải gửi Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền)”, hoàn toàn không đề cập đến Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc Dự toán kèm theo các Quyết định phê duyệt khi thanh toán…
Chính vậy, thời gian qua tại địa phương đã có cách hiểu, cách làm, sự vận dụng thực hiện khác nhau (vấn đề này đã có một số bài viết trao đổi, đăng trên Tạp chí Quản lý Ngân quỹ quốc gia). Đến nay, với quy định “duy nhất” chỉ có tại Thông tư 39 sẽ thông suốt được những vấn đề chưa đồng bộ, chưa thống nhất trước đây và sẽ thuận tiện nhiều cho các cấp, các ngành triển khai tổ chức thực hiện.
Một số nội dung cần hoàn thiện
Với những thay đổi tích cực nêu trên, đây là điều rất đáng ghi nhận tại Tông tư 39; tuy nhiên một số vấn đề thiết nghĩ cần có sự quy định bổ sung để phù hợp hơn với thực tế, đảm bảo tính pháp lý, thống nhất khi tổ chức thực hiện, đó là:
Về hồ sơ tài liệu ban đầu gửi KBNN: Đối với vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư có mức vốn dưới 01 tỷ đồng tại Thông tư 39 đã quy định rất cụ thể, rõ ràng, tương tự như quy định trước đây tại Tông tư 86.
Tuy nhiên, tại Thông tư 39 lại không quy định tập dự toán phải gửi KBNN (điều này trước đây tại Tông tư 86). Nếu vậy thì việc kiểm soát thanh toán tại KBNN cơ sở sẽ gặp khó khăn. Bởi trong tập dự toán thể hiện nhiều nội dung chi phí; riêng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng đã bao gồm nhiều khoản chi như chi phí lập thiết kế dự toán, chi phí thẩm tra, chi phí giám sát…
Trong khi đó, tại Quyết định phê duyệt thiết kế dự toán chỉ thể hiện chung 01 dòng là Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, do vậy nếu không có tập dự toán gửi kèm theo thì cán bộ kiểm soát chi của KBNN không có căn cứ làm cơ sở pháp lý để đối chiếu và kiểm soát, thanh toán các khoản chi phí trên (lập thiết kế dự toán, thẩm tra, giám sát)? Do đó, cần xem lại vấn đề này để có sự bổ sung cho phù hợp, thuận lợi hơn trong việc kiểm soát thanh toán của KBNN cơ sở.
Thực tế thời gian qua, rất nhiều trường hợp vốn sửa chữa, cải tạo… chỉ bố trí khoảng vài ba chục triệu đồng nên nhiều đơn vị sử dụng ngân sách không lập dự toán và nhiều trường hợp có lập nhưng không qua thẩm tra trước khi phê duyệt.
Lý giải vấn đề này, đơn vị sử dụng ngân sách cho là hợp lý, bởi công việc đơn giản, số vốn nhỏ; nếu qua khâu thẩm tra thì phải tốn chi phí, ảnh hưởng đến kinh phí chung của việc sửa chữa…
Hiện nay đang thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh cho Chủ đầu tư nên đơn vị sử dụng ngân sách cho rằng có thể tự quyết và chịu trách nhiệm về vấn đề này (do công việc đơn giản, số tiền nhỏ). Song đây cũng là nội dung có nhiều ý kiến tranh luận, bởi vốn trên 20 triệu đồng nhưng dưới bao nhiêu thì gọi là nhỏ, vấn đề này cũng chưa có văn bản nào quy định?
Hiện Thông tư 39 quy định dưới 20 triệu đồng chỉ lập Bảng kê chứng từ thanh toán, còn trên 20 triệu đồng phải ký hợp đồng và khi thanh toán phải sử dụng Bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán (mẫu 03.a).
Quy định trên, có đồng nghĩa với việc ràng buộc trên 20 triệu đồng đều phải lập dự toán, qua bước thẩm tra, rồi mới tiến hành phê duyệt dự toán hay không? (cho dù vốn sửa chữa chỉ vài ba chục triệu đồng)… Từ những lập luận và thực trạng trên, thiết nghĩ cần có sự quy định cụ thể để góp phần cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo tính pháp lý, tính thống nhất khi tổ chức thực hiện.
Đối với việc lựa chọn nhà thầu, theo quy định hiện hành thì với mức vốn 01 tỷ đồng được áp dụng hình thức chỉ định thầu, song mức vốn bao nhiêu không cần ban hành Quyết định chỉ định thầu thì lại chưa có văn bản hướng dẫn.
Thời gian qua, hầu hết đều “vận dụng” tương tự như “mua sắm tài sản” quy định tại Thông tư số 68/2012/T-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân (Thông tư 68), có nghĩa nếu mức vốn dưới 20 triệu đồng thì không ban hành Quyết định chọn thầu và cho rằng đó là điều đương nhiên được áp dụng chung cho tất cả các trường hợp.
Chính điều này, chưa được sự đồng thuận của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra; do vậy cần có sự quy định bổ sung để đảm bảo tính pháp lý khi thực hiện.
Đề xuất và kiến nghị
Để góp phần tích cực vào tiến trình cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo tính pháp lý, tính thống nhất, hiệu quả trong công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN; từ các quy định thay đổi tại Thông tư 39 và thực trạng đã đề cập, thiết nghĩ cần có sự quy định bổ sung và cụ thể hơn từ các cấp có thẩm quyền đối với vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư có mức vốn dưới 01 tỷ đồng.
Theo chúng tôi, trước tiên cần quy định với trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện việc lập dự toán và phê duyệt thiết kế - dự toán thì cần quy định bổ sung là đơn vị sử dụng ngân sách phải gửi kèm cho KBNN tập Dự toán để có cơ sở cho KBNN đối chiếu, kiểm soát, thanh toán (như thanh toán về chi phí lập thiết kế dự toán, chi phí thẩm tra, chi phí giám sát).
Mặt khác, cần quy định cụ thể với mức vốn bao nhiêu thì Chủ đầu tư (đơn vị sử dụng ngân sách) không cần thuê đơn vị tư vấn lập thiết kế - dự toán hoặc không cần qua thẩm tra hoặc không cần ban hành quyết định phê duyệt thiết kế - dự toán?
Để tiếp tục góp phần cải cách thủ tục hành chính, có thể cho phép với những công trình có mức vốn trên 20 triệu đồng nhưng dưới 50 triệu đồng (hoặc có thể quy định dưới 100 triệu đồng); nếu chủ đầu tư tính toán, xác định được dự toán thì không cần thuê đơn vị tư vấn để lập thiết kế dự toán cũng như thẩm tra và Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc phê duyệt dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công.
Bên cạnh đó, để có cơ sở pháp lý thực hiện nên bổ sung quy định là với các công việc sửa chữa có mức vốn dưới 20 triệu đồng thì không cần ban hành quyết định chọn thầu, chứ không thể tự “vận dụng” tương tự như mua sắm hàng hóa theo quy định tại Thông tư 68. Còn về hợp đồng quy định tại Thông tư 39 không nên dùng từ “Hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ”, vì thực ra vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư chủ yếu sử dụng để sửa chữa, cải tạo, mở rộng, xây dựng…(như khái niệm đã đề cập ở trên).
Có thể dùng từ chung như trước đây quy định tại Thông tư 86 là “hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu” hoặc tùy nội dung mà chủ đầu tư thể hiện cụ thể ở hợp đồng.
Đồng thời, để đơn giản hóa các nội dung thể hiện trong hợp đồng, thiết nghĩ nên ban hành mẫu hợp đồng riêng để áp dụng đối với vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư có mức vốn dưới 01 tỷ đồng (nếu dưới 100 triệu đồng thì mẫu càng đơn giản hơn), chứ không thể sử dụng như mẫu “Hợp đồng thi công xây dựng công trình” mà hiện nay đang áp dụng theo Thông tư số 09/2011/ T-BXD ngày 28/6/2011 của Bộ Xây dựng hướng dẫn mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình.