Nền tảng hóa trong các mô hình kinh doanh kỹ thuật số của các công ty và nền kinh tế dịch vụ
Bài viết trình bày phân tích các xu hướng vận hành hiện nay của các tổ chức, doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số các quy trình kinh doanh, quản lý chi phí, bán sản phẩm và giao tiếp với khách hàng. Qua đó, khái niệm về mô hình kinh doanh nền tảng kỹ thuật số được xác định và tầm quan trọng của việc hình thành các năng lực và kỹ năng cần thiết trong đội ngũ quản lý và nhân viên của các tổ chức để triển khai và sử dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ hiện đại trong các hoạt động của chính họ được xác định.
Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nghiên cứu, bài viết áp dụng hệ thống phương pháp phân tích, tổng hợp số liệu, thống kê, phương pháp so sánh, thu thập thông tin nhằm đánh giá nền tảng hóa trong các mô hình kinh doanh kỹ thuật số hiện nay của các công ty và nền kinh tế dịch vụ.
Hình 1: Cấu trúc mô tả mô hình kinh doanh nền tảng
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Khái niệm kinh doanh nền tảng (Business platform)
Theo nghiên cứu của các tác giả Sangeet Paul Choudary, Marshall W. Van Alstyne, Geoffrey G. Parker (2017) trong cuốn “Cuộc cách mạng Nền tảng - Platform Revolution” thì nền tảng là hình thức kinh doanh dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo nên giá trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài với người tiêu dùng. Mục đích tổng thể của nền tảng để tương thích hoàn toàn giữa người dùng với sự thuận lợi trong việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ hoặc tiền tệ xã hội, qua đó kích hoạt việc tạo ra giá trị cho tất cả các bên tham gia.
Để dễ hiểu về mô hình kinh doanh Platform Revolution, Smart Factory Việt Nam đã đưa ra một vài ví dụ về các nền tảng trên thế giới và ở Việt Nam như sau:
Uber là một nền tảng (Platform) hoạt động trong lĩnh vực vận tải, nó kết nối tài xế với người những khách hàng có nhu cầu đi lại. Giá trị mà Uber tạo ra đó là những chuyến xe chở khách hàng đến nơi cần đến. Sự thuận lợi mà nó mang lại cho khách hàng là: dễ dàng gọi xe trên điện thoại thông minh, tài xế có thể biết được chính xác khách hàng đang ở đâu và khách hàng dễ dàng thanh toán bằng tiền mặt hoặc là bằng thẻ tín dụng…
Lazada là một nền tảng (Platform) hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Giá trị mà Lazada tạo ra đó là giúp người bán và người mua có thể thực hiện việc mua - bán một cách dễ dàng. Sự thuận lợi mà nó mang lại cho khách hàng là tạo được một marketplace (chợ trực tuyến) để mọi người có thể mua - bán dễ dàng, mua hàng mọi lúc mọi nơi và hình thức thanh toán cũng rất đa dạng…
Thực tế cho thấy, hình thức này đã diễn ra từ khá lâu, có thể nói, chợ truyền thống hay sàn chứng khoán cũng được xem là một nền tảng (Platform) kết nối người bán và người mua.
Ngày nay, người ta biết đến các platform thường gắn liền với các yếu tố về công nghệ. Không thể phủ nhận là nhờ có công nghệ mà các platform có thể kết nối người sản xuất và người tiêu dùng một cách chính xác, nhanh chóng và dễ dàng hơn bao giờ hết. Đặc biệt với sự nổi dậy của các platform như: Uber, Facebook, Airbnb… đã thu hút sự quan tâm của mọi người đến chủ đề này nhiều hơn.
Các hệ sinh thái dựa trên nền tảng
Các công ty như Apple, Google, Amazon, Microsoft và Facebook là một trong những công ty lớn trên thế giới. Tuy nhiên, lại rất ít các doanh nghiệp nền tảng thuần túy. Thay vào đó, các công ty này được củng cố bởi sự kết hợp của các mô hình kinh doanh, bao gồm cả các nền tảng và được hỗ trợ bởi nền tảng.
Thuật ngữ “hệ sinh thái – Ecosystem” thường được định nghĩa trong bối cảnh kinh doanh là một nhóm các tổ chức phụ thuộc lẫn nhau cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho khách hàng của họ hay nói các khác hệ sinh thái là một nhóm các tổ chức – thuộc cùng quyền sở hữu hoặc liên kết chiến lược có được giá trị đáng kể từ ít nhất một doanh nghiệp nền tảng. Các hệ sinh thái nền tảng thúc đẩy sự tương tác giữa các mô hình kinh doanh khác nhau là một phần của hệ sinh thái để củng cố các đề xuất của khách hàng và tạo ra sự gắn bó.
Nghiên cứu về cấu trúc nền tảng còn khá trẻ. Trong số những nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên, phải kể đến công trình của các nhà kinh tế MIT M. Cusumano và A. Gaver, xuất bản năm 2008. Gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu được thực hiện về chủ đề này, thảo luận về các khía cạnh, khái niệm và chiến lược khác nhau của nền tảng, nhưng vẫn còn thiếu một định nghĩa rõ ràng và thống nhất về nền tảng. Các định nghĩa khác nhau có các điểm đầu vào và nền tảng lý thuyết khác nhau (kinh tế học, nghiên cứu cấu trúc ngành, chiến lược sản phẩm hoặc chiến lược cạnh tranh). Ngoài ra, còn có sự khác biệt giữa các nền tảng 2 bên, trong đó chỉ có 2 bên tương tác, chẳng hạn như: Uber (tài xế và hành khách chuyên nghiệp); Airbnb (chủ nhà và người thuê nhà) và các nền tảng đa bên, như hệ điều hành Google Android (người dùng, nhà sản xuất thiết bị, nhà phát triển phần mềm).
Các yếu tố cấu trúc chính của nền tảng
Các tham số thiết kế chính của nền tảng, được phân tích từ quan điểm cơ bản của phân tích hệ thống gồm có: Số lượng người tham gia; Cơ chế định gia; Quy chế quản trị và sự cân bằng giữa mở và đóng.
Theo Kübel, Zarnekow (2014), mô hình kinh doanh của nền tảng có thể được xem xét ở một số khía cạnh như sau: Đề xuất giá trị, mô tả giá trị được tạo ra bởi các sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp cho khách hàng và nhà cung cấp; Kiến trúc giá trị cho thấy, cách các nguồn lực và năng lực được cấu hình và phân bổ để cung cấp dịch vụ; Các chỉ số tài chính phản ánh khía cạnh doanh thu với các mô hình định giá cho các đối tác và chi phí sử dụng và chuyển đổi nền tảng; Mạng giá trị mô tả các vai trò khác nhau của các tác nhân trong khái niệm nền tảng. Quản lý giá trị xác định cơ chế tiếp cận, tương tác và khuyến khích kinh tế.
Cơ sở hạ tầng nền tảng
Cơ sở hạ tầng của nền tảng kỹ thuật số là môi trường trong đó một phần mềm được thực thi. Nó có thể là phần cứng hoặc hệ điều hành, thậm chí là trình duyệt web và các giao diện lập trình ứng dụng liên quan hoặc phần mềm cơ bản khác, miễn là mã chương trình được thực thi với nó.
Việt Nam đã và đang đầu tư vào hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng kết nối đến từng gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số.
Cơ sở hạ tầng của nền tảng kỹ thuật số còn được hiểu là hệ thống vật lý và công nghệ để hoạt động. Đây là các yếu tố cơ bản cần thiết để xây dựng và vận hành các dịch vụ kỹ thuật số, bao gồm: internet, điện thoại di động, ứng dụng di động, đám mây và các hệ thống, ứng dụng khác.
Cơ sở hạ tầng của nền tảng kỹ thuật số bao gồm các yếu tố và công nghệ hỗ trợ việc truyền thông, lưu trữ và xử lý dữ liệu trong môi trường số hóa. Đây là các yếu tố cơ bản để xây dựng và duy trì hệ thống kỹ thuật số. Một số thành phần quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cụ thể như sau:
Mạng và kết nối (Network and connectivity): Mạng là hệ thống cơ sở hạ tầng chính để truyền tải dữ liệu và thông tin giữa các thiết bị và người dùng. Nền tảng kỹ thuật số dựa vào mạng internet và các mạng máy tính khác để kết nối các thành phần với nhau và tạo ra một hệ thống liên kết. Nó bao gồm hạ tầng mạng dây (cáp quang và đường truyền cáp đồng) và mạng không dây (mạng di động và wifi), hay đơn giản nó có thể là mạng internet công cộng hoặc mạng riêng ảo (VPN) dùng trong môi trường doanh nghiệp.
Trung tâm dữ liệu (Data center): Trung tâm dữ liệu là nơi lưu trữ và quản lý các máy chủ, hệ thống lưu trữ và các thiết bị mạng. Nó cung cấp không gian vật lý để lưu trữ dữ liệu và ứng dụng, cũng như cơ sở hạ tầng mạng để kết nối các thiết bị với nhau, thường được thiết kế để đảm bảo hiệu suất cao, độ tin cậy và an ninh cho việc lưu trữ và xử lý dữ liệu. Máy chủ là các hệ thống tính toán mạnh mẽ và lưu trữ dữ liệu được sử dụng để chạy ứng dụng và lưu trữ dữ liệu. Các máy chủ thường được triển khai trong các trung tâm dữ liệu có khả năng chịu lỗi và có thể mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Đám mây (Cloud): Đám mây là một hình thức lưu trữ và xử lý dữ liệu trên internet, thay vì trên các máy tính cá nhân hoặc máy chủ cục bộ. Các dịch vụ đám mây cung cấp khả năng truy cập dữ liệu từ xa và khả năng mở rộng linh hoạt. Đây là một mô hình cung cấp tài nguyên máy tính như máy chủ, lưu trữ và dịch vụ thông qua internet. Nó cho phép người dùng truy cập và sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số mà không cần phải quan tâm đến việc xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng vật lý.
Công nghệ ảo hóa (Virtualization): Công nghệ ảo hóa cho phép chia sẻ và tận dụng tài nguyên máy tính một cách hiệu quả hơn bằng cách tạo ra các phiên bản ảo của các máy tính vật lý. Điều này giúp tăng cường khả năng sử dụng tài nguyên và quản lý hệ thống hiệu quả.
Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) và trình độ của người sử dụng máy tính: AI và trình độ của người sử dụng máy tính đóng vai trò quan trọng trong phân tích và xử lý dữ liệu kỹ thuật số. Các thuật toán, mô hình AI và trình độ của người sử dụng máy tính được sử dụng để hiểu, phân loại và tổ chức dữ liệu, tạo ra dự đoán và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu đó.
Dịch vụ web (Web services): Dịch vụ web là các ứng dụng và công nghệ được cung cấp qua internet. Đây có thể là các trang web, ứng dụng di động, dịch vụ truyền thông xã hội và nhiều dịch vụ khác. Các dịch vụ web dựa trên các giao thức và tiêu chuẩn như: HTTP, HTML, CSS và JavaScript để cung cấp các trang web tương tác và ứng dụng.
Công nghệ lưu trữ: Để lưu trữ và quản lý dữ liệu, nền tảng kỹ thuật số sử dụng các công nghệ lưu trữ như: ổ cứng, ổ đĩa SSD, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu và các công nghệ lưu trữ đám mây như S3 của Amazon hay Google Cloud Storage.
Bảo mật và quản lý dữ liệu: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần có các giải pháp bảo mật mạnh mẽ để đảm bảo an toàn cho dữ liệu và hệ thống. Điều này bao gồm mã hóa dữ liệu, kiểm soát truy cập, bảo vệ chống lại các mối đe dọa an ninh và quản lý chính sách bảo mật. Đây là yếu tố quan trọng trong cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Internet of Things (IoT): IoT đề cập đến mạng kết nối các đối tượng vật lý, thiết bị và cảm biến để thu thập và trao đổi dữ liệu. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần hỗ trợ việc kết nối và quản lý hàng tỷ thiết bị IoT để thu thập dữ liệu và thực hiện các tác vụ tự động.
Các dịch vụ và giao thức kỹ thuật số: Nền tảng kỹ thuật số sử dụng các giao thức truyền thông như: TCP/IP, HTTP, FTP để truyền tải và trao đổi dữ liệu. Ngoài ra, các dịch vụ và giao thức như: DNS, DHCP, SSL/TLS, VPN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Các công nghệ như Content Delivery Network (CDN) giúp tối ưu hóa việc phân phối nội dung và cung cấp trải nghiệm tốt cho người dùng.
Những yếu tố trên đều là những thành phần cơ bản của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tạo nên một môi trường cho phép việc trao đổi thông tin, lưu trữ và xử lý dữ liệu hiệu quả. Tất cả các yếu tố trên cùng nhau tạo nên cơ sở hạ tầng của nền tảng kỹ thuật số và đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số đa dạng và tiện ích cho người dùng.
Kết luận
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, nền tảng hóa các mô hình kinh doanh kỹ thuật số đóng vai trò cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc. Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào mô hình kinh doanh đã mở ra những cơ hội mới, tạo ra sự thay đổi đáng kể và nâng cao hiệu suất của các doanh nghiệp như:
Thứ nhất, tạo ra sự cạnh tranh. Bằng cách tận dụng công nghệ kỹ thuật số, các doanh nghiệp có thể phát triển mô hình kinh doanh mới và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến hơn. Điều này giúp tăng cường sự cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Thứ hai, mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng. Các mô hình kinh doanh kỹ thuật số cho phép doanh nghiệp mở rộng thị trường của mình và tiếp cận khách hàng ở mọi nơi trên thế giới. Bằng cách tận dụng các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội, các doanh nghiệp có thể tăng cường sự hiện diện của mình và tạo dựng mối quan hệ với khách hàng mới và hiện tại.
Thứ ba, tăng cường trải nghiệm khách hàng. Công nghệ kỹ thuật số cho phép các doanh nghiệp cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn và cá nhân hóa hơn. Từ việc tùy chỉnh sản phẩm và dịch vụ, cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn đến cung cấp nền tảng mua sắm và giao dịch trực tuyến thuận tiện, nền tảng hóa kỹ thuật số mang lại sự tiện ích và thoải mái cho khách hàng.
Thứ tư, tối ưu hóa quy trình kinh doanh. Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào mô hình kinh doanh giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu suất làm việc. Từ việc tự động hóa quy trình sản xuất, quản lý kho hàng, quản lý tài chính đến việc thu thập và phân tích dữ liệu, công nghệ kỹ thuật số giúp doanh nghiệp làm việc một cách hiệu quả và tiết kiệm thời gian.
Thứ năm, khả năng thích nghi và đổi mới. Nền tảng hóa các mô hình kinh doanh kỹ thuật số mang lại khả năng thích nghi và đổi mới. Các doanh nghiệp có thể linh hoạt và nhanh chóng thích ứng với thay đổi trong môi trường kinh doanh, và tận dụng những công nghệ mới để phát triển sản phẩm và dịch vụ tiên tiến.
Tóm lại, nền tảng hóa các mô hình kinh doanh kỹ thuật số đã thay đổi cách thức các doanh nghiệp hoạt động và mang lại nhiều lợi ích lớn. Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số giúp tạo ra sự cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng cường trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa quy trình và khả năng thích nghi. Điều này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và thành công của các doanh nghiệp trong thời đại số hóa ngày nay.
Tài liệu tham khảo:
- Gawer A., Cusumano M (2008), MIT Sloan Management Review, 2, 28-35;
- Antipina O.N. (2020), Mirovaya ekonomika i mezhdunarodnye otnosheniya, 3, 12-19;
- Cusumano M (2010), Quản lý và chiến lược công nghệ: Sự phát triển của tư duy nền tảng, Truyền thông của ACM, 1, 32-34;
- Plotnikov A.V. (2019), Khái niệm thị trường song phương và nền tảng đa phương như một yếu tố của nền kinh tế kỹ thuật số, Tạp chí kinh tế Moscow, 7, 256-263;
- Kübel H., Zarnekow R. (2014), Đánh giá các mô hình kinh doanh nền tảng trong ngành viễn thông thông qua các nghiên cứu điển hình dựa trên khung về nền tảng dịch vụ đám mây và nhà thông minh, Hội nghị Hoa Kỳ lần thứ 20 về Hệ thống thông tin, 1-10;
- Porter ME, Heppelmann JE (2014), Các sản phẩm được kết nối, thông minh đang thay đổi cuộc cạnh tranh như thế nào, Harvard Business Review, 92(11), 64-88;
- Sheve G., Husig S., Gumerova G.I., Shaimieva E.Sh (2019), Từ Công nghiệp 3.0 đến Công nghiệp 4.0: Các khái niệm, thước đo và thành phần chính của Công nghiệp 4.0, Đầu tư vào Nga, 9 (296), 32-40;
- Herrmann M., Pentek T., Otto B (2016), Nguyên tắc thiết kế cho các kịch bản Công nghiệp 4.0, Hội nghị Quốc tế Hawaii lần thứ 49 về Khoa học Hệ thống (HICSS), 3928-3937;
- Hagiu A., Wright J (2015), Nền tảng nhiều mặt, Tạp chí Quốc tế về Tổ chức Công nghiệp, 162-174.