Nên xem hộ kinh doanh là doanh nghiệp
Trao đổi về phát triển doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng nên thay đổi quan điểm xem hộ kinh doanh cũng là DN để có ứng xử phù hợp. Theo đó, cho họ đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện để họ kinh doanh có lợi. Người kinh doanh có lợi ngân sách có lợi và ngược lại.
Phóng viên: Ông có thể phân tích về quan điểm coi hộ kinh doanh cũng là DN?
Ông Vũ Tiến Lộc: Theo khái niệm DN ở các nước khác, Việt Nam hiện phải có 5-6 triệu DN (bao gồm cả cá nhân, hộ kinh doanh hiện nay). Bởi ở các nước 1 người làm kinh doanh có đăng ký được coi là 1 DN.
Chính vì vậy, tỷ lệ của họ là 10 người dân có 1 DN. Với khái niệm rộng hơn này, tại Việt Nam, theo tính toán trung bình 15-17 người dân có 1 DN. Điều này là đúng, vì theo kết quả khảo sát gần đây của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế được khảo sát về tinh thần khởi nghiệp.
Ở các quốc gia khác khó nhìn thấy được tinh thần khởi nghiệp như Việt Nam. Với tinh thần kinh doanh cao như vậy, không thể nói chúng ta có số lượng DN thấp được. Thực tế này cho thấy có vấn đề về quan điểm thế nào là DN và hệ thống pháp lý về DN ở nước ta, cũng như liên quan đến yếu tố minh bạch.
Nếu theo quan niệm cũ, mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 là không thể thực hiện được. Theo quan điểm mới, coi các hộ kinh doanh cũng là DN, và như vậy hiện nước ta có khoảng 5-6 triệu doanh nhân. Kèm theo đó là lực lượng lao động trên 20 triệu người. Do vậy phải thay đổi quan điểm về DN, cho họ đăng ký kinh doanh và hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ trong kinh doanh.
Ông có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của việc thay đổi cách nhìn nhận cá nhân, hộ kinh doanh là DN?
Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, của cách mạng công nghiệp 4.0 hoàn toàn có thể minh bạch hóa, chính thức hóa các hộ, cá nhân kinh doanh nhỏ, phải cho họ đăng ký kinh doanh và coi họ như DN siêu nhỏ. Họ phải được coi là doanh nhân và hoạt động trong cộng đồng DN.
Không thể khoanh vùng 500.000 DN mà bỏ rơi cộng đồng DN siêu nhỏ, không cần quản lý. Thừa nhận và khuyến khích họ đăng ký kinh doanh, phát triển là phù hợp với quan niệm của các nước trên thế giới.
Khối DN siêu nhỏ phải từng bước được minh bạch và tham gia cộng đồng DN. Và chỉ khi quan niệm cộng đồng DN như vậy mới phát triển lực lượng DN trong nước lớn mạnh và bền vững được. Trong kỷ nguyên số, nhiều lao động cá nhân chỉ cần ứng dụng công nghệ có thể cung cấp được dịch vụ, hàng hóa ra thị trường và tạo ra 1 DN, có thể chinh phục thị trường và nộp thuế cho Nhà nước.
Yếu tố quan trọng cần hướng đến sự minh bạch của môi trường kinh doanh, là nền tảng quyết định để tạo nên thị trường cạnh tranh thực sự, bởi không minh bạch không có cạnh tranh. Một thị trường minh bạch sẽ hỗ trợ DN nhỏ cạnh tranh, lớn mạnh dần lên.
Những vấn đề tồn tại trong các DN siêu nhỏ như thuế khoán cần phải được đàm phán bình đẳng với cơ quan thuế, với chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, nền kinh tế vỉa hè dựa trên sự thỏa thuận, thông đồng với các quan chức, sẽ được minh bạch hóa, tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng DN phát triển.
Như vậy, hàm ý của ông là phải nâng cao chất lượng của hộ, cá nhân kinh doanh hiện nay, coi họ là DN để có chính sách phù hợp?
Thực tế Việt Nam không phải có quá ít DN, vấn đề là chúng ta có nhiều DN quá nhỏ cần phải nâng cấp. Chúng ta đặt mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020, tức theo khái niệm hiện nay phải 150-170 người dân/DN. Nếu so sánh với tỷ lệ nhiều nước khác 10-12 người dân/DN, chúng ta sẽ thấy khoảng cách quá lớn, dễ dẫn đến việc chạy theo số lượng.
Còn nếu chúng ta mở rộng khái niệm như các nước, tỷ lệ này chỉ 15-17 người dân/DN. Với quan niệm mới này chúng ta sẽ tập trung vào nâng chất lượng DN bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho họ hoạt động hiệu quả, phát triển hơn, từ đó dần tăng quy mô DN.
Để thực hiện điều này, toàn bộ hệ thống cần tập trung nâng cao chất lượng DN, minh bạch hóa, không chỉ tập trung tăng số lượng DN. Chính sách theo tinh thần như vậy sẽ phù hợp với thực chất, bản chất, phù hợp với tinh thần của cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu tạo ra được tư duy như vậy, hệ thống mới thay đổi sẽ hướng tới nâng cấp cả nền kinh tế.
Đã có nhiều ý kiến nhận định DN tư nhân không muốn lớn, hộ gia đình không muốn phát triển lên DN do chính sách thuế không nghiêm, không công bằng. Ông nghĩ sao về điều này?
Không nhất thiết yêu cầu hộ, cá nhân kinh doanh phải chuyển đổi lên DN. Vấn đề ở đây là tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch để họ được nâng cấp về quản trị. Chúng ta cần đánh giá về đóng góp của khu vực này vào lợi ích chung, cho xã hội, không nên quá lo lắng về quy mô DN siêu nhỏ. Hiện nay khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP, chiếm ưu thế so với khu vực DNNN và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong đó phần lớn đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân thuộc về kinh tế cá thể, hộ gia đình. Trong thời gian qua, những nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh của Chính phủ đang mở ra nhiều cơ hội cho DN tư nhân phát triển.
Xin cảm ơn ông.
Quan niệm hiện tại chỉ coi DN là những công ty được đăng ký theo Luật DN, những đối tượng kinh doanh còn lại không phải là DN, dù khu vực này đang chiếm tỷ trọng lớn và đóng góp nhiều vào GDP. Vì vậy, việc thay đổi quan niệm để từ đó có cách ứng xử phù hợp để khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình phát triển là cần thiết.