Nếp nhà


Mỗi khi Tết đến xuân về mọi người thường nhắc nhau giữ lấy gia phong, gia bản. Còn bà mẹ nông dân cả đời thắt lưng bó que, chắt chiu, thuần hậu thì bảo, đói no không ai biết nhưng nếp nhà mà xộc xệch thì chả làm sao giấu được thiên hạ.

Mỗi khi Tết đến xuân về mọi người thường nhắc nhau giữ lấy gia phong, gia bản.
Mỗi khi Tết đến xuân về mọi người thường nhắc nhau giữ lấy gia phong, gia bản.

Đương nhiên, giữ nếp nhà là câu chuyện cả năm, cả đời. Thế nhưng ngày Tết là dịp ông bà, cha mẹ khuyên răn, bảo ban con cháu.

Thời trước dân mình quan niệm, nhà có phúc là phải tứ đại đồng đường, ngũ đại đồng đường. Nghĩa là bốn, năm thế hệ cùng ở trong một nhà. Rậm người hơn rậm của.

“Rậm” không chỉ ở số đông mà ở đường ăn nết ở đầy đặn, không 112 như ở đâu đó “nhà kia lỗi phép con khinh bố/Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” (Thơ Tú Xương).

Hà Nam quê xưa tự hào có nhà thơ Nguyễn Khuyến - Tam Nguyên Yên Đổ. Cụ là nhà Nho yêu nước trọng tình trọng nghĩa, luôn dạy con giữ đạo nhà, lấy việc lớn làm trọng chứ không “kính” người học gạo, đỗ đạt cốt ra làm quan lớn.

Khi Nguyễn Hoan đỗ tiến sĩ được bổ làm Tri phủ Lý Nhân, cụ Tam có bài thơ Xuân nhật thị tử Hoan (Ngày xuân dạy con là Hoan). Bài thơ có đoạn: Ta đã từ quan con lại quan/Làm quan biết cách khó vô vàn/Danh cao sợ lấn lòng ngay mất/Nhà khó nên làm chức nhỏ hơn.

Chỉ riêng việc dặn con giữ lòng ngay, “biết cách” làm quan cho đúng mực, được dân yêu, đã đủ thấy một gia đình chân nho, gia giáo, tiết tháo, trọng nghĩa tình.

Nhớ về những Tết xưa khi đất nước còn nghèo nhưng có những phong tục, tập quán thật là đẹp đẽ. Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh… là những hương vị vật chất, tinh thần đi suốt cuộc đời mỗi người.

Con cái dù đi gần về xa, ngày Tết là ngày sum họp. Mồng một Tết cả nhà quây quần trước bàn thờ tiên tổ, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cầu mong sức khỏe, làm ăn phát đạt. Lời chúc đầu năm an khang, thịnh vượng rộn rằng từ ngoài đường vào từng ngõ, từng nhà.

Chính là vào dịp Tết, các bậc ông bà thường nhắc nhở cháu con gìn giữ truyền thống gia đình. Ông ngoại tôi là một nhà Nho, dặn lại nhiều điều, nhưng tôi nhớ nhất hai điều.

Thứ nhất là phải gắng học hành để có trí tuệ thật sự, chứ không phải cái mẽ để lòe thiên hạ: “Hữu thức phi nan nan thức đáo/Vô danh bất hoạn hoạn danh phù”. (Không có tri thức không sợ, sợ nhất là hiểu biết không đến nơi đến chốn.

Không có danh không sợ, sợ nhất là danh hão, danh suông). Thứ hai là, đừng sợ mình không có bạn bè, chỉ sợ mình nghèo nàn xơ xác. Nghèo ở đây không chỉ nghèo tiền của mà còn nghèo tình nghèo nghĩa: “Bần cư trung thị vô nhân vấn/Phú tại sơn lâm khách hữu tầm”. (Nghèo thì ở nơi trung tâm gần đường, gần chợ cũng chả ai hỏi đến.

Còn giàu thì có ở rừng núi cũng nhiều người tìm đến). Mới hay nếp nhà phải được dạy dỗ từ tấm bé. Hiểu sao cho đúng về trí tuệ và sự giàu nghèo thế là nếp nhà căn cơ, bền vững.

Hàng xóm tôi là một ông giáo cấp một (nay gọi là tiểu học), ông rèn giũa thì phải nhận hai tay và thưa: Con xin, cháu xin! Đi qua trước bàn thờ thì phải cúi người.

Ai rót nước mời thì phải uống và uống cho hết chén, đừng có cầm lên đặt xuống rồi để nguyên chén đầy là chê người ta, nhớ bớt chút “cấn” lại. Con dâu mới về nhà chồng, thầy bảo: Con chấm rau muống vào bát nước mắm thì nhớ chấm đứng ngọn rau… Dọn nhà nhớ quét cho đau cái chổi.

Chổi rơm quét tước xong rồi phải để vào đúng góc nhà không được bạ đâu cũng ném… Dạy con kỹ lưỡng thế không phải là khó tính mà để cho vào khuôn vào thước. Bởi, từ cái bé này mà ra cái lớn.

Ngoan ở nhà thì sẽ thành người hiền tài ngoài xã hội. Đúng như thầy nói, cả ba người con thầy sau này đều đi bộ đội, trở về học đại học và đều trở thành những nhà khoa học danh tiếng. (Thầy không thích gọi ra học hàm, học vị).

Chuyện xưa là thế. Chuyện nay càng phải thế! Vẫn biết thời nay, khoa học công nghệ đã tiến những bước rất dài. Thời cách mạng công nghiệp 4.0 đã gõ cửa từng nhà. Nhưng nếp nhà thì không thể khác được, bề trên gương mẫu, phận con cháu lấy chữ hiếu làm đầu.

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha. Lời Phật dạy đúng với hôm qua, hôm nay và muôn đời sau, dẫu rằng sau đây sẽ là thời đại 4.0, hay 5.0 đi nữa.

Chữ hiếu, dịch sang tiếng nước ngoài thật khó hết nghĩa. Tôi đã đến một làng người Việt ở Bremen (Đức). Ở đó bà con Việt Kiều bảo cứ nói với người Đức là con cái đối với ông bà cha mẹ phải có hiếu. Giữ nguyên từ này, không phải dịch, và không dịch được.

Nói vậy nhưng lòng không khỏi vân vi. Trong ngày xuân cũng muốn nói đôi điều về nếp nhà, không ít nhà đang bị lung lay. Nhiều đứa trẻ sinh ra không còn được tắm suối nguồn trong mát - lời mẹ ru.

Nhiều đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong căn nhà đầy tiếng chửi mắng, lời ăn tiếng nói cộc cằn. Nhiều đứa trẻ được bố mẹ khoán trắng cho thầy cô giáo, từ lúc ở lớp học đến lúc về nhà tiếp tục học thêm.

Có câu chuyện cười ra nước mắt, một học sinh lớp ba trong bài văn kể chuyện gia đình, kể rằng: “Nhà em có nuôi một ông nội” (!). Có những đứa trẻ lớn lên làm cha, làm mẹ nhưng không hiểu những phép tắc tối thiểu trong ứng xử gia đình.

Thế cho nên những chuyện bạo lực gia đình, đau hơn là những vụ án mạng chồng giết vợ, anh giết em đã xảy ra ngoài sức tưởng tượng của con người, mà không chỉ là một, hai vụ.

Tôi chắc trong những gia đình quan tâm đến nhau, có sự bảo ban, dạy dỗ chu đáo của bậc sinh thành từ tấm bé thì không thể xảy ra những chuyện đau lòng, thương tâm như vậy!

Các nhà văn hóa nói rằng, nếp nhà là cái nôi khai sinh một gia đình có văn hóa. Nếp nhà là nơi chuẩn bị, tạo ra những công dân có ích cho xã hội.

Đúng như thế. Nhưng tôi chỉ muốn nói một điều giản dị: Nếp nhà là cái nóc nhà, chớ bao giờ để dột; là cái cột nhà chớ bao giờ để mối mọt; là cái bậu cửa để từ đó mỗi đứa trẻ bước ra thế giới…

Theo Nguyễn Hải Đường/kinhtemoitruong.vn